Sự ra đời và hoạt động của công nhân Bình Định góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương phát triển đúng hướng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công nhân bình định thời kỳ 1897 1945 (Trang 77 - 80)

21 Theo điều tra dân số năm 19 của chính quyền thực dân Pháp, dân số Bình Định là 527 nghìn người [75].

3.2.1. Sự ra đời và hoạt động của công nhân Bình Định góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương phát triển đúng hướng

phong trào cách mạng ở địa phương phát triển đúng hướng

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đặt chân đến vùng đất Bình Định và sau đó là một quá trình chúng tiến hành cuộc khai thác vùng đất này. Trong suốt quá trình đó, thực dân Pháp đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của toàn thể nhân dân. Với tinh thần thượng võ của phong trào Tây Sơn và lòng yêu nước sâu sắc, kết hợp với niềm

tự hào dân tộc, nhân dân Bình Định kiên cường đấu tranh không chịu khuất phục trước đầu súng của thực dân Pháp. Mặc dù bị thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố đẫm máu nhưng vẫn không làm nhụt nhuệ khí chiến đấu của nhân dân Bình Định. Ngược lại, người dân ở đây vẫn phát huy truyền thống yêu nước của địa phương, quyết tâm đứng lên chiến đấu trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Điều đó không những thể hiện mạnh mẽ tinh thần “hào khí Tây Sơn” năm xưa mà còn giáng cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề, gây cho kẻ thù nhiều khó khăn trong quá trình thiết lập sự cai trị ở Bình Định. Thế nhưng, các phong trào đấu tranh chống Pháp ở cuối thế kỷ XIX ở Bình Định đều thất bại. Sau khi thực dân Pháp dập tắt được cuộc khởi nghĩa do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo, phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp ở Bình Định cũng tạm thời lắng xuống trong những năm cuối thế kỷ XIX. Nhân dân Bình Định buộc phải chấp nhận sự cai trị của thực dân Pháp trên chính quê hương của mình.

Sang đầu thế kỷ XX, với điều kiện lịch sử mới, nhất là ảnh hưởng từ cuộc vận động Duy tân của Phan Châu Trinh và đồng chí của ông, phong trào yêu nước và cách mạng ở Bình Định sôi nổi trở lại, nhất là dấu ấn của cuộc đấu tranh chống sưu thuế năm 1908. Tuy nhiên, với những hạn chế của khuynh hướng dân chủ tư sản, phong trào yêu nước theo khuynh hướng này tạm lắng, tỏ ra bất lực trước nhiệm vụ lịch sử. Trước sự đàn áp của thực dân phong kiến, nhiều người con của đất Bình Định và những nhà yêu nước hoạt động trên đất Bình Định bị bắt, thậm chí hy sinh. Cũng giai đoạn lịch sử này, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở Bình Định. Với những chính sách tàn bạo, thâm độc của thực dân Pháp đã đẩy đại bộ phận dân chúng Bình Định và các địa phương khác lâm vào cảnh mất hết ruộng đất, thất nghiệp, phá sản hoàn toàn. Vì vậy, một bộ phận lớn trong số họ bị bần cùng hóa, lâm vào cảnh cùng cực do chính sách của thực dân Pháp gây ra. Nhân dân Bình Định hứng chịu sự giày xéo, chà đạp lên quyền tự do của mình mà chưa có sự phản kháng nào đáng kể.

Tuy nhiên, công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội Bình Định, và hệ quả khách quan của nó làm xuất hiện một bộ phận người mới trong xã hội, đó là đội ngũ công nhân lao động làm thuê. Cùng chung số phận với các bộ phận nhân dân lao động khác, công nhân cũng bị những chính sách bóc lột của thực dân Pháp đã đè nặng lên cuộc sống. Đội ngũ công nhân Bình Định làm việc trong điều kiện gian khổ, không có sự bảo hộ lao

động, thời gian làm việc kéo dài với những đồng lương chết đói. Đồng thời, họ thường xuyên bị giới chủ đánh đập, cúp phạt tiền lương hàng tháng. Vì vậy, cuộc sống của công nhân Bình Định về cơ bản cũng cùng chung số phận với nhân dân lao động Bình Định. Chính vì vậy, họ đã đứng lên đấu tranh chống lại những chính sách cai trị thâm độc của thực dân Pháp.

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, do mới chỉ là một bộ phận nhỏ, có số lượng ít ỏi và chưa có sự trưởng thành về ý thức chính trị, nên công nhân Bình Định mới chỉ dừng lại ở việc hưởng ứng tham gia cùng với quần chúng lao động vào các cuộc đấu tranh do giới sĩ phu tiến bộ phát động. Bên cạnh đó, khoảng thời gian này, nhất là những năm 20 của thế kỷ XX, khi số lượng đã có sự phát triển hơn, công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp ở tỉnh Bình Định đã có những cuộc đấu tranh của giai cấp mình, với mục đích đòi quyền lợi thiết thân cho chính bản thân họ. Trên nền tảng đó, từ những năm 30 trở đi, công nhân Bình Định không ngừng tăng số lượng, chuyển biến mạnh về ý thức chính trị, nhất là từ khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin thành, họ phát triển thành một đội ngũ có vị trí quan trọng trong nền sản xuất và cơ cấu xã hội tỉnh Bình Định, bước hẳn lên vũ đài chính trị, tiến hành các cuộc đấu tranh với nhiều hình thức phong phú để chống lại giới chủ tư bản. Chính những cuộc đấu tranh này đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đông đảo nhân dân toàn tỉnh, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh chống Pháp của nhân dân Bình Định. Từ đó, một phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Bình Định do đội ngũ công nhân phát động, lãnh đạo diễn ra sôi nổi, rầm rộ thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Rõ ràng, chính những phong trào đấu tranh, mà công nhân là những người đầu tiên phát động đã thực sự thức tỉnh tinh thần đấu tranh của nhân dân toàn tỉnh. Do đó, chính những phong trào đấu tranh của công nhân đã góp phần thúc đẩy tinh thần yêu nước của nhân dân Bình Định vốn đã tạm thời lắng xuống thì nay lại có điều kiện vùng lên mạnh mẽ.

Trải qua những cuộc đấu tranh đó, đội ngũ công nhân Bình Định đã được giác ngộ cách mạng sâu sắc, đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ về ý thức chính trị với sự ra đời của các chi bộ cộng sản. Từ đây, những người công nhân thấm nhuần tư tưởng cách mạng đã tìm mọi cách để vận động, đoàn kết, tổ chức quần chúng đứng lên đấu tranh cách mạng thông qua các tổ chức chính trị của mình như Chi bộ Đảng, Hội ái hữu, Công hội đỏ, Hội cứu tế đỏ... Do đó, một lực lượng đông đảo nhân dân được tổ chức tham gia vào phong trào đấu tranh chống Pháp và bọn phong kiến tay sai phản cách mạng. Một lực lượng cách mạng hùng hậu được tổ chức để

tham gia vào phong trào cách mạng Bình Định dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Xét ở khía cạnh này, rõ ràng đội ngũ công nhân đóng vai trò tích cực trong việc tập hợp được một lực lượng đông đảo nhân dân, có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng Bình Định phát triển dưới sự chỉ đạo của các Chi bộ Đảng trong tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) công nhân bình định thời kỳ 1897 1945 (Trang 77 - 80)