Cơ cấu đội ngũ công nhân Bình Định không thuần nhất và biểu hiện tính mất cân đố

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công nhân bình định thời kỳ 1897 1945 (Trang 71 - 74)

21 Theo điều tra dân số năm 19 của chính quyền thực dân Pháp, dân số Bình Định là 527 nghìn người [75].

3.1.2. Cơ cấu đội ngũ công nhân Bình Định không thuần nhất và biểu hiện tính mất cân đố

tính mất cân đối

Tính không thuần nhất của cơ cấu đội ngũ công nhân Bình Định thể hiện trên nhiều khía cạnh. Trước hết là ở nguồn cung cấp công nhân. Phải thừa nhận, nguồn cung cấp công nhân cho tỉnh Bình Định trước tiên là bộ phận nông dân, ngư dân, thợ thủ công và dân nghèo thành thị trên địa bàn tỉnh. Đây là lực lượng bị chính sách bóc lột và thống trị của thực dân Pháp bần cùng hóa, buộc phải tìm đến các nhà máy, xí nghiệp, công trường lao động bán sức lao động. Thế nhưng, một bộ phận rất lớn công nhân Bình Định có nguồn cung cấp ngoài tỉnh, đó là những người lao động từ các tỉnh khác. Đặc biệt, là khối công nhân bến cảng và đường sắt, đa phần là những người từ tỉnh khác tới. Không những thế, ngoài những người lao lông nghèo, nông dân, ngư dân, thợ thủ công, còn một bộ phận vốn là học sinh được đào tạo nghề ở các trường chuyên nghiệp và là công nhân lành nghề từ các tỉnh khác chuyển tới. Trong số họ, có những người đã là đảng viên. Do đó, lực lượng công nhân từ nguồn cung cấp này có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, dẫn tới ra đời các tổ chức đảng, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Bình Định phát triển nhanh, mạnh.

Xét về thành phần tộc người, tính không thuần nhất của cơ cấu đội ngũ công nhân Bình Định cũng thể hiện khá rõ. Đa phần công nhân Bình Định là người kinh, nhưng bên cạnh đó cũng có công nhân là người Hoa, người Bana, người H’rê. Bộ phận này chủ yếu lao động làm thuê trong các đồn điền, nhà máy dệt và một ít làm việc trong các cơ sở sản xuất nhỏ. Bộ phận này tuyệt đại đa số là công nhân lao động thủ công, mù chữ và không được đào tạo nghề, nên trình độ kỹ thuật, tay nghề không có, do đó chỉ đảm nhận những công việc lao động chân tay.

Tính mất cân đối trong cơ cấu đội ngũ công nhân Bình Định thể hiện trước hết ở số lượng công nhân lao động trong các ngành, lĩnh vực sản xuất không đồng đều, tập trung vào một số lĩnh vực là trọng tâm khai thác của thực dân Pháp.

Chiếm số lượng đông và là lĩnh vực tập trung đông đảo công nhân nhất ở tỉnh Bình Định là lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế biến. Tư bản Pháp đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến như dệt, chế biến alumin... dẫn tới sự ra đời các cơ sở sản xuất như SADCA, STACA, SITA, FIARD, dệt Delignon... Tùy thuộc vào quy mô của các cơ sở sản xuất mà số lượng công nhân nhiều hay ít. Song, trong các cơ sở sản xuất này luôn tập trung một số lượng công nhân đông, từ 200 đến 2.000 người [6, tr.18]. Tiêu biểu, nhà máy dệt Delignon ở Phú Phong có đến 2.000 công nhân lao động tập trung (1942), cơ sở sản xuất hột vịt FIARD có 300 công nhân làm việc, công ty SADCA có 200 công nhân...

Trong quá trình đầu tư khai thác tại tỉnh Bình Định, tư bản Pháp giành một số vốn lớn đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, bến cảng phục vụ cho hoạt động cai trị và khai thác kinh tế. Theo đó, lần lượt xuất hiện thương cảng Quy Nhơn, nhà máy Đèn Quy Nhơn, nhà máy nước, và cuối cùng là đề-pô Diêu Trì, một số ga ở Quy Nhơn, Diêu Trì, Tam Quan. Cùng với đó là hoạt động dịch vụ vận tải, sữa chữa. Do đó, khối công nhân bến cảng và giao thông vận tải chiếm số lượng khá lớn trong cơ cấu đội ngũ công nhân Bình Định. Đến năm 1930, số lượng công nhân làm việc trong cảng Quy Nhơn có đến 300 người; năm 1939, số lượng công nhân tại đề- pô Diêu Trì hơn 400 người; hai đề-pô Quy Nhơn và đề-pô Tam Quan đặt bên cạnh hai nhà ga Quy Nhơn và Tam Quan cũng có đến 60 công nhân, nếu tính cả những người làm việc trong các nhà ga số lượng lên đến hàng trăm công nhân, đó là chưa kể số lượng công nhân sửa chữa, bảo trì đường sắt trên toàn tuyến đường sắt đi qua tỉnh Bình Định. Cùng với đó, với sự phát triển của dịch vụ vận tải và sửa chữa ô tô, số lượng công nhân làm cho các hãng xe, các ga-ra ở thành phố Quy Nhơn luôn giữ ở con số từ 120 đến 200 người.

