Kiến thức về tầm quan trọng của dự phòng loét ép

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức dự phòng loét ép của người chăm sóc chính người bệnh tai biến mạch máu não tại bệnh viện đa khoa tỉnh nam định năm 2016 (Trang 55)

Để hạn chế được loét ép xảy ra đối với người bệnh; điều quan trọng đầu tiên đó là những người chăm sóc chính cho người bệnh, cần nhận thức được tầm quan trọng của việc dự phòng loét ép; khi đó những người chăm sóc mới có thể đưa ra được những biện pháp tốt nhất giúp người bệnh hạn chế loét ép. Ở nghiên cứu này, khi chúng tôi tiến hành điều tra kiến thức của những người chăm sóc chính về tầm quan trọng của dự phòng loét ép, thì chỉ có 1 đối tượng ( tương ứng 1,6%) có

kiến thức tốt; trong khi 83,6% đối tượng có kiến thức trung bình và 14,8% ở mức kiến thức kém. Tỷ lệ này cho thấy các đối tượng nghiên cứu tuy đã có nhận thức về tầm quan trọng của dự phòng loét ép nhưng chưa đầy đủ; nhiều đối tượng cho rằng loét ép chỉ có thể xảy ra trên người bệnh nặng, nằm bất động hoàn toàn hay những người bệnh hôn mê trong thời gian dài; vì thế, họ cho rằng việc dự phòng loét ép không cần thiết phải thực hiện ngay sau khi người bệnh bị tai biến. Đây là quan niệm sai lầm của bản thân người chăm sóc, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới quá trình điều trị và hồi phục của người bệnh.

Tuy nhiên, sau khi nhận được tư vấn thì kiến thức của người chăm sóc chính đã có sự thay đổi tích cực. Kiến thức về tầm quan trọng của dự phòng loét ép của người chăm sóc chính đã được cải thiện với 41,9% đối tượng có kiến thức tốt, 58,1% đối tượng có kiến thức trung bình và không còn đối tượng có kiến thức kém. Việc thay đổi kiến thức này sẽ giúp người chăm sóc của người bệnh hiểu biết đầy đủ hơn về việc dự phòng loét ép; từ đó, có thể đưa ra các biện pháp chăm sóc tích cực và phù hợp cho người bệnh.

4.3.2.Kiến thức về vai trò của người chăm sóc chính.

Kết quả ở biểu đồ 3.4 cho thấy trước can thiệp giáo dục chỉ gần một nửa (45,2%) người chăm sóc chính nhận thức được vai trò của họ trong việc dự phòng loét ép cho người bệnh. Những người còn lại cho rằng việc phòng tránh loét ép cho người bệnh tai biến giai đoạn đầu, khi đang nằm viện là trách nhiệm của nhân viên y tế. Mặc dù vai trò của người Điều dưỡng là không thể phủ nhận; tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chăm sóc và phòng tránh các thương tật thứ cấp; đặc biệt, là phòng loét ép cho người bệnh thì người đóng vai trò quan trọng nhất chính là những người chăm sóc của họ; vì những người chăm sóc của người bệnh là những người thường xuyên ở bên cạnh giúp đỡ người bệnh trong sinh hoạt cá nhân; do đó, họ sẽ sớm phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra trên người bệnh. Vì vậy nếu không nhận thức đúng vai trò của mình, những người chăm sóc sẽ không thể làm tốt công việc dự phòng loét ép cho người bệnh. Sau can thiệp giáo dục, kết quả thu được cho thấy phần lớn đối tượng nghiên cứu (93,5%) đã nhận thức đúng vai trò của họ trong việc

phòng tránh loét ép cho người bệnh; từ đó, có những chăm sóc tích cực cho người than của họ.

