Phong trào đấu tranh của công nhân Bình Định diễn ra muộn, nhưng có tính liên tục, với nhiều hình thức đấu tranh phong phú

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công nhân bình định thời kỳ 1897 1945 (Trang 74 - 77)

21 Theo điều tra dân số năm 19 của chính quyền thực dân Pháp, dân số Bình Định là 527 nghìn người [75].

3.1.3. Phong trào đấu tranh của công nhân Bình Định diễn ra muộn, nhưng có tính liên tục, với nhiều hình thức đấu tranh phong phú

nhưng có tính liên tục, với nhiều hình thức đấu tranh phong phú

Xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau đã làm cho công nhân Bình Định với tư cách là một lực lượng có vị trí trong cơ cấu xã hội ra đời muộn hơn so với công nhân cả nước và một số địa phương khác. Hơn nữa, trong thời kỳ khai thác thuộc địa lần thứ nhất, số lượng công nhân Bình Định còn ít. Do đó, phong trào đấu tranh của công nhân Bình Định diễn ra muộn hơn so với những giai tầng khác trong xã hội Bình Định và so với phong trào công nhân trên bình diện chung. Điều đó được minh chứng qua diễn biến thực tế của phong trào công nhân Bình Định. Mãi đến những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, công nhân Bình Định mới ra đời và trở thành một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xã hội Bình Định. Do đó, trong khoảng hai thập niên đầu, các cuộc đấu tranh của công nhân Bình Định diễn ra lẻ tẻ, với vài cuộc đấu tranh dưới hình thức thấp, nặng tính tự phát, và chưa thực sự nổi bật.

Tuy nhiên, một khi công nhân Bình Định trưởng thành lên, bắt đầu từ năm 1930 trở về sau, các cuộc đấu tranh của công nhân Bình Định lại diễn ra liên tục theo sự trưởng thành về số lượng, ý thức chính trị của họ và song hành cùng chiều hướng phát triển của phong trào cách mạng Bình Định. Những cuộc đấu tranh này mang tính liên tục theo tiến trình thời gian. Bắt đầu từ năm 1930, công nhân Bình Định đã liên tục nổi dậy đấu tranh chống lại giới chủ để đòi quyền lợi cho chính mình, đòi các quyền tự do dân chủ. Cuối những năm 30 của thế kỷ XX, khi mà đội ngũ công nhân Bình Định đã thực sự trưởng thành về ý thức chính trị, cùng với đó

là sự ra đời của các chi bộ Đảng đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bình Định. Lúc này, công nhân đã bước lên vũ đài chính trị và liên tục phát động các cuộc đấu tranh chống lại chính quyền thực dân. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong tỉnh, đội ngũ công nhân đã trở thành một lực lượng tiên phong trong các cao trào cách mạng 1930 - 1935, 1936 - 1939, 1939 - 1945. Qua những phong trào cách mạng này, công nhân đã ra sức vận động, đoàn kết, xây dựng lực lượng cách mạng và tổ chức quần chúng đấu tranh chống lại những chính sách cai trị của đế quốc Pháp - Nhật. Để rồi dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, họ cùng với đông đảo quần chúng nhân dân lao động đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ và giành thắng lợi hoàn toàn trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

Mặc dù các cuộc đấu tranh của đội ngũ công nhân từ 1897-1945 diễn ra liên tục, thế nhưng trong từng giai đoạn khác nhau thì mức độ của các phong trào đấu tranh lại khác nhau. Trong giai đoạn 1897-1929, đây là thời điểm mà đội ngũ công nhân Bình Định đang trong quá trình hình thành, số lượng còn ít và chưa có sự trưởng thành về ý thức chính trị. Hầu hết công nhân chưa được giác ngộ lý luận cách mạng, chưa thực sự có một tổ chức chính trị cho riêng mình, vì thế công nhân Bình Định chưa được đoàn kết và tổ chức đấu tranh rộng rãi. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến số lượng và chất lượng các cuộc đấu tranh của công nhân. Và thực tế phong trào đấu tranh của công nhân Bình Định trong giai đoạn này còn yếu, mang tính chất tự phát và nổ ra lẻ tẻ, chưa có sự đoàn kết thành một khối thống nhất dưới sự chỉ đạo của một tổ chức chính trị cụ thể. Họ chỉ đứng lên đấu tranh để tham gia hưởng ứng những phong trào của các lực lượng xã hội khác tổ chức khi mà quyền lợi của công nhân bị giới chủ o ép nặng nề. Trên thực tế, những phong trào đấu tranh của công nhân giai đoạn này chưa thực sự nổi bật, có chăng đó chỉ là hưởng ứng cùng tham gia đấu tranh với các giai tầng khác trong xã hội. Tiêu biểu cho phong trào công nhân trong giai đoạn này là cuộc đấu tranh của một bộ phận công nhân Quy Nhơn làm thuê trong các xí nghiệp như SADCA, FIARD, hoặc là cuộc đấu tranh đòi tẩy chay hiệu buôn Diêu Ký của tư sản Hoa kiều... diễn ra trong những năm 1921 - 1924. Cùng với đó là cuộc đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và đòi tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh trong những năm 1925 - 1926.

