Bàn thành tứ hữu – dòng riêng giữa nguồn thơ Bình Định

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn địa văn hóa bình định trong thơ bàn thành tứ hữu (Trang 30 - 34)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Bàn thành tứ hữu – dòng riêng giữa nguồn thơ Bình Định

Đầu thế kỉ XX, đời sống văn hóa văn học Việt Nam bắt đầu đổi khác. Những xu hướng văn học cũ dần dần mất đi để nhường chỗ cho hình thái văn học mới ra đời. Một nền văn hóa, văn học thoát ly sự ảnh hưởng của Trung Hoa để hướng đến chịu sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây rộng mở, khai phóng. Nhiệm vụ phát triển nền văn hóa, văn học được trao vào tay của các trí thức Tây học. Họ là những người đọc thông viết thạo tiếng Pháp, chữ quốc ngữ, được đào tạo bài bản trong các trường Tây học. Họ cũng chính là chủ nhân của nền văn học mới. Một cuộc cách mạng trong văn học diễn ra mạnh mẽ. Ban đầu ở các thể loại như truyện, kịch; sau đó là các cuộc tranh luận

27

giữa thơ cũ và thơ mới diễn ra sôi động trên văn đàn. Sự thắng thế của phong trào Thơ mới đã báo hiệu cho sự cáo chung của một hình thái văn học cổ điển tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước ta.

Phong trào Thơ mới với nhiều gương mặt tiêu biểu, nhiều tổ chức thơ nổi danh đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc nền văn học dân tộc. Sự say mê, thích thú của bao độc giả dành cho những nhóm thơ, những trường phái thi ca này đã cho thấy sự thay đổi cảm xúc của thời đại. Chính sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn con người thời đại đã thôi thúc họ hành động để làm một cuộc cách mạng vĩ đại trong thi ca.

Trên cả nước đầu thế kỉ XX xuất hiện rất nhiều những nhóm thơ, trường phái thi ca có tôn chỉ, cách thức, nguyên tắc hoạt động rất rõ ràng, như: nhóm Xuân Huy, Trường thơ Bạch Nga, nhóm Dạ Đài, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Áo bào gốc liễu... Ở Bình Định những năm đầu thế kỉ XX cũng ghi nhận sự xuất hiện các tổ chức thơ ca, như: Thái Dương văn đoàn, Trường thơ Loạn, Bàn thành tứ hữu…

Thái Dương văn đoàn bao gồm phần đông trí thức học sinh ở trường Quốc học Quy Nhơn và các nhà thơ đang sinh sống và làm việc tại Quy Nhơn. Nhóm này tập hợp những người cùng chí hướng sáng tác phục vụ cho quần chúng nhân dân nghèo với phương châm: viết văn, làm báo, làm thơ hay gì đi nữa cũng phải phù hợp với nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Thái Dương văn đoàn tự xác định quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh và chi phối sáng tác của nhiều người trong nhóm văn chương này. Nguyễn Minh Vỹ là người được Đảng bộ tỉnh phân công vận động thanh niên, học sinh trí thức Quy Nhơn để thành lập nhóm. Trong nhóm lúc này có một số nhà thơ như Nguyễn Viết Lãm và Chế Lan Viên đang học năm thứ hai ở trường Quốc học. Yến Lan dù ở thành Bình Định vẫn có lúc xuống Quy Nhơn tham gia nhóm. Hàn Mặc Tử dù có những tranh cãi về quan điểm nghệ thuật với Nguyễn

28

Minh Vỹ nhưng cũng là thành viên có ảnh hưởng tới nhiều người trong nhóm. Những sáng tác chung của nhóm và riêng từng cá nhân trong nhóm lần lượt ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động nghệ thuật của tỉnh Bình Định. Nhóm xuất bản tập Nắng xuân, gồm các sáng tác của Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Phú Sơn, Hoàng Diệp… Sau này các thành viên tự tập hợp các nhóm văn chương riêng, Thái Dương văn đoàn vì thế dần tan rã. Xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng nhóm văn chương này đã tạo được dấu mốc riêng trong lịch sử văn học nước nhà.