4.3.3. Kiến thức chung về dự phòng loét ép của đối tượng nghiên cứu.

Đối với việc dự phòng loét ép, có thể nói thời gian thay đổi tư thế cho bệnh là yếu tố quan trọng nhất và quyết định nguy cơ loét ép. Bảng 3.10 là kết quả kiến thức của người chăm sóc về thời gian thay đổi tư thế cho người bệnh. Ở nghiên cứu này chúng tôi chia ra hai tư thế của người bệnh là tư thế ngồi xe lăn và nằm giường; trước can thiệp chỉ hơn 20% đối tượng trả lời đúng về thời gian cần thiết để thay đổi tư thế cho người bệnh. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với kết quả nghiên cứu “Đánh giá kiến thức người nuôi bệnh về bệnh tai biến mạch máu não tại khoa nội thần kinh bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang” của Võ Thị Nhu năm 2013 (Riêng với vấn đề xoay trở người bệnh để phòng ngừa loét ép và huyết khối tĩnh mạch, có tới 40% người chăm sóc không biết cách thực hiện khi người nhà của họ bắt đầu bị tai biến). Theo chúng tôi, sự khác biệt về tỷ lệ này có thể do địa bàn nghiên cứu khác nhau, trình độ học vấn của đối tượng nghiên cứu khác nhau. Đồng thời tỷ lệ này cho thấy đa số người chăm sóc còn chưa được đào tạo và bổ sung những kiến thức cơ bản về chăm sóc; không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới quá trình điều trị, mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng cho người bệnh. Sau can thiệp tỷ lệ người chăm sóc trả lời đúng về thời gian xoay trở cho người bệnh đã được cải thiện, với hai tư thế người bệnh ngồi và nằm tỷ lệ trả lời đúng tương ứng là 85,5% và 72,6%. Với kiến thức đúng người chăm sóc sẽ có những hành động chăm sóc đúng, góp phần tích cực trong quá trình điều trị và ngăn ngừa loét ép cho người bệnh tai biến.

Bên cạnh yếu tố thời gian, dinh dưỡng sẽ góp phần cung cấp cho người bệnh sức khỏe, tăng đề kháng, giúp hạn chế các thương tật thứ cấp, một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ cung cấp năng lượng cần thiết cho người bệnh điều trị và phục hồi sau tai biến. Do đó chúng tôi xây dựng một nội dung can thiệp về dinh dưỡng để bổ sung cho những người chăm sóc các kiến thức cơ bản về dinh dưỡng cho người bệnh tai biến nói chung, dự phòng loét ép nói riêng. Một kết quả tích cực thu được

sau can thiệp cho thấy kiến thức về dinh dưỡng trong việc phòng tránh loét ép cho người bệnh tai biến mạch máu não của những người chăm sóc chính được cải thiện khi tỷ lệ trả lời đúng về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng từ 24,2% lên 79% sau can thiệp giáo dục. Kết quả không có sự khác biệt so với nghiên cứu của Tamam Mahmoud El-Daharja [46].

Về phần kiến thức vệ sinh, vận động cho người bệnh chúng tôi tiến hành đánh giá những người chăm sóc chính theo điểm kiến thức tốt, trung bình và kém. Kết quả cho thấy trước can thiệp đa số kiến thức của đối tượng ở mức trung bình và kém, chỉ 1,8% có kiến thức tốt về vệ sinh và không có đối tượng có kiến thức tốt về vận động. Kết quả phù hợp với nghiên cứu của Tamam Mahmoud El-Daharja [55] và Fathia A. Mersal [35] (gần ¾ số người chăm sóc(76,6%) có kiến thức về vận động không đạt yêu cầu). Chúng tôi nhận thấy đa số người chăm sóc còn chưa nhận thức được vai trò của việc vệ sinh thân thể hay cải thiện vận động cho người bệnh để hạn chế loét ép. Nhiều người còn cho rằng loét ép chỉ xảy ra khi người bệnh bất động hoàn toàn, còn việc giữ cho da sạch và khô, lau rửa sau mỗi lần đi vệ sinh của người bệnh không có tác dụng phòng tránh loét ép. Những người chăm sóc không nhận thức được vấn đề vệ sinh có thể quyết định sự toàn vẹn của da – một yếu tố quyết định của dự phòng loét ép. Nếu da được chăm sóc đúng cách, đảm bảo khô sạch thì sẽ cản trở sự phát triển của vi sinh vật gây hại, đảm bảo tính toàn vẹn của da như vậy sẽ đề phòng được loét. Đồng thời, họ cũng chưa có kiến thức đúng về vai trò của vận động tại chỗ cho người bệnh. Đây sẽ là khó khăn trong việc đưa ra những biện pháp chăm sóc phù hợp cho người bệnh. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng những chương trình can thiệp phù hợp với từng đối tượng, giúp họ có những kiến thức cần thiết hạn chế loét ép. Sau can thiệp kiến thức của đối tượng nghiên cứu về vệ sinh cho người bệnh đạt kết quả 54,8% đạt mức tốt, 43,5% mức trung bình, chỉ còn 1,7% ở mức kém. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Phùng Thu Hương [11]. Cùng với đó, kiến thức của đối tượng nghiên cứu về vận động cũng có cải thiện đáng kể với 61,3% đối tượng đạt mức tốt, 30,6% trung bình và 8,1% kém. Qua đó, chúng tôi nhận thấy rằng kiến thức của những người chăm sóc người bệnh

đã có những thay đổi tích cực sau khi nhận được tư vấn, đây sẽ là nền tảng để thay đổi kỹ năng và thực hành giúp họ nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, thúc đẩy quá trình điều trị và hồi phục của người bệnh.

