2 Tuy nhiên, âm mưu này bất thành do cộng đồng các tộc người bản địa trên Tây Nguyên nói chung và ở tỉnh Gia Lai nói riêng, được chính quyền cách mạng giác ngộ nên đã không mắc mưu của Pháp.
2.1.3. Những thuận lợi trong truyền bá, giác ngộ cách mạng đối với cộng đồng các tộc người bản địa tỉnh Gia Lai giai đoạn 1945-
Bên cạnh những khó khăn tạm thời trên, công cuộc vận động cách mạng trong cộng đồng các tộc người bản địa trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 1945- 1954 cũng có nhiều thuận lợi cơ bản.
Thuận lợi lớn nhất nằm ở tính ưu việt trong chính sách dân tộc của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mục tiêu của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định lựa chọn con đường cách mạng vô sản là để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, rất cần sự tham gia của toàn thể dân tộc Việt Nam, cần thực thi chính sách đại đoàn kết dân tộc theo khẩu hiệu của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết / Thành công, thành công, đại thành công”. Chính sách nhất quán của Đảng và Chính phủ cách mạng được xác định rõ trong Thư gửi đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 là: “Đồng bào người Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia
cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt” [32, tr. 217].
Được sống trong nền độc lập, tự do và được thực hiện quyền công dân của một nước tự do trong một năm sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân các tộc người bản địa trên địa bàn tỉnh đã bước đầu cảm nhận được bản chất của chính quyền cách mạng và tính ưu việt của chế độ mới. Đặc biệt, tình cảm và sự chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo được sức cảm hóa mạnh mẽ đối với đồng bào các dân tộc bản địa ở tỉnh Gia Lai, cũng như trên toàn Tây Nguyên nói chung. Điều này đã thể hiện rất rõ qua bài ca của người Jrai, một trong những tộc người bản địa chủ yếu trên địa bàn tỉnh Gia Lai, rằng: “Hỡi cánh hoa Êpan soi mình bên bến nước / Mày sáng nhất rừng, mày đẹp nhất buôn / Nhưng bụng Bác Hồ còn đẹp hơn nhiều / Bác Hồ dạy là cơm no, áo tốt”
[2, tr. 163].
Thuận lợi thứ hai nằm ở tính cách nghĩa khí và mô hình xã hội “trọng thống” của các cộng đồng người bản địa trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Cuộc sống lâu đời trên cao nguyên đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ đã hun đúc nên tính cách hồn nhiên và tinh thần hào sảng, chuộng tự do của các tộc người bản địa trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Với tính cách đó, họ dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa chính sách của thực dân Pháp và chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với họ, chính sách tăng cường vơ vét nhân tài, vật lực của dân, đánh thuế cả người, súc vật và nương rẫy của thực dân Pháp là sự chà đạp lên tinh thần yêu chuộng tự do và công bằng nên không thể chấp nhận. Trong khi đó, chính sách đại đoàn kết dân tộc và vì nhân dân của Chính phủ cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phù hợp với tinh thần yêu chuộng
tự do và công bằng của họ. Với bản chất cần cù, chất phác, chưa bị tha hóa như các xã hội có giai cấp đối kháng nên các tộc người bản địa trên địa bàn tỉnh Gia Lai dễ dàng nhận ra tính ưu việt của cách mạng và sự chân thành của cán bộ cách mạng. Tuy không biết chữ nhưng nhiều tù trưởng, già làng sẵn có tinh thần chuộng tự do, yêu nước, căm ghét thực dân Pháp áp bức bóc lột đã tin theo và trung thành với cách mạng.
Cùng với tính cách nghĩa khí, hồn hậu, các tộc người bản địa ở Gia Lai còn mang đậm tư tưởng “trọng thống” trong văn hóa ứng xử truyền thống. Thiết chế xã hội truyền thống của các tộc người bản địa ở Gia Lai là “làng”. Trong làng, mỗi thành viên là một phần của tập thể, luôn đặt cộng đồng lên trên cá nhân và luôn quý trọng, tin tưởng tuyệt đối già làng. Thế nên, khi một cá nhân nhận thấy điều hay, điều dở đều trao đổi trong tập thể và xin ý kiến của già làng, xin già làng phán xử. Còn khi già làng tin vào điều hay lẽ phải và truyền giảng thì toàn bộ dân làng sẽ tuyệt đối tin theo.