Dù thành lập muộn hơn, nhưng Bàn thành tứ hữu (còn gọi nhóm thơ Bình Định hay Tứ linh) tạo dựng tiếng vang hơn nhiều so với Thái Dương văn đoàn. Nhóm thơ này được tách ra từ Thái Dương văn đoàn với thành phần ổn định gồm 4 nhà thơ trứ danh thời bấy giờ đồng thời cũng là những đôi bạn thân thiết Hàn Mặc Tử - Quách Tấn, Chế Lan Viên – Yến Lan. Khi Xuân Diệu ra Bắc cùng Huy Cận lập nên nhóm thơ Huy - Xuân thì Hàn Mặc Tử cũng tách riêng nhóm thành nhóm thơ Bình Định. Còn tên gọi Bàn thành tứ hữu là danh xưng trang trọng, đầy ngưỡng mộ của những người bạn yêu văn chương ở Bình Định lúc bấy giờ đặt cho 4 người trong nhóm. Tiêu biểu là có Trần Thống là một trong những người đặt tên này đầu tiên. Còn tên Tứ linh, ứng với bốn linh vật: Long, Lân, Quy, Phụng cũng là danh xưng do bạn yêu thơ đặt cho từng người trong nhóm. Long là Hàn Mặc Tử, Lân là Yến Lan, Quy là Quách Tấn và Phụng là Chế Lan Viên. Như vậy, nhóm thơ Bình Định với thủ lĩnh là Hàn Mặc Tử đã được hình thành và phát triển trên đất Bình Định từ năm 1936 đến năm 1945 với mục đích là cùng học hỏi và thúc đẩy nhau trên con đường sáng tạo. Trong suốt những năm tháng tồn tại, mỗi thành viên trong nhóm thơ đã cho ra đời những kiệt tác thi ca của mình. Mỗi người mỗi vẻ, thơ ca của họ thực sự đã làm rạng rỡ cho nền văn học mới của nước nhà nói chung, của Bình Định nói riêng.

29

Từ Bàn thành tứ hữu, ba thành viên cùng khuynh hướng lãng mạn dần chuyển sang địa hạt tượng trưng là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Yến Lan thành lập nên Trường thơ Loạn. Riêng Quách Tấn lại trung thành với lối thơ cổ điển và ông nguyện cày xới trên cánh đồng muôn năm cũ của tiền nhân để lại. Do đó, ông không thuộc thành phần của Trường thơ Loạn. Trường thơ Loạn ban đầu có tên là Trường thơ Giếng loạn, xuất phát từ tên tập thơ Giếng Loạn của Yến Lan. Cái tên của tập thơ đã gợi ý cho Hàn về việc thành lập một trường phái thơ ca đã ấp ủ từ lâu. Ít lâu sau, tại căn nhà số 20 Khải Định (nay là đường Lê Lợi – thành phố Quy Nhơn), Hàn Mặc Tử đã tuyên bố thành lập trường phái thi ca này: “Lâu nay chúng ta làm toàn những loại thơ điên loạn, xem ra có đủ nhân tố để dựng một trường thơ, trường thơ Điên loạn. Ừ, mà nó đã có mầm mống từ lâu rồi (giơ tập thơ của Chế Lan Viên lên), cái tựa

tập Điêu tàn này là tuyên ngôn thứ nhất của chúng ta. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục

có tuyên ngôn bổ sung khi in tập thơ chung của Trường thơ Loạn". [34; tr.46]. Từ đó, cái tin ở Quy Nhơn có Trường thơ Loạn loan truyền ra khắp nơi.

Các tổ chức thi ca trên được thành lập vào những năm phong trào Thơ mới đạt tới đỉnh cao. Nhìn rộng ra, đây là thời kì văn học dân tộc đang trên đà chuyển biến mang tính chất cách tân so với lịch sử hàng nghìn năm phát triển. Quá trình hiện đại hóa văn học này diễn ra từ đầu thế kỉ XX, nhưng phải đến thời kì 1932 – 1945 mới được đẩy lên một bước phát triển mới với sự ra đời của hàng loạt các tổ chức thơ trên khắp miền của đất nước. Xuất phát từ tình yêu sâu sắc dành cho thi ca, các nhà thơ từ tứ phương đã hợp lại thành tổ chức thi ca nhằm dìu dắt, động viên nhau tạo nên tiếng vang trên thi đàn. Các tổ chức thi ca với vai trò lịch sử của mình đã giúp các thi sĩ cho ra đời nhiều tập thơ có giá trị, khai mở nhiều khuynh hướng thi ca độc đáo, góp phần đưa thơ hiện đại tiến nhanh vào quỹ đạo thơ ca thế giới. Trong dòng chảy Thơ mới, tuy không phải là điểm xuất phát, nhưng Bình Định được đánh giá là nơi bùng

30

phát một trào lưu sáng tác. Sự hình thành nhóm thơ Bình Định đã lôi kéo, thúc đẩy sự cách tân của các tài năng thơ ca Bình Định. Từ Thái Dương văn đoàn đến Bàn thành tứ hữu, đến Trường thơ Loạn, thi ca Bình Định đã trở nên vững vàng trên thi đàn Việt trong tương quan so sánh với các nhóm thơ ở hai miền Nam, Bắc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn địa văn hóa bình định trong thơ bàn thành tứ hữu (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)