Sau khi phân tích và đánh giá trên từng phần kiến thức riêng biệt về dự phòng loét ép, chúng tôi tiến hành tính điểm trung bình chung kiến thức của toàn bộ đối tượng nghiên cứu. Điểm trung bình trước can thiệp đạt 6,67 ± 1,73 tăng lên 12,74 ± 1,5 sau can thiệp (xét trên thang điểm 15), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p< 0,01.

4.4. Mối tương quan giữa đặc điểm cá nhân và sự thay đổi kiến thức

Ngoài việc đánh giá sự thay đổi kiến thức chung của những người chăm sóc chính về loét ép và dự phòng loét ép; chúng tôi tiến hành tìm mối tương quan giữa đặc điểm nhân khẩu học với sự thay đổi kiến thức; với mục đích so sánh sự phân hóa đặc điểm cá nhân với mức độ thay đổi kiến thức. Chúng tôi chia mức độ kiến thức của đối tượng nghiên cứu theo mức tốt (trả lời đúng từ 80% trở lên) và chưa tốt (trả lời đúng dưới 80%) và tìm tỷ lệ cho mỗi mức kiến thức. Kết quả điều tra cho thấy, trước can thiệp giáo dục 100% đối tượng không phân biệt giới tính, học vấn, nghề nghiệp, nơi ở đều có mức kiến thức chưa tốt. Tuy nhiên sau khi nhận được tư vấn giáo dục, sự thay đổi kiến thức của đối tượng nghiên cứu có sự thay đổi theo các mức phân hóa đặc điểm cá nhân.

Xét theo giới tính, chúng tôi thấy rằng nam giới có sự thay đổi kiến thức tích cực hơn nữ giới, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01. Theo chúng tôi, có sự khác biệt về mức độ thay đổi kiến thức này có thể do nam giới thường có xu hướng tiếp thu các thông tin mới tốt hơn nữ giới; mặt khác, họ cũng có nhiều thời gian và cơ hội tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, kết quả này có sự khác biệt với nghiên cứu của Nguyễn Văn Lệ [13], theo đó nam giới có kiến thức không đạt cao gấp 2,7 lần so với nữ giới. Sự khác biệt về kết quả này có thể do thời gian, địa điểm tiến hành nghiên cứu khác nhau. Nghiên cứu của Nguyễn Văn Lệ tiến hành tại cộng đồng khi người bệnh đã xuất viện, người chăm sóc của người bệnh chủ yếu là phụ nữ trong gia đình; trong khi nam giới đảm

nhiệm lo kinh tế, do đó phụ nữ có nhu cầu tìm hiểu kiến thức chăm sóc nhiều hơn nam giới nên họ có kiến thức tốt hơn. Nghiên cứu của chúng tôi tiến hành tại bệnh viện, trong thời gian ngắn do đó những người chăm sóc chính của người bệnh tại thời điểm nằm viện thường được bố trí cho những người thân có điều kiện chăm sóc tại thời điểm đó. Đồng thời, chúng tôi tiến hành đánh giá sự thay đổi kiến thức sau một tuần can thiệp, do đó trong thời gian ngắn nam giới thường có xu hướng tiếp nhận tốt hơn nữ giới.

Xét tương quan giữa trình độ học vấn và sự thay đổi kiến thức của người chăm sóc chính chúng tôi thu được kết quả: tỷ lệ trả lời tốt sau can thiệp tương ứng trình độ tiểu học /trung học cơ sở/trung học phổ thông là 50% / 84,4% / 87,5%. Chúng tôi nhận thấy rằng đối tượng có trình độ học vấn cao hơn thì có sự thay đổi kiến thức tốt hơn. Đồng thời, sự thay đổi kiến thức có khác biệt giữa các nghề nghiệp và khu vực sống. Đối tượng có sự thay đổi tốt nhất là nhóm viên chức, thấp nhất là nhóm nông dân và những đối tượng ở khu vực thành thị thì thay đổi tốt hơn nông thôn. Sự khác biệt này có thể được giải thích do sự phân hóa về các đặc điểm nhân khẩu học dẫn đến sự khác biệt về mức độ thay đổi kiến thức. Những đối tượng có trình độ học vấn cao hơn thì khả năng tiếp nhận và ứng dụng các thông tin sẽ tốt hơn; nhóm đối tượng làm việc và sinh sống trong môi trường có điều kiện tốt hơn, được tiếp xúc với công nghệ khoa học nhiều hơn thì sự thay đổi kiến thức cũng tốt hơn, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,01. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Fathia A. Mersal [35].

