Khi được hỏi về nguyên nhân gây loét ép thì chỉ có 27,4% người chăm sóc có thể trả lời đúng là do thiếu máu nuôi dưỡng vùng bị chèn ép. Đa số người chăm sóc có thể hiểu được do người bệnh nằm lâu ở một tư thế, sẽ dẫn đến tình trạng loét ép; nhưng họ chưa thể đưa ra chính xác nguyên nhân của việc loét ép xảy ra với người thân của mình; đồng thời, họ cho rằng thời gian nằm của người bệnh phải tính theo tháng thì mới có thể xảy ra loét ép. Theo chúng tôi, việc hiểu biết nguyên nhân gây bệnh còn thấp có thể là một trong những yếu tố làm hạn chế các biện pháp phòng chống loét ép cho người bệnh tai biến. Đây là một thiếu sót rất lớn về kiến thức của người chăm sóc, về nguyên nhân gây các thương tật thứ cấp cho người bệnh; trong khi đó, người bệnh tai biến mạch mãu não thường xảy ra tình trạng liệt mềm và mất vận động ở giai đoạn đầu; mà chỉ cần không được thay đổi tư thế ít nhất 2h/lần là người bệnh đã đối mặt với nguy cơ loét ép. Tuy nhiên, một chương trình can thiệp được áp dụng với những người chăm sóc chính đã đạt được kết quả đáng mong đợi khi 83,9% người chăm sóc đã trả lời đúng về nguyên nhân gây loét ép. Đây cũng là minh chứng cho thấy hiệu quả của các chương trình truyền thông trực tiếp khi người được tư vấn nhận được các thông tin trực tiếp từ người tư vấn, kết hợp tham khảo tài liệu phát tay.
Về việc nhận ra các dấu hiệu loét ép, 30,6% người chăm sóc đã nhận thức được các dấu hiệu cảnh báo sớm loét ép; đó là những vết ban hồng xuất hiện trên vùng da bị tỳ đè. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Tamam Mahmoud El-Daharja về ảnh hưởng của chương trình đào tạo dành cho gia đình trong việc
phòng tránh loét ép cho người bệnh nằm lâu [46]. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của loét ép đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng loét cho người bệnh, đây có thể là yếu tố quyết định có xảy ra loét trên người bệnh hay không. Việc cung cấp cho những người chăm sóc các kiến thức về dấu hiệu loét ép giúp họ có khả năng quan sát, nhận định để phát hiện các nguy cơ loét trên người nhà của họ, từ đó phối hợp với Điều dưỡng để có sự chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. Một kết quả tích cực được ghi nhận sau chương trình can thiệp với 85,5% đối tượng nghiên cứu đã có kiến thức đúng về các dấu hiệu loét ép. Bảng 3.7 cho thấy kiến thức của người chăm sóc chính về vị trí dễ xảy ra loét ép chưa được cao, trước can thiệp có tới 72,6% đối tượng tham gia chưa xác định được tất cả những vị trí dễ xảy ra loét ép cho người bệnh; chủ yếu, họ chỉ xác định được một số vị trí theo tư thế nằm, nhưng trên thực tế loét ép có thể xảy ra với tất cả các tư thế người bệnh. Vì vậy, sau khi khảo sát lần 1, tổng hợp các phần kiến thức còn yếu của đối tượng; chúng tôi đã tiến hành các tư vấn cụ thể theo từng đối tượng và cung cấp cho họ một cái nhìn tổng quan về các vị trí loét theo từng tư thế người bệnh và sau can thiệp chỉ còn 11,3% đối tượng trả lời sai về vị trí dễ xảy ra loét ép.
Từ những kiến thức riêng biệt về loét ép của đối tượng nghiên cứu chúng tôi tiến hành tổng hợp để tìm ra điểm trung bình chung về kiến thức loét ép của họ. Kết quả cho thấy, kiến thức của đối tượng nghiên cứu về loét ép được cải thiện đáng kể, cụ thể điểm trung bình chung trước can thiệp là 2,65 ± 1,202 tăng lên 6,68 ±0,954 sau can thiệp (xét trên thang điểm 8). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. 4.3. Kiến thức dự phòng loét ép.