Clément sang Đông Dương khi có đường sắt, làm Quản đốc đề-pô Đà Nẵng và sau đó được điều vào làm Quản đốc đề-pô Diêu Trì từ năm 1935 đến giữa 1938.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công nhân bình định thời kỳ 1897 1945 (Trang 57 - 62)

nếu yêu sách của họ không được đáp ứng. Đi đôi với việc phát truyền đơn, đầu tháng 10/1939, công nhân Diêu Trì còn cử đại biểu đến gặp chánh và phó quản đốc đề-pô (Dupra và Aubain) đưa đơn, chữ ký của công nhân yêu cầu Dupra tiếp tục giữ chức quản đốc. Đồng thời, họ đánh 2 bức điện gửi giám đốc Sở Hỏa xa Đông Dương và Quận trưởng quận 3 ở Nha Trang, phản đối việc đưa Clément về lại Diêu Trì, đòi giữ Đupra... [74, tr.59].

Đến đầu tháng 12/1939, công nhân đề-pô Diêu Trì lại tổ chức một cuộc bãi công lớn để chống lại thủ đoạn khống chế và đàn áp của Clément. Công nhân toàn xí nghiệp đồng loạt đóng máy nghỉ việc, cùng vợ con kéo lên nơi làm việc của Clément. Những người bãi công đưa yêu sách đòi tăng lương công nhân lên từ 10 - 20% và phát đúng kỳ; không được vô cớ đánh đập và cúp phạt thợ, phát đủ “bông” (tức phiếu mua gạo) và một số mặt hàng thiết yếu cho đời sống thợ. Cuộc bãi công đã làm tê liệt mọi hoạt động của nhà máy và bắt đầu lan sang ga Diêu Trì và ga Quy Nhơn. Để đối phó lại, Clément không những yêu cầu Công sứ Bình Định đưa lính khố xanh đến bao vây nhà máy, bắt đi một số người mà chúng cho rằng là người cầm đầu như Nguyễn Đình Thụ, Cao Văn Đào...; đồng thời điều động thợ của đề-pô Quy Nhơn lên thay thế. Cuộc bãi công được công nhân nơi khác và nhân dân các làng xung quanh đề-pô ủng hộ, nhất là cuộc bãi công hưởng ứng của công nhân đề- pô Quy Nhơn, nên cuộc đấu tranh của công nhân Diêu Trì kéo dài đến 5 ngày, buộc chủ phải chấp nhận một số yêu sách của thợ.

Ngoài các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, công nhân đường sắt Bình Định còn tiến hành nhiều vụ phá hoại sản xuất. Cụ thể, ngày 6/3/1940, một đoạn đường ray trên cung đường Diêu Trì - Vân Canh bị tháo gỡ để chặn đoàn tàu quân sự từ Nha Trang ra. Đêm 12/3/1940, hàng chục coussinets (miếng đồng lót các trục wagon) của một chuyến tàu chở hàng quân sự chuẩn bị xuất phát từ ga Diêu Trì bị tháo gỡ. Hoạt động đấu tranh bằng việc phá hoại đường sắt ở kho xe lửa của công nhân Diêu Trì được nói rõ trong báo cáo của chủ sự cơ quan an ninh. Trong công văn mật số 610, ngày 27/3/1940, Sogny đã báo cáo như sau:“Đêm ngày 12 rạng ngày 13/3/1940, tại kho

Diêu Trì trên các wagon chuẩn bị để làm việc, 25 coussinet bằng đồng đã bị lấy mất. Do tính chất của công việc phải làm để lấy được các coussinet đấy thì không nghi ngờ gì là nó phải do những người thợ có chuyên môn ở đề-pô thực hiện. Mặt khác, theo ông chủ tịch thì nếu sự việc đó không được phát hiện kịp thời thì những tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra” [85]. Tiếp đó, ngày 17/3/1940, bộ phận hãm của hai toa

tàu gần đầu máy đoàn tàu chở hàng quân sự từ Quy Nhơn đi Nha Trang cũng bị phá. Hành động này được báo cáo trong công văn số 610, ngày 27/3/1940 như sau: “Ngày

17/3/ 1940, khi một chuyến tàu đến Quy Nhơn thì được phát hiện một khoang sắt tây đã bị nhét vào giữa các bộ phận hãm của 2 wagon đặt ở đầu đoàn tàu. Hành động phá hoại này được dự đoán là do từ Diêu Trì. Mục đích để ngăn cản bộ phận hãm hoạt động để gây ra một tai nạn” [85].

