4 Bốn tổ chức thành viên của FULRO gồm: Mặt trận giải phóng Cao Nguyên, tức FULRO Thượng, Mặt trận giải phóng Champa, tức FULRO Chăm hoạt động chủ yếu ở Ninh Thuận, Mặt trận giải phóng Campuchia Krom,
3.3.2.3. Sự truyền bá, giác ngộ cách mạng thông qua các chiến dịch quân sự lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh
Xuất phát từ mong ước chung là được hưởng quyền lợi của một người dân tự do, thoát khỏi kiếp nô lệ, đồng bào các dân tộc Jrai, Bahnar hiểu một cách sâu sắc lý tưởng cao cả của cách mạng, thấy rõ bản chất của Mỹ và tay sai nên đã tin theo Đảng, đoàn kết chặt chẽ trong chiến đấu. Sự đoàn kết, phối hợp hoạt động của quần chúng nhân dân được thể hiện trong các chiến dịch quân sự như:
Phong trào chống địch gom dân, lập ấp chiến lược: vận dụng phương châm đấu tranh “hai chân ba mũi giáp công” để liên tục tấn công và nổi dậy phá kìm kẹp với phá kế hoạch gom dân của địch, củng cố và mở rộng vùng giải phóng... Năm 1961 quân dân trong tỉnh đã đánh 143 trận, giữ vững vùng căn cứ và vùng giải phóng. Trong năm 1962, toàn tỉnh nổ ra 463 cuộc đấu tranh với sự tham gia của 52.799 lượt người, có 7 cuộc đấu tranh của 43 gia đình binh lính ngụy kéo đến quận lỵ, tỉnh lỵ đấu tranh đòi chồng con trở về, chống dồn dân. Các cấp ủy các khu bám sát phong trào để chỉ đạo đấu tranh, nêu cao khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời”, “chống bắt lính, chống dồn dân lập ấp”, “chống bắn pháo vào làng, đòi bồi thường thiệt hại cho dân, đòi cải thiện đời sống”...
Phong trào chiến tranh du kích, kết hợp “hai chân, ba mũi giáp công”, xây dựng cơ sở vùng dinh điền, vùng nông thôn được đẩy lên một bước. Cán bộ đội công tác dinh điền tích cực đi sâu vào từng địa bàn, tuyên tuyền đường lối, chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, vận động tranh thủ binh lính, dân vệ, một số đồng tình ủng hộ phong trào đấu tranh của quần chúng. Trong một số dinh điền, ta xây dựng được cơ sở nội tuyến. Năm 1963, Siu Tăn (làng O Ia, B7- huyện Ia Grai) là người biết viết chữ Jrai nên được giao nhiệm vụ viết truyền đơn bằng tiếng Jrai trên giấy vở học sinh để đưa vào cho cơ sở rải trong các ấp chiến lược, dinh điền, đồn địch, hoặc để du kích mang đi rải khi đánh địch. Phong trào chiến tranh du kích kết hợp “hai chân, ba mũi giáp công” đã làm cho toàn bộ hệ thống ấp chiến lược vùng nông thôn đồng bào dân tộc tại chỗ đã cơ bản bị phá rã, đặc biệt là đã phá hàng loạt ấp chiến lược mà lâu nay địch cố bám giữ.
Trên toàn tỉnh đã giải phóng được 4 xã, 8 dinh điền, 5 khu định cư với số dân 18.200 người, đưa tổng số dân làm chủ cả vùng căn cứ bất hợp pháp lên 133.375 dân. Đến tháng 7/1965, vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được giải phóng, bao gồm 4/5 đất đai và gần 60% dân số. Thắng lợi này đã tạo được thế và lực mới cho các dân tộc trong tỉnh bước vào giai đoạn trực tiếp đánh Mỹ.
