Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn huyện cư kuin, tỉnh đắk lắk (Trang 64 - 69)

3.2.1.1. Hoàn thiện quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Muốn nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo tính thống nhất, tính phù hợp và tính khả thi.

Một là: Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân; hoàn thiện các quy định về chế độ chính sách đối với người trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định để tạo nguồn lực cho việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả:

tố cáo trong lĩnh vực đất đai nói riêng là một trong những công việc khó khăn, đòi hỏi phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, nhưng ở nhiều địa phương còn thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa có đủ năng lực, kinh nghiệm. Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu nên trong một số trường hợp khi đưa ra phương án giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp khó khăn. Một phần nguyên nhân của việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm là do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất; việc tuyển chọn, bố trí cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân khó khăn, vì chưa có cơ chế đặc thù để thu hút. Hồ sơ quản lý đất đai của các cơ quan chức năng (sổ địa chính, bản đồ địa chính…) lưu trữ không đầy đủ hoặc còn thiếu nên khi phát sinh khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải quyết.

Hai là: Hoàn thiện các quy định của pháp luật về khiếu nại; hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về cơ quan hành chính để đảm bảo tính khách quan; hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại.

Luật Khiếu nại cần sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể: Trình tự, thủ tục thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực; về thời hiệu khiếu nại; về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; về việc cung cấp thông tin, tài liệu cho người khiếu nại và luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp được ủy quyền; việc đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần hai; các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại; việc xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đảm bảo hiệu lực giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng các cấp, các ngành…

Theo Luật Khiếu nại, cơ quan hành chính là bên bị khiếu nại đồng thời cũng là người giải quyết khiếu nại, dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc giải quyết thiếu khách quan, không công bằng, nhiều vụ việc kéo dài, khiếu nại vượt cấp. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều cơ quan giải quyết việc khiếu nại hành

chính các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý theo ngành, cơ quan thanh tra và Tòa án nhân dân. Hệ quả là: Công dân không biết gửi khiếu nại đến cơ quan nào thì đúng và được giải quyết và đâu mới là quyết định cuối cùng. Trong khi các cơ quan không biết giới hạn thẩm quyền của mình đến đâu, cho dù các cơ quan đều phải dành nhiều thời gian, công sức cho công việc này nhưng hiệu quả chưa cao. Vì vậy, tình trạng đùn đẩy, né tránh hoặc chồng chéo trong giải quyết các khiếu kiện là khó tránh khỏi.

Theo quy định của Luật Khiếu nại, Bộ trưởng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại. Do đó, trong lĩnh vực đất đai, người khiếu nại cố tình không hiểu, dựa vào quy định này để gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình, gọi là khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương trong lĩnh vực đất đai xảy ra rất nhiều. Vì thế giải quyết khiếu nại hành chính không có điểm dừng.

Việc mở rộng thẩm quyền để Tòa án xét xử khiếu nại hành chính là đúng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người khiếu nại thường chọn con đường tiếp khiếu đến cơ quan hành chính cấp trên hơn việc khởi kiện ra Tòa án, vì ra Tòa án phải chịu án phí, các thủ tục chặt chẽ và qua các cấp của Tòa án xét xử nếu có kháng cáo, kháng nghị. Do đó, hầu hết người khiếu nại quyết định hành chính tiếp khiếu lên cơ quan hành chính có thẩm quyền của cấp trên, hết cấp tỉnh lên cấp Trung ương. Vậy nên cần có cơ chế đảm bảo giải quyết được khách quan, người giải quyết độc lập với người ra quyết định hành chính, tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nó càng mở rộng dân chủ hơn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trước pháp luật, người khiếu nại chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thực thi quyền khiếu nại,

đồng thời buộc cơ quan hành chính và cá nhân có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của chính mình mà phải nâng cao chất lượng khi ban hành các quyết định hành chính.

Ba là: Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tố cáo, theo đó Luật Tố cáo cần sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể: Thẩm quyền, trình tự giải quyết tố cáo trong nội bộ các tổ chức, đơn vị ngoài khu vực nhà nước hoặc trong các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; về tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp; về bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc vi phạm pháp luật; về chế tài xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật; về khen thưởng đối với người tố cáo…

3.2.1.2. Hoàn thiện quy định pháp luật về đất đai

Để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải đi đôi với hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai được đầy đủ, hệ thống và đồng bộ; rà soát những quy định chưa phù hợp hoặc những vấn đề mới phát sinh, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các vướng mắc, chú ý các quy định và ngôn ngữ của luật, văn bản dưới luật phải được thể hiện hoặc giải thích đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, nhất là đối với các vấn đề có liên quan đến tranh chấp, khiếu nại; hướng dẫn để thống nhất nội dung giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai; và có tư vấn về pháp luật nhằm tạo cơ hội để mọi người tiếp cận với pháp luật đất đai hiểu biết, đồng thuận giữa người ra quyết định, người khiếu nại và người giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Sửa đổi quy định về phạm vi khiếu nại trong Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất, tạo cơ sở cho việc áp dụng có hiệu quả pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Luật Đất đai phải có quy định cụ thể về những quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai bị khiếu nại thì được giải quyết theo Luật Khiếu nại.

Quốc hội sớm hoàn thiện các quy định về cơ chế giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Chính phủ sớm xây dựng và ban hành quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, theo hướng xử lý nghiêm khắc, công khai đối với người ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo sai trái, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng thiếu trách nhiệm dẫn đến khiếu nại kéo dài và các trường hợp lợi dụng khiếu nại để gây rối.

Các Bộ, ngành Trung ương chủ động tổng kết việc thực hiện các đạo luật chuyên ngành, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những chính sách không phù hợp với thực tiễn làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những chính sách trong quản lý, sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cần chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách giải quyết những khiếu nại liên quan đến vấn đề đất đai, nhà ở do lịch sử để lại, để có cơ sở pháp lý giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng về đất đai, nhà ở từ nhiều năm qua. Hoàn thiện các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc rà soát các vụ việc cụ thể ở từng địa phương, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết dứt điểm các trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng và kéo dài.

Hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức làm công tác tư vấn, giúp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính. Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp để rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định

về tiêu chuẩn làm căn cứ cho việc tuyển dụng, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Rà soát, đánh giá sự thống nhất giữa quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước và giải quyết khiếu kiện hành chính tại Tòa án, để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bởi vì, quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính có mối quan hệ mật thiết với các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu kiện hành chính tại tòa án. Vì vậy, để bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và khả năng thực hiện của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hành chính nói chung, cần phải đảm bảo sự thống nhất giữa quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước và quy định về giải quyết khiếu kiện hành chính tại Tòa án.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai từ thực tiễn huyện cư kuin, tỉnh đắk lắk (Trang 64 - 69)