Trong cuộc đấu tranh chống nạn bắt lính tại Bình Định của thực dân Pháp, công nhân đề-pô Diêu Trì tổ chức chống lại bằng cách phá hoại đoàn tàu chở hàng. Sáng ngày 23/3/1940, một đoàn tàu chở lính ONS (Ouvrier non Spécialiste) của Pháp dừng lại tại ga Diêu Trì lấy thêm nhiên liệu và thay kíp lái, Chi bộ đề-pô Diêu Trì quyết định tổ chức một cuộc đấu tranh để phối hợp với phong trào chống bắt lính của nhân dân địa phương. Nguyễn Đình Thụ và Cao Văn Đào lợi dụng thời gian thay đầu máy đưa một trục wagon chắn ngang trên đường khiến tàu chở lính ONS không thể xuất phát được. Nói về sự kiện này, trong Công văn mật số 593 ngày 26/3/1940 của cơ quan mật thám Trung Kỳ nói rõ là có một người thợ máy tập sự Nguyễn Đình Thụ và một người đội phó công nhân có tên Cao Văn Đào đã bị bắt giữ vì hoạt động phá hoại nhằm ngăn cản chuyến tàu vận chuyển lính ra khỏi kho [84].

Ngay từ đầu tháng 3/1940, Công sứ Bình Định cùng cơ quan mật thám Bình Định và Trung Kỳ tiến hành hàng chục thanh tra mật thám ở Diêu Trì. Cuối tháng 4/1940, chúng dựng lên vụ “Cộng sản đặt mìn lầu nghỉ mát của Bảo Đại” ở Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) để lấy cớ bắt người tràn lan. Hàng chục công nhân ở Diêu Trì và Quy Nhơn bị bắt và bị tra tấn dã man. Tính đến tháng 5/1940, có 60 công nhân, viên chức đường sắt khu vực Diêu Trì - Quy Nhơn bị chính quyền thực dân bắt, tra tấn, hàng trăm người khác bị tình nghi theo dõi và ghi vào sổ đen [62, tr.32]. Đặc biệt, đêm ngày 25 rạng ngày 26/3/1940, chúng đánh chết Nguyễn Đình Thụ [85]. Nói về sự kiện này, báo Phá ngục, cơ quan tuyên truyền của Mặt trận thống nhất Dân tộc phản đế Đông Dương số 1, ra ngày 01/5/1940 viết: “Anh Thụ, anh Đào chẳng may

bị sơ ý để đoàn tàu bị đổ. Clément vu cho anh Thụ là cộng sản phá máy để làm trễ chuyến tàu lính. Thụ và Đào bị tra tấn rất dã man… Đào bị đánh gần chết, Thụ bị đánh chết. Thật là thủ đoạn tàn bạo của bọn cướp của giết người” [25].

Phong trào đấu tranh của công nhân đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn ảnh hưởng mạnh mẽ đến công nhân ở những địa phương khác trong tỉnh. Theo đó, cuối năm 1940, Sislimer được chủ phân công giữ chức phụ trách phân xưởng

nhuộm của nhà máy dệt Delignon sỉ nhục anh Nguyễn Hoàng một người thợ nấu vải, công nhân toàn xưởng nổi dậy đấu tranh. Chủ nhà máy phải nhờ Tri huyện Bình Khê đem lính đến can thiệp để dập tắt cuộc đấu tranh. Tiếp đó, một người thợ điện có tên là Nam đã phản đối hành động của Sislimer và chủ nhà máy bằng cách kiên quyết bỏ việc, không sửa chữa máy và kéo theo bộ phận cơ khí ngừng hoạt động, buộc chủ phải nhượng bộ [1]. Đầu năm 1941, nổ ra cuộc bãi công của công nhân khai thác củi ở nhà máy dệt Delignon. Nguyên nhân là do công việc nặng nhọc theo chế độ khoán, họ phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 9 giờ đêm mới được một chuyến củi, nhưng tiền công do giới chủ trả lại rất thấp, một công nhân chỉ 0,1 đồng/ngày công, còn nếu không bảo đảm số lượng sẽ không được nhận tiền công. Vì vậy, công nhân đồng loạt bãi công đòi tăng thêm 5 xu/ngày công và hạ mức khoán. Trước cuộc đấu tranh của công nhân, chủ của xưởng dệt cũng buộc phải chấp nhận tăng lương thêm 4 xu cho công nhân.

