Nhóm nhân tố chủ quan bao gồm: năng lực quản lý của người lãnh đạo và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN, tổ chức bộ máy quản lý chi NSNN cũng như quy trình nghiệp vụ, công nghệ quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN.
Thứ nhất, năng lực quản lý của người lãnh đạo và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN
Năng lực quản lý của người lãnh đạo bộ máy chi đầu tư XDCB từ NSNN, bao gồm các nội dung sau: năng lực đề ra chiến lược trong hoạt động ngân sách; đưa ra được các kế hoạch triển khai các công việc hợp lý, rõ ràng; tạo nên một cơ cấu tổ chức hợp lý, có hiệu quả, có sự phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn giữa các nhân viên, cũng như giữa các khâu, các bộ phận của bộ máy quản lý chi NSNN ở địa phương. Năng lực quản lý của người lãnh đạo có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác quản lý NSNN nói chung và quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN ở từng địa phương nói riêng. Nếu năng lực của người lãnh đạo yếu, bộ máy tổ chức không hợp lý, các chiến lược không phù hợp với thực tế thì việc quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN sẽ không hiệu quả, thất thoát, lãng phí.
Ngoài ra, đối với người lãnh đạo cũng cần tránh bệnh chạy theo thành tích, bệnh cục bộ địa phương, bệnh quan liêu mệnh lệnh, coi thường pháp luật, xem trình tự thủ tục là thứ gò bó quyền lực của mình. Đây cũng được coi là một trong những yếu tố làm giảm hiệu quả, thậm chí còn gây những hậu quả như thất thoát, lãng phí, tham nhũng,… trong công tác quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN tại địa phương.
Năng lực chuyên môn của các bộ phận quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN ở địa phương lại là yếu tố quyết định hiệu quả chi đầu tư XDCB từ NSNN. Nếu cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn cao sẽ giảm thiểu được sai lệch trong cung cấp thông tin của đối tượng sử dụng vốn đầu tư XDCB từ NSNN, kiểm soát được toàn
bộ nội dung chi, nguyên tắc chi và tuân thủ theo các quy định về quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN đảm bảo theo dự toán đã đề ra.
Bên cạnh năng lực chuyên môn thì đối với công chức cũng cần phải tránh bệnh xu nịnh, chiều ý cấp trên, là thói quen xin cho, hạch sách, thiếu ý thức chịu trách nhiệm cá nhân. Thậm chí là sa sút về phẩm chất đạo đức như đòi hối lộ, đưa đút lót, thông đồng, móc ngoặc, gian lận,… đây là những nhân tố ảnh hưởng không tốt tới quá trình quản lý chi NSNN đặc biệt là chi cho đầu tư XDCB gây giảm hiệu quả sử dụng vốn NSNN nghiêm trọng.
Thứ hai, tổ chức bộ máy quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN
Tổ chức bộ máy quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN tại địa phương và việc vận dụng quy trình nghiệp vụ quản lý vào thực tiễn địa phương: hoạt động quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN được triển khai có thuận lợi và hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào tổ chức bộ máy quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN và quy trình nghiệp vụ, trong đó đặc biệt là quy trình nghiệp vụ quản lý. Tổ chức bộ máy và quy trình quản lý, quyền hạn trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận, mối quan hệ của từng bộ phận trong quá trình thực hiện từ lập, chấp hành, quyết toán và kiểm toán chi đầu tư XDCB từ NSNN có tác động rất lớn đến quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN. Tổ chức bộ máy quản lý phù hợp sẽ nâng cao chất lượng quản lý, hạn chế tình trạng sai phạm trong quản lý. Quy trình quản lý được bố trí càng khoa học, rõ ràng thì càng góp phần quan trọng làm nâng cao chất lượng của thông tin tới cấp ra quyết định quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN, giảm các yếu tố sai lệch thông tin. Từ đó nâng cao được hiệu quả quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN tại địa phương.
Thứ ba, công nghệ quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN tại địa phương
Việc ứng dụng công nghệ tin học vào trong cuộc sống ngày nay đã và đang thực sự chứng tỏ vai trò không thể thiếu được của nó. Thực tế đã chứng minh với việc ứng dụng công nghệ tin học vào trong công tác quản lý chi NSNN nói chung và quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN ở địa phương nói riêng sẽ giúp tiết kiệm được thời gian xử lý công việc, đảm bảo được tính chính xác, nhanh chóng và thống nhất về mặt dữ liệu, tạo tiền đề cho những quy trình cải cách về mặt nghiệp vụ một
cách hiệu quả. Chính vì lẽ đó mà công nghệ tin học là một trong những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý chi đầu tư XDCB từ NSNN tại địa phương.