1.1. Một số khái niệm
1.1.2. Đánh giá công chức
Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “đánh giá là nhận xét, bình phẩm về giá trị” [43]. Có thể hiểu đánh giá là việc nhận xét, nhận định về sự vật, sự việc, hiện tượng và đưa ra kết luận thông qua giá trị mà nó mang lại.
Đánh giá công chức là một khâu quan trọng trong công tác quản lý công chức. Đánh giá công chức là chỉ công việc mà các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, khảo sát, thẩm định theo định kỳ hoặc không theo định kỳ về hiệu quả, thành tích công tác và tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực làm việc… của công chức làm cơ sở cho việc khen thưởng và kỷ luật, cất nhắc và điều chỉnh một cách hợp lý, công bằng đối với công chức. Có thể nói, việc đánh giá công chức có tác dụng trên nhiều phương diện đối với công tác quản lý công chức. Theo tác giả Nguyễn Phương Liên, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, quan niệm về đánh giá công chức là “công việc mà các cơ
quan nhà nước tiến hành kiểm tra, khảo sát, thẩm định theo định kỳ hoặc không theo định kỳ về hiệu quả, thành tích công tác và tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực làm việc… của công chức làm cơ sở cho việc khen thưởng và kỉ luật, cất nhắc và điều chỉnh một cách hợp lý, công bằng đối với chức” [37].
Ở Việt Nam, có thể hiểu khái niệm đánh giá công chức như sau: “Đánh giá công chức là việc làm của tập thể có thẩm quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị xác định phẩm chất, năng lực và hiệu quả công việc của công chức để bố trí, sử dụng, làm căn cứ triển khai các mặt công tác công chức, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và tổ chức nhân sự của cơ quan, đơn vị”. Hay nói cách khác, “Đánh giá công chức là biện pháp quản lý cán bộ, công chức thông qua việc kiểm định các chỉ số nói lên sự làm việc, cống hiến của cán bộ, công chức” [14].