Từ giữa năm 1941 đến cuối năm 1944, ở các nhà máy, xí nghiệp như đề-pô Diêu Trì, STACA, FIARD..., công nhân liên tiếp tiến hành bãi công hoặc phá hoại máy móc, bỏ việc hàng loạt... gây cho nhà cầm quyền Pháp và giới chủ nhiều khó khăn, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động khác trong toàn tỉnh. Tại đề-pô Diêu Trì, tuy đã đưa công nhân từ các đề-pô Vinh, Đà Nẵng đến thay lớp công nhân cũ ở đây, nhưng nhà cầm quyền Pháp vẫn tăng cường các biện pháp đàn áp và mị dân để khống chế công nhân. Chúng đưa tay sai lập ra cái gọi là “nghiệp đoàn hỏa xa”, đội bóng Crénol, mở lớp truyền bá chữ Quốc ngữ để nhằm mục đích nắm chặt công nhân. Do đó, khoảng cuối năm 1941, Nguyễn Xuân Như, Nguyễn Ngọ đã lợi dụng các tổ chức công khai trên để thành lập tiểu tổ thanh niên chống phát xít, từng bước tập hợp quần chúng. Đồng thời, còn tiến hành phát động các đợt đấu tranh từ phá máy móc, lãn công đến các hình thức cao hơn. Điều này được minh chứng qua báo cáo của Phó mật thám Piê Xcalla (Pierre Scalla) gửi Chủ sự cơ quan An ninh Trung Kỳ ngày 12/3/1942 về việc âm mưu phá hoại các xưởng xe lửa ở Diêu Trì. Cũng theo tài liệu này, chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 3/1942, có tới 6 vụ công nhân kỹ thuật của đề-pô Diêu Trì bỏ việc để vào Sài Gòn tìm việc làm ở các xí nghiệp của Nhật [15, tr.56].

Đầu năm 1942, khi một nữ công nhân của nhà máy dệt Delignon bị đánh đập tàn nhẫn, hơn 500 nữ công nhân của nhà máy bãi công và kéo lên gặp chủ đòi bỏ đánh đập, cúp phạt, sỉ nhục công nhân, đòi tăng lương 20%, làm việc không quá 10

giờ/ngày. Trước tình hình đó, Công sứ Bình Định buộc phải đưa lính lên đàn áp cuộc bãi công, bắt giam những công nhân đấu tranh tích cực. Nhưng công nhân nhà máy không hề lùi bước, họ kiên quyết kéo dài cuộc đấu tranh, đòi thả ngay những người bị bắt. Cuối cùng, giới chủ buộc phải chấp nhận tăng lương thêm 5 xu/ngày [1].

Cuối năm 1943, một đoàn tàu chở vũ khí của Nhật ngang qua Diêu Trì, khi cách Tân Vinh 1km thì bị công nhân cho nổ mìn phá hỏng một toa tàu làm chết và bị thương nhiều lính Nhật, gây thiệt hại nặng. Tiếp đến, đầu năm 1944, khi tàu chở gạo của Nhật đậu tại Diêu Trì, công nhân ở đây đã bố trí mở toa lấy gạo phân phát cho những gia đình công nhân khó khăn [62, tr.33].

Khoảng đầu năm 1943, sau khi bắt liên lạc với tiểu tổ thanh niên chống phát xít của đề-pô Diêu Trì, Đoàn Như Khương mở rộng hoạt động trong thanh niên yêu nước các làng xung quanh do Trần Bá phụ trách. Đến cuối năm 1944, từ những nhóm cốt cán đầu tiên ở đề-pô, ga Diêu Trì và vài làng lân cận, tổ chức thanh niên chống phát xít Diêu Trì nhanh chóng phát triển và lan rộng ra các làng xung quanh15

với hơn 70 hội viên. Tổ chức thanh niên chống phát xít Diêu Trì còn tiến hành những cuộc đấu tranh dưới hình thức thấp, đòi các quyền lợi hàng ngày như cứu trợ những công nhân ốm đau, cấp thêm dụng cụ bảo hộ lao động; đồng thời, dựa vào một số tài liệu rất hiếm hoi như truyền đơn của Việt Minh, báo Cờ giải phóng để tuyên truyền và giải thích về chính sách của Mặt trận Việt Minh, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong công nhân, viên chức, thanh niên và trí thức yêu nước địa phương.

