Thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn huyện cư kuin, tỉnh đắk lắk (Trang 28 - 32)

vực đất đai

1.2.2.1. Khái niệm thực hiện pháp luật

Thực hiện pháp luật: “Hành vi của chủ thể (hành động hoặc không hành động) được tiến hành phù hợp với quy định, với yêu cầu của pháp luật, tức là không trái, không vượt quá khuôn khổ mà pháp luật đã quy định” [12, tr. 19].

Dưới góc độ pháp lý thì thực hiện pháp luật là hành vi hợp pháp. Hành vi đó không trái với các quy định của pháp luật, phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Thực hiện pháp luật cũng có thể là hành vi của mỗi cá nhân hay hành vi của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội. Thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích làm cho các quy định của pháp luật đi vào thực tế, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể

Thực hiện pháp luật được phân thành 4 hình thức như sau:

Tuân thủ pháp luật: “Là hình thức thực hiện pháp luật một cách thụ động, thể hiện ở sự kiềm chế của chủ thể để không thực hiện các hành vi vi phạm các quy định cấm đoán của pháp luật” [12, tr. 19].

Thi hành pháp luật: “Là hình thức thực hiện pháp luật một cách chủ động. Các chủ thể thực hiện thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Những quy phạm pháp luật bắt buộc được thực hiện hình thức này” [12, tr. 19].

Sử dụng pháp luật: “Là khả năng của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật có thể sử dụng khai thác hay không sử dụng, khai thác, hưởng quyền mà luật đã dành” [21, tr. 19, 20].

Áp dụng pháp luật: “Là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết, xử lý những vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình” [12, tr. 20].

Thực hiện pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai là yêu cầu đối với người sử dụng đất, người khiếu nại, tố cáo và người giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong 4 hình thức thực hiện pháp luật, nếu như tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và sử dụng pháp luật là những hình thức có tính phổ biến mà các chủ thể pháp luật có thể thực hiện thì áp dụng pháp luật mang tính đặc thù riêng, nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của cơ quan nhà nước hay của cán bộ, công chức có thẩm quyền. Biểu hiện rõ nét nhất là các chủ thể pháp luật khi thực hiện các quy định của pháp luật luôn có sự can thiệp của Nhà nước hay của cán bộ, công chức có thẩm quyền, đảm bảo cho các quy phạm pháp luật được thực hiện triệt để, hiệu lực và hiệu quả khi tác động vào cuộc sống, vào các quan hệ xã hội. Qua thực tiễn cho thấy đối với địa phương, nhất là chính quyền cấp huyện thì việc thực hiện đồng bộ 4 hình thức thực hiện pháp luật nêu trên đóng vai trò rất quan trọng, nhưng việc áp dụng pháp luật là có vai trò quan trọng hơn cả.

Chủ thể thực hiện pháp luật là những chủ thể phải thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật. Nghĩa vụ theo pháp luật có thể là những nghĩa vụ được quy định trực tiếp trong các văn bản quy phạm pháp luật, hoặc trong phán quyết của Tòa án, hoặc trong những quyết định có hiệu lực mà chủ thể đó có nhiệm vụ phải thi hành.

Chủ thể thực hiện pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, đó là những cơ quan hành chính nhà nước, chủ thể duy nhất có thẩm quyền áp dụng pháp luật, là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Chủ thể có thẩm quyền được trao quyền quản lý, gắn với một trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định, dựa vào các trường hợp cụ thể để xử lý khi có sự kiện pháp lý phát sinh. Tùy theo mỗi nhà nước, sự phân công về các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ khác nhau. Trong giới hạn nghiên cứu, luận văn chủ yếu đề cập đến các chủ thể là các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, gồm: Chủ tịch UBND các cấp; Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương; Giám đốc sở và cấp tương đương; Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; Bộ trưởng; Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra các cấp; Thủ tướng Chính phủ.

1.2.2.2. Vai trò của thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo về đất đai Thứ nhất: Nhà nước ban hành pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội phục vụ lợi ích của Nhà nước và của cả xã hội. Điều đó chỉ xảy ra khi các cá nhân, tổ chức trong xã hội thực hiện đầy đủ, chính xác những quy phạm pháp luật do Nhà nước đặt ra. Pháp luật có thực sự phát huy được vai trò trong quản lý nhà nước còn phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện pháp luật, làm cho những yêu cầu của pháp luật trở thành hiện thực. Để Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật thì phải có phương thức thực hiện tốt các khâu từ xây dựng, phổ biến đến tổ chức thực hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm

bảo vệ pháp luật. Kết quả của việc tổ chức thực hiện pháp luật là một trong những tiêu chuẩn để xác định một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi các chủ thể phải tôn trọng và triệt để thực hiện theo pháp luật. Như vậy, thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai là trung tâm của pháp chế.

Thứ hai: Thực hiện pháp luật có vai trò quan trọng và gắn bó mật thiết với bối cảnh cải cách hành chính. Cải cách hành chính làm cho hệ thống hành chính trở nên hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn, rút ngắn thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa cũng góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật của các chủ thể. Chất lượng của các hoạt động thực thi pháp luật cũng là vấn đề then chốt của cải cách hành chính. Thực hiện pháp luật và cải cách hành chính đều có chung mục đích là đưa các quy phạm pháp luật đi vào thực tế, được các chủ thể tuân thủ thực hiện nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý nhà nước của pháp luật.

Thứ ba: Thực hiện pháp luật vềkhiếu nại, tố cáo và pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai là các hoạt động của các chủ thể tiến hành phù hợp với quy định, với yêu cầu của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai. Nhờ các hoạt động thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo mà quyền khiếu nại, quyền tố cáo của công dân, cơ quan, tổ chức được đảm bảo; giúp các quy định về khiếu nại, tố cáo phát huy được giá trị trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Thứ tư: Thông qua việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước kiểm tra được tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật ban hành, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật và sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Trong trường hợp các khiếu nại, tố cáo được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật thể hiện người khiếu nại, người tố cáo và cả những người xung quanh luôn được

Nhà nước tôn trọng, lắng nghe ý kiến của dân, quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của dân, cho thấy nhà nước gần gũi, gắn bó với dân, lo cho dân, thực sự là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Thứ năm: Giải quyết khiếu nại, tố cáo là phương thức bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động quản lý của nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước. Qua việc thực hiện các quy định về khiếu nại, tố cáo, Nhà nước phát hiện được những hành vi sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức để kịp thời xử lý hoặc những bất hợp lý về chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn huyện cư kuin, tỉnh đắk lắk (Trang 28 - 32)