Đầu tháng 10/1965, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhận được điện thông qua quyết tâm và kế hoạch chiến dịch Pleime. Trong hơn một tháng chiến đấu, chủ động, liên tục tiến công bằng chiến thuật “vây đồn đánh viện”, bộ đội chủ lực B3 với sự hỗ trợ của lực lượng địa phương, dân quân du kích đã lập nên chiến thắng Pleime vang dội. Chiến thắng Pleime đã thôi thúc khí phách anh hùng, củng cố thêm niềm tin vào khả năng đánh Mỹ và quyết tâm đánh thắng Mỹ của đồng bào các dân tộc Gia Lai.
Cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân Gia Lai đã đánh một đòn chí mạng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm suy sụp tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền. Sau thắng lợi Tết Mậu thân, việc củng cố tư tưởng và tổ chức trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Ta chú trọng công tác tư tưởng trong nội bộ và quần chúng nhân dân, tập trung phân tích để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân thấy rõ ý nghĩa của cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Cùng với việc biểu dương những thành tích mà cán bộ, chiến sĩ mà nhân dân ta đã đạt được, chú trọng uốn nắn những nhận thức lệch lạc, phân tích cho cán bộ và nhân dân hiểu “công kích và nổi dậy là quá trình lâu dài” chứ không thể qua một đợt. Nhiều khu tổ chức cho cán bộ chủ chốt học tập, thảo luận ý nghĩa thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, học tập điều lệ Đảng, nhấn mạnh nhiệm vụ của người đảng viên, học tập công tác vận động quần chúng, đi sâu vào nhiệm vụ công tác chi bộ. Phương pháp học tập chủ yếu được vận dụng trong thời điểm này là gợi ý để cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, liên hệ đối chiếu lý luận được học với nhiệm vụ của người đảng viên. Sau đó những nội dung học
tập trên được triển khai đến các chi bộ xã, chi bộ cơ quan, lực lượng vũ trang, bộ đội địa phương, dân quân du kích và lực lượng nòng cốt, cốt cán.
Những thắng lợi của ta trong năm 1968 đã làm chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Phát huy thắng lợi đó, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã tiến hành đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy. Các hoạt động chống Mỹ - ngụy bình định, lấn chiếm; giành và giữ dân được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và đều khắp; chất lượng phong trào đấu tranh các mặt của nhân dân ngày càng rộng rãi, sôi nổi và đi vào chiều sâu. Với những nổ lực của toàn tỉnh, số dân giành được quyền làm chủ vào cuối năm 1971 khoảng 110.000 người. Năm 1972, quân và dân tham gia cuộc tiến công và nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng và số dân làm chủ trong tỉnh lên đến 130.000 người. Để chào mừng thắng lợi to lớn, tại trung tâm căn cứ của tỉnh đã tổ chức cuộc mít tinh lớn với hơn 1.500 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đoàn thể quanh tỉnh đến dự. Tại cuộc mít tinh, lãnh đạo tỉnh đã nêu rõ ý nghĩa thắng lợi của quân dân ta giành được và động viên mọi người, mọi địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh phát huy khí thế chiến thắng, tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn hơn. Kết thúc lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân cách mạng, mọi người đồng loạt hô lớn khẩu hiệu “Nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam
Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”, biểu lộ khí
thế phấn khởi, tự hào và quyết tâm đoàn kết của quân và dân tỉnh Gia Lai kiên quyết, chủ động đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn mới của địch.
Ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký, tuy nhiên đế quốc Mỹ không thực hiện những điều khoản trong Hiệp định mà ngược lại, chúng lên kế hoạch thực hiện “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm đất, giành dân hòng xóa thế “da báo” của lực lượng cách mạng trên chiến trường. Với một tinh thần khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn, Tỉnh ủy đã kiện toàn tổ chức, xây dựng 48 đội công tác ở các huyện gồm 336 cán bộ và 27 đội
công tác các xã gồm 187 cán bộ. Các đội công tác của tỉnh, các khu bám sát 68 ấp chiến lược, khu mới dồn dân ven thị xã Pleiku, quận lỵ An Khê; huy động hàng trăm cán bộ đến các vùng trọng điểm để tuyên truyền cách mạng, phối hợp công tác với đảng bộ địa phương. Trong gần 2 năm tiến hành đánh địch lấn chiếm dồn dân, đến cuối 1974 thì quân và dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân, giữ vững, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ sối nổi, công tác giáo dục và y tế được đấy mạnh. Tờ báo
Giải phóng của tỉnh ra đều hàng tháng, kịp thời tuyên truyền tin chiến thắng đến
các chiến trường; phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đồng thời nêu gương những dũng sĩ, anh hùng, những điển hình tốt trong chiến đấu và sản xuất đến các cơ sở, làng, xã, buôn. Đội văn công, đội chiếu phim của Ủy ban nhân dân tỉnh; đội tuyên truyền văn hóa của Tỉnh đội luân phiên đi phục vụ đồng bào các buôn làng vùng căn cứ, vùng giải phóng. Từ đó, nhân dân vùng tranh chấp thiết tha với hoạt động văn hóa của cách mạng.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Ngay sau khi tiếp quản địa bàn tỉnh Gia Lai, Chính quyền Sài Gòn đã thi hành mọi chính sách, thủ đoạn có thể để “diệt cộng” và tách dân bản địa ra khỏi cách mạng. Trong khi đó, đế quốc Mỹ và các thế lực nước ngoài khác lại kích động, cung cấp vũ khí và hậu thuẫn cho một bộ phận người bản địa đòi ly khai, thù địch với người Kinh và chống phá cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, sự hậu thuẫn kịp thời và toàn diện của Trung ương Đảng và Chính phủ, của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trực tiếp là của Liên khu ủy V và Liên tỉnh ủy 4, Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai đã tiếp tục đẩy mạnh công cuộc truyền bá cách mạng trong cộng đồng các tộc người bản địa trên địa bàn tỉnh.
Kế thừa và phát huy các kinh nghiệm “dân vận - chính trị” và “dân vận - quân sự” trong đồng bào từ thời kháng Pháp, công tác truyền bá, giác ngộ cách mạng trong cộng đồng người bản địa trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn chống Mỹ diễn ra sâu rộng hơn và hiệu quả hơn. Cho đến cuối giai đoạn này, đa số đồng bào bản địa trên địa bàn Gia Lai đã đi theo cách mạng và trở thành một lực lượng quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng quê hương.
KẾT LUẬN
1. Có thể tóm lược lại các kết quả nghiên cứu vấn đề khá toàn diện và có hệ thống trên đây trong ba ý chính sau:
1.1. Cho đến trước năm 1975, hai cộng đồng tộc người bản địa có số dân đông nhất sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai là tộc người Jrai và tộc người Bahnar. Tuy hai tộc người này thuộc hai nhóm ngữ hệ khác nhau song họ đều có chung nhau nhiều nét văn hóa, tính cách của cư dân Tây Nguyên đại ngàn. Với tính cách chân chất nhưng khoáng đạt, cả hai tộc người này đều yêu chuộng tự do, ghét bạo lực và áp bức bất công. Vì thế, họ sớm nhận ra bộ mặt phản động của thực dân đế quốc và chính quyền tay sai của chúng; họ cũng sớm nhận ra chính sách ưu việt của Đảng, của Bác Hồ và sự chân thành vì dân của cán bộ cách mạng hoạt động trên địa bàn. Cũng nhờ thế mà công tác truyền bá, giác ngộ cách mạng cho hai cộng đồng tộc người này mới có thể có tiến triển khá thuận lợi, bất chấp mọi chính sách, thủ đoạn ngăn cản của kẻ thù.