Cùng với việc đầu tư vào các lĩnh vực nói trên, tư bản Pháp còn tăng cường chiếm đoạt ruộng đất để lập đồn điền. Trong quá trình khai thác, thực dân Pháp đã lập được khoảng 13 đồn điền lớn nhỏ ở Bình Định, như đồn điền Puris, Pérignon, Delignon, Mathey, Demontpezat, Marvoie... Trong các đồn điền này, tư bản Pháp đã mộ được một đội ngũ công nhân làm việc khá đông đảo, kể cả phụ nữ và trẻ em.

Tính mất cân đối của cơ cấu đội ngũ công nhân Bình Định còn thể hiện ở mất cân đối giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh. Đội ngũ công nhân Bình Định tập trung chủ yếu ở vùng thị, đồng bằng đó là thành phố Quy Nhơn và một số thị tứ nơi có các nhà máy, xí nghiệp lớn hoặc cơ sở sữa chữa như Phú Phong, Diêu Trì. Đây là ba trung tâm tập trung đông công nhân nhất ở Bình Định. Ở khu vực nông thôn, miền núi nơi chiếm phần lớn diện tích của tỉnh Bình Định số lượng công nhân rất ít, chủ yếu là những công nhân làm thuê trong các hãng buôn, cơ sở sản xuất nhỏ, đặc biệt là công nhân đồn điền. Do số lượng đồn điền ở Bình Định không nhiều và có quy mô nhỏ, và chủ yếu sử dụng công nhân thời vụ nên số lượng công nhân ở khối này không lớn. Đối với vùng nông thôn, duy chỉ có vùng An Thái (An Nhơn) nơi có tập trung đông cơ sở dệt của giới chủ người Hoa có số lao động làm thuê khá đông nhưng chủ yếu phụ nữ.

Cơ cấu tỷ lệ giữa khối công nhân có trình độ kỹ thuật (công nhân áo xanh) và khối công nhân lao động thủ công (công nhân áo nâu) có sự chênh lệch lớn, và là biểu hiện của tính chất mất cân đối trong cơ cấu đội ngũ công nhân Bình Định thời kỳ 1897 - 1945. Dễ dàng nhận thấy, đối với đội ngũ công nhân Bình Định, đại đa số là công nhân lao động thủ công, không được đào tạo nghề nghiệp, có trình độ tay nghề thấp, chưa được qua đào tạo, thậm chí mù chữ. Đại bộ phận công nhân Bình Định có nguồn gốc xuất thân từ những người nông dân mất tư kiệu sản xuất, những thợ thủ công bị phá sản hoặc bộ phận ngư dân và dân nghèo thành thị thất nghiệp. Do đó họ đến xin vào làm việc cho tư sản người Pháp, người Hoa và tư sản người Việt. Họ tập trung số lượng rất đông làm việc ở cảng Quy Nhơn, nhà máy, xí nghiệp sản xuất, đồn điền, lĩnh vực giao thông... với những công việc nặng nhọc, thời gian kéo dài và được giới chủ trả lương thấp. Vì bộ phận này chưa được qua đào tạo nên có trình độ tay nghề thấp, và khi vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp thì chủ yếu lao động thủ công.

Trong khi đó, một bộ phận chiếm số lượng ít hơn có trình độ tay nghề cao. Đây là bộ phận công nhân đã được đào tạo chủ yếu từ Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế. Lớp người này sau khi được đào tạo ở trường nghề, được tuyển mộ vào làm việc. Bên cạnh đó, một bộ phận có trình độ tay nghề cao đang làm việc ở đề-pô Vinh, nhưng do bị thực dân Pháp tình nghi nên chuyển vào làm việc tại Bình Định. Những người công nhân này được qua đào tạo, họ được bố trí vào làm việc trong hệ thống các đề-pô và nhà ga Diêu Trì, Quy Nhơn, Tam Quan, nhà máy Đèn... Đây là lớp công nhân kỹ thuật có trình độ của đội ngũ công nhân Bình Định. Họ là những thợ lái tàu, thợ máy, thợ sửa chữa đường sắt,...

Tính chất mất cân đối trong cơ cấu đội ngũ công nhân Bình Định do nhiều nguyên khác nhau. Nhưng nguyên nhân chính và trước hết bắt nguồn từ chính sách đầu tư, khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Bình Định. Theo đó, lĩnh vực nào, địa phương nào thực dân Pháp chú trọng đầu tư, đồng thời hội tụ hoạt động kinh doanh của tư sản người Việt và người Hoa thì có số lượng công nhân đông, đồng thời có tính tập trung khá cao. Vì vậy, trong quá trình khai thác, bóc lột, thực dân Pháp chú trọng ưu tiên đầu tư vào một số lĩnh vực, ngành nghề là lợi thế của tỉnh Bình Định và mang lại lợi nhuận cao như dệt, chế biến hột vịt, dịch vụ cảng. Những ngành này có số lượng công nhân đông. Ngược lại, lĩnh vực và ngành nghề nào ít được chú ý đầu tư, có số lượng công nhân rất ít. Hệ quả là dẫn đến sự phát triển không cân đối đội ngũ công nhân giữa các ngành nghề ở Bình Định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công nhân bình định thời kỳ 1897 1945 (Trang 71 - 74)