Thuận lợi thứ ba là tỉnh luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao và trợ giúp toàn diện của Trung ương, của Xứ ủy trung kỳ và của Liên khu V
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngay sau Cách mạng tháng Tám, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Phan Thêm làm phái viên Xứ ủy và Mặt trận Việt Minh Trung Bộ lên Gia Lai để chỉ đạo phong trào, phát triển cán bộ, đảng viên. Sau khi kết nạp được 8 đảng viên mới, ngày 01/10/1945, tại thị xã Pleiku, thay mặt Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Phan Thêm đã tổ chức thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai. Chi bộ có 9 đảng viên gồm đồng chí Phan Thêm và 8 đảng viên mới kết nạp (4 đồng chí hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước: Nguyễn Đường, Nguyễn Xuân, Phạm Thuần và 4 đồng chí hoạt động trong phong trào công nhân: Trần Ren, Nguyễn Bá Hòe, Lý Tú, Trương Trợ). Mỗi đảng viên trong chi bộ lấy một chữ trong khẩu hiệu: “Xin thề hy sinh tất cả vì Đảng ta” làm bí danh.
“tự giải tán” (tháng 11/1945), nhưng công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức đảng đầu tiên ở Gia Lai (dưới danh nghĩa là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”) vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Mỗi đảng viên trong chi bộ đầu tiên của tỉnh đều tham gia hoạt động đơn tuyến, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Qua đó, các chi bộ cộng sản mới tiếp tục được thành lâp như Chi bộ công nhân Biển Hồ, Chi bộ Bàu Cạn v.v... Trên cơ sở đó, ngày 10/12/1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Tây Sơn, công tác củng cố, xây dựng chính quyền trong các địa phương của Gia Lai được đẩy mạnh. Ở các huyện, Ủy ban cách mạng lâm thời được cải tổ thành Ủy ban hành chính có đủ 5 thành viên, trong đó có 2 thành viên là người dân tộc thiểu số. Nhiều nơi ngoài thành phần cơ bản, trong các Ủy ban hành chính còn tăng thêm thành phần người dân tộc thiểu số có uy tín. Ở mỗi buôn làng người bản địa, các chủ tịch và phó chủ tịch do dân bầu là những người có uy tín trong làng. Song song với việc củng cố chính quyền các cấp, Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh còn đẩy mạnh việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ và Việt Minh; phát triển hội viên, củng cố Ban Chấp hành các Hội Cứu quốc: thanh niên, công nhân, phụ nữ, nông nhân cứu quốc. Thành công của cuộc bầu cử Ủy ban Hành chính các cấp ngày 27/3/1946 đã giúp kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp của tỉnh trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ.
Để tăng cường chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Tây Nguyên, ngày 28/8/1947, đồng chí Phạm Văn Đồng - đại diện Chính phủ trung ương tại Nam Trung Bộ - đã quyết định thành lập Ủy ban Chỉ huy Tây Nguyên và các trung đoàn địa phương. Để tiện cho việc chỉ đạo kháng chiến phù hợp với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 25/01/1948, Hội đồng Chính phủ ra sắc lệnh tổ chức lại các khu trong cả nước thành liên khu và đặc khu. Theo đó, các khu V,
VI, XV hợp nhất thành Liên khu V để chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Trung Trung bộ và Tây Nguyên sâu sát hơn.
Thuận lợi thứ tư là công tác dân vận đối với đồng bào các tộc người bản địa giai đoạn này đã mang tính hệ thống và đồng bộ hơn
Nếu giai đoạn trước (1930-1945) công tác vận động cách mạng trong cộng đồng tộc người bản địa ở Gia Lai chỉ do các hoạt động đơn tuyến của đảng viên hoặc của các tổ chức Thanh niên, Việt Minh thì giai đoạn này công tác vận động cách mạng đã mang tính hệ thống và đồng bộ. Hệ thống chính trị các cấp (từ xã đến buôn làng) trên địa bàn toàn tỉnh vừa được thiết lập và bước đầu kiện toàn trước khi thực dân Pháp tái chiếm tỉnh, là nhân tố chủ động tiến hành thúc đẩy công cuộc truyền bá cách mạng tại chỗ có hiệu quả. Bên cạnh đó, công cuộc truyền bá, giác ngộ cách mạng cho cộng đồng các dân tộc bản địa trên địa bàn còn nhận được sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của cấp trên. Đó là chủ trương, đường lối của Đảng, tấm lòng đối với dân tộc thiểu số của Bác Hồ, là việc tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị thiết yếu có tác động tích cực đến sự giác ngộ cách mạng của đồng bào như: Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I và bầu cử Ủy ban hành chính các cấp... Đó còn là sự hỗ trợ đắc lực của Liên khu V, nhất là trong việc tổ chức các đội vũ trang công tác để diệt ác trừ gian, khích lệ niềm tin của đồng bào lúc đen tối nhất, đó còn là việc tổ chức các đội vũ trang tuyên truyền đi sâu vào các buôn làng vùng địch hậu, cũng như tiến hành các chiến dịch quân sự của Trung đoàn 120 trên địa bàn toàn tỉnh.