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Thực dân Pháp nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng. Vì vậy, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Thế

là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta 2 lần cho Nhật” [53, tr.385]. Cuộc đảo chính nổ ra giữa lúc Ban Thường vụ

Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước tình hình đó, Hội nghị nhận định tình hình và quyết định các vấn đề quan trọng như: thay đổi khẩu hiệu, các hình thức tuyên truyền, cổ động và đấu tranh cho thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề tiến lên tổng khởi nghĩa. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng đưa ra chỉ thị “Nhật - Pháp

bắn nhau và hành động của chúng ta”. Những tư tưởng chỉ đạo của bản chỉ thị trở

thành kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân trong cao trào chống Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

15 Gồm các làng Ngọc Thạnh, Dương An (Phước An), Công Chánh, Trung Tín (Phước Nghĩa, nay là thị trấn Tuy Phước), Thế Thạnh, Long Vân (Phước Thạnh, nay là phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn). Tuy Phước), Thế Thạnh, Long Vân (Phước Thạnh, nay là phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn).

Sau ngày 9/3/1945, phong trào cách mạng ở Bình Định có điều kiện phát triển. Tháng 4/1945, Ủy ban Vận động cứu quốc tỉnh16 thành lập tại làng Định Bình (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn) đã chủ trương tập hợp mọi lực lượng trong tỉnh để đấu tranh theo chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Đồng thời, lúc bấy giờ ở Bình Định còn có Ủy ban Vận động Việt Minh tỉnh17 thành lập vào giữa tháng 5/1945 tại hãng dệt Delignon (Phú Phong, Tây Sơn), do Võ Xán làm Bí thư. Ngay sau đó, Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh đã chủ trương: “Khẩn trương tập hợp mọi lực lượng yêu nước của địa phương. Lấy Phú Phong làm chỗ dựa để phát triển phong trào các nơi, trước hết là thành phố Quy Nhơn và các thị trấn huyện lỵ; mạnh dạn sử dụng các hình thức cổ động công khai để tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi trong quần chúng đường lối cứ nước của Việt Minh; tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cũng như phong trào Việt Minh trong và ngoài tỉnh” [6, tr.112].

Đứng trước tình hình mới, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Bình Định, hoạt động của công nhân Bình Định có những chuyển biến mới, tích cực cùng các đoàn thể khác trong Mặt trận Việt Minh đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước. Đến tháng 5/1945, các tổ công nhân cứu quốc ở thị trấn Tam Quan, các ga Tam Quan, Bồng Sơn, Vạn Phú, Phù Mỹ, ga Diêu Trì và Quy Nhơn lần lượt ra đời, bắt đầu hoạt động mạnh. Ở Quy Nhơn, tổ công nhân cứu quốc còn tập hợp được đông đảo tiểu thương, tiểu chủ cùng công nhân Nhà máy Đèn, hãng STACA. Sau hơn hai tháng tích cực vận động, đến tháng 6/1945 hầu hết các cơ sở có đông công nhân trong tỉnh đều thành lập được Hội công nhân cứu quốc, làm chỗ dựa và nòng cốt cho phong trào cách mạng tại địa phương. Hội công nhân cứu quốc nhiều nơi được tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ như ở Nhà máy dệt Delignon có 100 hội viên do Nguyễn Đãi phụ trách; Hội công nhân cứu quốc các ga phía nam Bình Định như Phù Mỹ, Khánh Phước, Phù Cát do Phạm Sanh phụ trách; ga và đề-pô Diêu Trì và ga Quy Nhơn do Giáp Văn Cương phụ trách; ở STACA, Nhà máy Đèn và các công sở Quy Nhơn do Phan Tường Lân phụ trách [62, tr.34].

Đến giữa tháng 7/1945, Việt Minh các huyện xúc tiến công tác xây dựng lực lượng nửa vũ trang ở các vùng nông thôn của huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn, Tuy Phước18 và các xí nghiệp có công nhân lao động. Trong đó, tiêu biểu như Nhà

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công nhân bình định thời kỳ 1897 1945 (Trang 57 - 62)