6. Cấu trúc luận văn
2.3.1. Sinh hoạt văn hóa
Nhà thơ Yến Lan từng nói về tình yêu của mình dành cho mảnh đất Bình Định:
Ôi Bình Định! Sao nằm trong mãi mãi, Đĩa dầu vơi tim cháy ngọn âm âm.
(Bình Định 1935 – Yến Lan)
Đó là thứ tình cảm âm ỉ như ngọn lửa đèn lạc cứ lặng thầm thắp mãi suốt đêm thâu không dễ gì tắt. Tình yêu quê hương xứ sở cũng thắp trong lòng người con Bình Định như vậy. Có lẽ vì thế mà những cảm xúc về quê hương cứ len lỏi vào câu ca tiếng nhạc một cách lặng lẽ mà trở thành dòng mạch tự lúc nào không hay biết. Yến Lan là một nhà thơ có những bài thơ, dòng thơ viết về Bình Định thuộc vào hàng trác tuyệt. Viết về Bình Định, Yến Lan không quên mô tả về những sinh hoạt văn hóa đặc thù của mảnh đất này:
Nhà thiêm thiếp khổ trong quầng nắng nhạt, Nhớ thương từ vườn chuối nuối vương đưa. Giấc Trang Tử đêm vầy theo hội hát,
Cuối đôi làng xam xám dệt tơ mưa.
(Bình Định 1935 – Yến Lan)
Bình Định là cái nôi của nghệ thuật hát tuồng, hát bài chòi… Có lẽ vì thế mà những câu ca, khúc hát cổ truyền của ông cha luôn làm các nhà thơ xuyến xao. Những đêm hội hát đã len lỏi vào tim các nhà thơ tự lúc nào để từ
57
đó lắng đọng vào giấc mơ Trang Tử nhẹ nhàng. Nói về nghệ thuật hát tuồng, hát bài chòi… cả hai loại hình nghệ thuật này đều phát triển trong đời sống sinh hoạt của quần chúng nhân dân. Mỗi khi nhắc đến mảnh đất khu năm này ai cũng nhớ đến những hội đánh bài chòi mê mẩn hồn người, nhớ đến sân khấu hát tuồng dựng giữa trời để mỗi đêm già trẻ, lớn bé bồng bế, rồng rắn nhau quay quần dưới sân khấu đến thâu đêm. Cái hấp dẫn của hát bội khiến người ta quên luôn giờ giấc và những thói quen của mình. Người già quên giấc ngủ sớm, trẻ con ngủ vùi trên tay ông bà cha mẹ. Khi phiên diễn kết thúc mọi người lục tục kéo nhau về vẫn còn râm ran luận bàn về vở diễn. Đánh bài chòi lại khiến người dân say mê ở những khía cạnh khác. Người ta say mê câu hát, lời ca, sự thông minh, linh hoạt ứng đối của anh hiệu đồng thời cũng hào hứng đuổi theo sự thắng thua của trò chơi. Những người chơi thì quan tâm đến kết quả thắng bại. Những người xem lại vì câu hát của anh hiệu mà đến với hội chơi. Sức hấp dẫn của hai loại hình nghệ thuật này đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Một trong hoạt động văn hóa địa phương cũng ghi tên mình trong thơ Bàn thành tứ hữu đó chính là việc tổ chức buôn bán chợ phiên diễn ra trên khắp các địa bàn tỉnh nhà từ xưa cho đến nay. Yến Lan đã nhắc đến một phiên chợ diễn ra trên chính quê hương của tác giả: phiên chợ Thành:
Sông Côn chảy qua bảy tầng thác đập,
Tình Trung châu: hương mật nặng khoang thuyền. Duyên cá nục, măng le về hội họp,
Phiên chợ Thành vụt tỉnh giấc cô miên.
(Bình Định 1945 - Yến Lan)
Những sản vật của hai miền, miền núi và miền xuôi cùng nhau quy tụ về một mối. Đó chính là phiên chợ Thành diễn ra mỗi tuần hai ngày cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân cả một vùng. Phiên chợ vừa thực hiện chức
58
năng chính của nó đồng thời là nơi tụ hội của sự phồn thịnh một vùng đất. Người dân vùng An Thái vẫn luôn nhớ mãi những ngày hội họp của phiên chợ. Cả người bán và người mua đều phải thức dậy từ sáng sớm. Người bán từ hai giờ sáng đã phải thức dậy để chuẩn bị gánh hàng ra chợ, mọi thứ cần bán đều phải chuẩn bị xong từ ngày hôm trước. Người mua cũng hối hả thức giấc khi gà vừa gáy sáng để ra đến chợ khoảng tầm 4 giờ sáng để mua được thứ mình cần. Phiên chợ dân sinh này dần dần đã trở thành chiếc đồng hồ đếm thời gian của người dân vùng này từ lúc nào không biết.
Với nhiều nhà thơ Bình Định, không khí sinh hoạt chốn làng quê đã trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong tâm thức của họ. Dù bôn ba nhiều chân trời góc bể họ vẫn không sao quên được những lối sống hằng thường đã từng gắn bó với tuổi thơ của họ. Sự chứng nghiệm của thời gian đối với các giá trị văn hóa trong đời sống là thước đo vĩnh cửu cho những sinh hoạt văn hóa có giá trị. Những gì còn đọng lại trong tâm thức con người về một xứ sở dù họ đã trãi qua nhiều vùng đất mới chính là những gì không thể phủ nhận được của văn hóa bản địa. Với Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, những gì thuộc về Bình Định còn kết tinh trong thơ họ chính là những giá trị văn hóa vững bền đối với bao người. Từ hội hát, chợ phiên đến thói quen hằng thường của những người con miền biển thời thơ trẻ đã trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong sinh hoạt văn hóa của người dân Bình Định.