Sang giai đoạn 1930 - 1945, đây là giai đoạn thể hiện sự trưởng thành mạnh mẽ về số lượng, ý thức chính trị và phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân Bình Định. Vào những năm cuối thập niên 20, với những hoạt động của Hội Việt

Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt cách mạng đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin ngày càng được truyền bá mạnh mẽ vào Bình Định. Trước tình hình đó, công nhân Bình Định đã nhanh chóng tiếp thu và giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin. Trên cơ sở đó, công nhân Bình Định đã tiến tới thành lập Chi bộ Đảng để lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân, tiêu biểu là sự ra đời của Chi bộ nhà máy Đèn ở Quy Nhơn, Chi bộ đề-pô Diêu Trì. Cùng với đó là sự ra đời của các chi bộ Đảng trong tỉnh đã trực tiếp vận động, đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân toàn tỉnh. Với những cuộc đấu tranh trong thời kỳ này, cùng hòa chung với phong trào đấu tranh của nhân dân Bình Định, đội ngũ công nhân cũng đã phát động những phong trào đấu tranh rầm rộ, sôi nổi thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Những phong trào đấu tranh của công nhân diễn ra với sự đoàn kết, tổ chức chặt chẽ và thể hiện tính tự giác của họ trong đấu tranh. Qua đó thể hiện sự chuyển biến lớn trong đấu tranh của công nhân Bình Định so với giai đoạn trước.

Qua các cuộc đấu tranh của công nhân Bình Định từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 có thể thấy hình thức đấu tranh của công nhân rất phong phú như mít-tinh, rải truyền đơn biểu ngữ, đình công, lãn công, bãi công, biểu tình, thị uy, khởi nghĩa vũ trang. Hình thức đấu tranh cũng có bước phát triển và chuyển biến từ thấp đến cao theo thời gian. Trong những 1920 - 1930, nhất là các cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân Bình Định chỉ mang tính chất tự phát, lẻ tẻ. Do bị bóc lột nặng nề và bị đối xử tàn tệ, công nhân đứng dậy đấu tranh chống lại giới chủ, đòi một số quyền lợi dân chủ. Hình thức đấu tranh của công nhân giai đoạn này chủ yếu là phản đối lại giới chủ chống cắt xén tiền lương, cúp phạt, hoặc cùng tham gia với đông đảo các tầng lớp nhân dân xuống đường đòi chính quyền thực dân thực thi các quyền tự do dân chủ. Chưa xuất hiện các hình thức đấu tranh đặc trưng của công nhân, nhất là hình thức bãi công.

Từ năm 1930 trở về sau, đánh dấu bước trưởng thành về ý thức chính trị cũng như phong trào đấu tranh của công nhân Bình Định. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong tỉnh, công nhân đã đứng lên đấu tranh rầm rộ với nhiều hình thức của chính giai cấp mình. Cụ thể, trong những năm 1930 - 1935, những cuộc mít-tinh kết hợp rải truyền đơn, biểu ngữ, treo cờ Đảng... được đông đảo công nhân sử dụng để đấu tranh nhân các ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11), ngày Quốc tế lao động (1/5), ngày Quốc tế chống chiến tranh (1/8), để ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh... Những cuộc mít tinh của công nhân đã thu hút đông đảo các tầng

lớp nhân dân ở Quy Nhơn, Hoài Nhơn và những địa phương khác cùng hưởng ứng tham gia rầm rộ. Trong những năm 1936 - 1939, khi tình hình thế giới và trong nước có sự thay đổi, Trung ương Đảng phát động các cuộc đấu tranh với hình thức “công khai và bán công khai, hợp pháp và bất hợp pháp” để đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Do đó, công nhân Bình Định lại sử dụng nhiều hình thức đấu tranh gắn liền với việc đòi tự do, dân sinh, dân chủ, đòi thành lập các hội... Tiêu biểu như năm 1937, cuộc đình công của công nhân Nhà máy in Tòa Giám mục giáo phận Quy Nhơn, năm 1938 diễn ra cuộc đình công kéo dài hơn một tuần lễ của thợ dệt hãng Thái Phát ở An Thái (Nhơn Phúc, An Nhơn), những cuộc biểu dương lực lượng đón tiếp phái đoàn chính phủ Pháp sang điều tra tình hình ở Đông Dương. Từ những cuộc đình công ban đầu, công nhân đã tiến lên tổ chức các cuộc bãi công có quy mô lớn hơn như cuộc tổng bãi công kéo dài 5 tuần lễ cùng với công nhân đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn thuộc Sở hỏa xa Đông Dương (7/1937), hoặc vận động tổ chức các hội của công nhân như Hội Ái hữu hỏa xa Diêu Trì - Quy Nhơn… Như vậy, trong thời kỳ này, những hình thức đấu tranh tiêu biểu của công nhân là bãi công đã xuất hiện ngày càng nhiều trong đội ngũ công nhân Bình Định.

Trong những năm 1939-1945, nhiều hình thức đấu tranh đã được công nhân sử dụng như phá hoại sản sản xuất, bỏ việc hàng loạt, bãi công và đỉnh cao là khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Vào đầu năm 1940, công nhân đề-pô Diêu Trì tổ chức đấu tranh bằng hình thức phá hoại đường sắt ở đây; năm 1941 và năm 1942 diễn ra cuộc bãi công của công nhân ở nhà máy dệt Delignon... Đến những ngày đầu tháng 8-1945, khi tình thế cách mạng xuất hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công nhân cùng với đông đảo quần chúng nhân dân tổ chức cuộc mít tinh, biểu tình, thị uy rầm rộ và tiến lên khởi nghĩa vũ trang. Những đội tự vệ của công nhân phối hợp với nhân dân nổi dậy lấy lấy chính quyền.

3.2. Vai trò của công nhân Bình Định thời kỳ 1897 - 1945

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công nhân bình định thời kỳ 1897 1945 (Trang 74 - 77)