4.5. Ưu nhược điểm của nghiên cứu

4.5.1. Ưu điểm

- Nghiên cứu tiến hành tại bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, là bệnh viện trung tâm của tỉnh; vì vậy, số lượng người bệnh đông thuận lợi cho việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu.

- Đa số người bệnh TBMMN và gia đình đều có nhu cầu tìm hiểu thông tin về bệnh và các biện pháp chăm sóc phục hồi sau tai biến; do đó, các chương trình can thiệp khi tiến hành thu hút được sự tập trung của các đối tượng.

- Dự phòng loét ép là vấn đề sức khỏe quan trọng đối với công tác chăm sóc và phục hồi cho người bệnh, đặc biệt người bệnh TBMMN; vì vậy, nghiên cứu này có được sự hợp tác của ĐTNC.

4.5.2. Hạn chế của nghiên cứu

Từ chối hợp tác của đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu trong nghiên cứu này bao gồm nhiều lứa tuổi; vì vậy, nhiều đối tượng có tâm lý ngại tham gia, suy nghĩ tiêu cực về mục đích của nghiên cứu; do đó, mất nhiều thời gian trong việc giải thích mục đích, ý nghĩa của nghiên cứu cho họ hiểu và đồng ý tham gia.

Hạn chế nhân lực: do sự hạn chế về nhân lực tham gia nghiên cứu ( chỉ một mình học viên thực hiện nghiên cứu) do đó gặp khó khăn về mặt thời gian trong việc thu thập và xử lý số liệu.

Hạn chế về thời gian – địa điểm: nghiên cứu tiến hành trong thời gian người bệnh nằm điều trị tại viện; do đó, trong thời gian ngắn việc tư vấn truyền thông kiến thức cho người bệnh và người chăm sóc chính sẽ gặp khó khăn do thời gian hạn chế, địa điểm không tập trung, chưa phát huy hết tác dụng của công tác truyền thông.

Nghiên cứu về thay đổi kiến thức dự phòng loét ép cho người chăm sóc chính của người bệnh TBMMN còn ít được tiến hành tại Việt Nam; chủ yếu các nghiên cứu tập trung vào khảo sát thực trạng và hậu quả của loét ép; vì vậy, khó khăn trong việc so sánh với các nghiên cứu trước đó.

KẾT LUẬN

5.1. Thực trạng kiến thức về loét ép và dự phòng loét ép của người chăm sóc chính người bệnh tai biến mạch máu não chưa tốt:

- 53,4% người chăm sóc chính chưa có kiến thức đúng về yếu tố nguy cơ loét ép; chỉ 27,4% người chăm sóc chính có kiến thức đúng về nguyên nhân; 30,6% có kiến thức đúng về dấu hiệu và 27,4% có kiến thức đúng về vị trí loét ép. Điểm trung bình chung về kiến thức loét ép trước can thiệp của người chăm sóc chính là 2,65 ±1,21.

- Có 54,8% người chăm sóc chính của người bệnh tai biến mạch máu não chưa có kiến thức đúng về vai trò của họ với việc dự phòng loét ép cho người bệnh; 80% đối tượng nghiên cứu chưa có kiến thức đúng về thời gian thay đổi tư thế dự phòng loét ép và 75,8% thiếu kiến thức về vai trò của dinh dưỡng trong dự phòng loét ép.

- Điểm trung bình chung kiến thức dự phòng loét ép của người chăm sóc chính là 6,67 ± 1,73 trước can thiệp.

5.2. Kiến thức về loét ép và dự phòng loét ép của người chăm sóc chính người bệnh tai biến mạch máu não được cải thiện đáng kể sau can thiệp giáo dục:

- 100% người chăm sóc chính có kiến thức đúng về yếu tố nguy cơ loét ép; hơn 80% đối tượng nghiên cứu có kiến thức đúng về nguyên nhân, dấu hiệu và

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức dự phòng loét ép của người chăm sóc chính người bệnh tai biến mạch máu não tại bệnh viện đa khoa tỉnh nam định năm 2016 (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)