1.2. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, công tác truyền bá, giác cách mạng trong cộng đồng người bản địa ở tỉnh Gia Lai vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại – cả khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương và Xứ ủy Trung kỳ cùng với đó là những nỗ lực vượt khó to lớn của hệ thống chính trị non trẻ của tỉnh Gia Lai nên trong những năm 1945 - 1954, công tác truyền bá, giác ngộ cách mạng cho đồng bào bản địa sống trên địa bàn đã từng bước được khai thông, tiến triển tích cực. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và Liên khu V đã phối hợp hoạt động ngày càng hiệu quả, ngày càng có nhiều người, nhiều buôn làng đồng bào theo Đảng, theo cách mạng.
1.3. Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù kẻ thù dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm hơn để ngăn cản hoạt động truyền bá cách mạng trong đồng bào bản địa. Song, được sự trợ giúp kịp thời, hiệu quả của cấp
trên từ Trung ương đến Liên tỉnh ủy 4, các cấp ủy Đảng và chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục nỗ lực thúc đẩy công cuộc truyền bá cách mạng trong cộng đồng các tộc người bản địa trên địa bàn. Nhờ đó, đến cuối giai đoạn này, chỉ trừ một số ít đồng bào lầm đường lạc lối theo địch hoặc u mê đòi ly khai, tuyệt đại đa số người bản địa đã giác ngộ, đi theo cách mạng và trở thành lực lượng cách mạng quan trọng góp phần vào giải phóng quê hương.
2. Kỳ tích giác ngộ cộng đồng các tộc người bản địa trên địa bàn tỉnh Gia Lai để họ trở thành lực lượng trọng yếu của cách mạng trong những năm 1945 - 1975 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn gợi cho chúng ta nhiều điều cần suy ngẫm.
2.1. Để giác ngộ cách mạng cho các tộc người bản địa vốn có nhiều khác biệt về văn hóa (với người Kinh) lại đang bị kẻ thù cách mạng khống chế, mua chuộc và lừa mị, Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh Gia Lai đã tuân thủ các chỉ thị và phối hợp cùng cấp trên triển khai cùng nhiều giải pháp và chịu mọi gian khổ, kiên trì vận động đồng bào. Điều đó nói lên rằng, không có nhiệm vụ cách mạng nào là dễ dàng; nhưng cũng không có nhiệm vụ cách mạng nào là không thể. Một khi đó là nhiệm vụ vì dân và hợp lòng dân, vì nước và hợp với mục tiêu cách mạng thì đảng và chính quyền cách mạng nhất định phải làm, phải vận dụng hết mọi nguồn lực, mọi biện pháp có thể để hiện thực hóa nó tốt nhất.
2.2. Từ kinh nghiệm lịch sử trên, có thể thấy rằng, lợi ích của Đảng và Nhà nước ta luôn song trùng với lợi ích của quốc gia, với lợi chính đáng của nhân dân, của mọi cộng đồng tộc người trên đất nước. Lòng dân luôn đúng, luôn hướng về, tin tưởng và kỳ vọng vào Đảng; ý Đảng luôn phụng sự dân vô điều kiện. Vì thế, nếu có lúc nào đó và ở đâu đó, người dân lầm lỗi, người dân bất an thì đó chắc chắn là do lỗi ở cán bộ Đảng trên địa bàn (hoặc là vì họ xa dân hoặc là vì họ chưa nỗ lực hết mình vì dân).
2.3. Cách mạng không phải là sự nghiệp của một chính đảng; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng giác ngộ theo sự dẫn dắt của một chính đảng cách mạng. Nhận thức rõ điều này, trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta đã nỗ lực hết mình, áp dụng mọi giải pháp có thể để giáo dục giác ngộ và tập dượt đấu tranh cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần dân tộc, biến họ thành lực lượng cách mạng. Từ kinh nghiệm quý báu đó, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã đang thực hiện nhiều chính sách, giải pháp hướng đến giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung cũng như ở tỉnh Gia Lai nói riêng để họ thực sự trở thành chủ nhân cùng tham gia xây dựng đất nước và lớn lên cùng đất nước, chứ không phải các giải pháp nhỏ lẻ có tính chất “trợ giúp, ban ơn” cho họ.