Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tiền tố tụng

Một phần của tài liệu Biện pháp khẩn cấp tạm thời tiền tố tụng (Trang 57 - 59)

Cơ chế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tiền tố tụng có thể đi theo mô hinh áp dụng Mavera của Anh Quốc và có những điểm riêng biệt với đặc thù của Việt Nam như sau:

Đầu tiên, người có yêu cầu nộp hồ sơ yêu cầu đến tòa án có thẩm quyền như đã trình bày nêu trên để tòa án xem xét việc nhận hồ sơ. Hồ sơ cần bao gồm các giấy tờ sau: Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Ghi nội dung yêu cầu theo như mẫu của cơ quan tòa án hoặc quy định về nội dung của đơn khởi kiện); Bản lập luận về vụ việc (bản lập luận cần thể hiện được yêu cầu của bên nộp đơn để thể hiện vụ việc là một trường hợp cần tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi cho người nộp đơn, kèm theo đó là biện pháp mà người nộp đơn yêu cầu); Cuối cùng, là các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu. Các chứng cứ nên là các văn bản giấy tờ thể hiện được nội dung vụ việc. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam thì người yêu cầu cũng phải nộp kèm biên lai tạm thu án phí để có thể đúng thủ tục giải quyết vụ việc. Người yêu cầu nên chú ý về ngày làm việc của cơ quan nhà nước để tiến hành nộp đơn yêu cầu, tránh các trường hợp nộp đơn vào các ngày sát thứ bảy hay chủ nhật.

Thứ hai, bộ phận tiếp nhận đơn sau khi nhận được đơn cần tiến hành các thủ tục sơ bộ để có thể đưa ra các khuyến nghị cho thẩm phán sau này có thể đưa quyết định giải quyết vụ việc. Sinh viên đưa khuyến nghị xây dựng

cơ chế “quản lý vụ việc” (case management) của Mỹ vào việc xử lý các vụ việc dân sự nói chung. Mà ở đó, việc xử lý hồ sơ ở giai đoạn ban đầu rất quan trọng giúp cho tiến trình giải quyết lượng vụ việc ra tòa là rất ít. Như số liệu thống kê của Hoa Kì, các vụ việc đến tòa án thì chỉ có 10% phải đưa ra xét xử, 90% được thực hiện thông qua các thủ tục như thương lượng, hòa giải giữa hai bên và giảm được gánh nặng cho hệ thống tư pháp [37]. Do đó, nhằm đẩy mạnh được việc cải cách bộ máy tư pháp nói chung và áp dụng chế định biện pháp khẩn cấp tạm thời tiền tố tụng nói riêng, việc nhà nước, các ban ngành đẩy mạnh việc nghiên cứu mô hình quản lý vụ việc là một việc cần thiết. Sau khi nhận được yêu cầu của bên yêu cầu, cần có một bộ phận xem xét hồ sơ, đưa ra tóm tắt nội dung vụ việc và những tham vấn sơ bộ cho thẩm phán bằng văn bản ngắn gọn để thẩm phán sau khi đọc xong có thể đưa ra nhận định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hay chưa, rút ngắn được thời gian thực hiện công việc và đảm bảo được hoạt động của cơ quan, không dẫn đến hiện trạng thừa người, thiếu việc. Công việc này nên được tiến hành trong thời hạn là một đến hai ngày làm việc của cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo tính khẩn cấp của văn bản.

Cuối cùng, sau khi phân công cho thẩm phán xem xét hồ sơ vụ án và dựa vào các nhận định sơ bộ mà bộ phận quản lý vụ việc khái lược sơ qua trong tóm tắt thì thẩm phán được phân công sẽ tiến hành xem xét ra quyết định khẩn cấp tạm thời hay thông báo cho bên yêu cầu về việc từ chối áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tiền tố tụng. Thời hạn để thẩm phán xem xét hồ sơ yêu cầu là một ngày và có thời gian ra quyết định vào ngày kế tiếp hay ngay trong ngày hôm đó.

Có thể thấy rõ, thời hạn quy trình có thể diễn ra nhanh nhất là hai đến năm ngày làm việc, tùy tính chất của vụ việc. Việc này hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo quy trình làm việc của tòa cũng như việc thực hiện đẩy đủ các hoạt động thẩm tra tránh việc nhầm lẫn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Một phần của tài liệu Biện pháp khẩn cấp tạm thời tiền tố tụng (Trang 57 - 59)