Ngôn ngữ địa phương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn địa văn hóa bình định trong thơ bàn thành tứ hữu (Trang 68 - 73)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Ngôn ngữ địa phương

Đã có nhiều người xúc cảm về cái độc lạ, khó quên của âm thanh, giọng nói con người Bình Định. Ai cũng thừa nhận rằng, lời ăn tiếng nói của con người Bình Định quá đỗi bình dị, mộc mạc, chân phương. Có lẽ cái mặn của biển, cái nhiệt thành của gió đã khiến cho giọng nói, ngôn ngữ của người Bình Định thêm phần chắc thiệt, đậm tình.

Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan, mỗi người có quê quán khác nhau và một số chỉ gắn bó với Bình Định một thời gian rồi xa rời, thế nhưng ở thơ ca của họ vẫn có âm hưởng của người Bình Định trong ngôn từ, giọng điệu.

Đất Bình Định chạy dài từ đèo Bình Đê (phía Bắc) đến đèo Cù Mông (phía Nam) đều có chung một giọng nói. Tuy nhiên nếu để ý, mà phải là người địa phương mới nhận biết được, giọng nói của người ở vùng Bắc Bình Định (từ Bồng Sơn trở ra) cứng hơn một tí vì hơi giống giọng Quảng Ngãi. Còn giọng của người phía Nam Bình Định thì có phần mềm mại và âm điệu kéo dài ra hơn.

Người Bình Định khi bộc bạch tình cảm, nỗi lòng sâu kín thường ngắn gọn, ít vòng vo, dong dài, rào trước đón sau. Họ giấu cái gì trong lòng thì nói ra cái nấy. Từ ngữ nhiều khi thô mộc, ngắn cụt, ngữ điệu ít có sự mềm mại, uyển chuyển. Cách nói giản dị, bộc trực khi giải bày hoàn cảnh của mình được Quách Tấn sử dụng:

Tình cũng lơ mà bạn cũng lơ, Bao nhiêu khăng khít bấy ơ hờ.

(Trơ trọi – Quách Tấn)

Từ “lơ” trong câu thơ như buộc miệng thốt ra, như đang giao tiếp với một người đối diện. Ngôn từ chứa đựng cảm xúc của người nói với biết bao chán chường, thất vọng. Người Bình Định có cách nói rõ ràng, bộc trực của

65

người miền Trung, ít khi giấu diếm cảm xúc của mình. Đôi khi quá thất vọng, buồn bã lại đâm ra thiếu kiềm chế trong ngữ điệu. Từ “bấy” cũng là một phương ngôn của người miền Trung. Người Bình Định hay sử dụng từ này để chỉ thời gian. “Bấy lâu nay”, “bấy nay”, “bấy bữa”... với ý nghĩa là một khoảng thời gian trôi qua rồi. Từ “bấy” được sử dụng trong trường hợp người nói muốn biểu đạt thời gian trôi qua tương đối lâu nhưng không xác định được cụ thể hoặc muốn diễn đạt vắn tắt. Trong trường hợp này, Quách Tấn muốn kể về nỗi cô đơn của mình khi bạn bè, người yêu xa lánh, lãng quên để lại tác giả với nỗi trống vắng trơ trọi trong cuộc đời. Ta có thể hình dung một chàng trai Bình Định đang giận mình, giận người với lời lẽ hờn dỗi, có phần thất vọng về sự bạc bẽo của người đời.

Người Bình Định là thế, lời nói luôn chứa đựng cả cảm xúc chân thật của mình cho dù là hoàn cảnh nào thì họ cũng không có kiểu nói vòng vo, xuôi ngược, dẫn dắt đầu cuối. Mỗi lời thơ là một thái độ thiết tha với đời, với người không cần tô vẽ hay cầu kì cách điệu quá phô trương. Khi nói về hoàn cảnh người vợ chờ chồng đã lâu, chờ mãi chẳng thấy chồng quay về trong Hòn Vọng Phu, Quách Tấn cũng diễn đạt đúng cách nói của con người Bình Định:

Chồng đi biệt tích tự bao giờ, Một góc trời riêng một dạ chờ.

Dâu bể đã bao đời kiếp trải, Lòng son một tấm mãi trơ trơ.

(Hòn Vọng Phu – Quách Tấn)

Đi mãi mà chẳng thấy, người ở lại sẽ giận dỗi mà dùng từ hơi nặng một chút đó là đi biệt tích. Người phụ nữ Bình Định yêu thương chung thủy nhưng đợi mãi cũng cảm thấy giận hờn. Thế nhưng họ vẫn khẳng định tình nghĩa sắt son với chồng bằng cụm từ “một dạ chờ” hay “lòng son một tấm mãi trơ trơ”. Cảm xúc và cách diễn đạt tình cảm trong bài thơ rất đúng với bản tính thật

66

thà, ngay thẳng của người phụ nữ Bình Định. Yêu thương thì nói yêu thương, giận hờn cũng không biết giấu diếm, tình vợ chồng thì nghĩa nặng tình thâm đến hóa đá. Lời lẽ của người phụ nữ Bình Định ngắn gọn đến cộc lốc, thô mộc thế nhưng vẫn có thể diễn đạt đến tận cùng của cảm xúc của mình:

Luỵ nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp, Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.

Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi, Nước vướng tình sâu chảy lững lờ.

(Hòn Vọng Phu – Quách Tấn)

Những từ láy ở cuối mỗi câu thơ biểu đạt chân thật cảm xúc của người phụ nữ mong mỏi người thương, tận tình tận nghĩa với người thương, đề cao tình nghĩa thâm sâu của vợ chồng. Những từ láy này đều là từ láy biểu đạt trạng thái của sự vật, hiện tượng và đó cũng là trạng thái tâm hồn của người phụ nữ. Nhớ thương thì khóc đến cạn khô nước mắt “nượp nượp”, đã thề nguyền thì đến tận cuối cuộc đời khi tóc “bạc phơ phơ”, tình nghĩa thì ví tựa non cao “vòi vọi”, nước “lững lờ” vì chảy chỗ sâu… Tất cả các cung bậc của tình yêu thương vợ chồng đều được người phụ nữ bộc lộ ở mức độ cao nhất. Điều đó rất đúng với cách nói về tình yêu của người phụ nữ Bình Định.

Nhìn suốt các tập thơ của Hàn Mặc Tử từ thơ Đường luật đến Thơ mới, chúng ta thấy ngôn ngữ thơ ông gắn liền với ngôn ngữ đời thường, chịu nhiều ảnh hưởng của chất giọng miền Trung, giản dị, mộc mạc. Bài thơ tình đầu tiên trong tập Lệ thanh thi tập tuy viết theo thể thơ Đường luật trang trọng, nhưng câu chữ của Hàn Mặc Tử cũng rất giản dị:

Thích trồng hoa cúc để xem chơi Cúc ngó đơn sơ, lắm mặn mòi, Đêm vắng gần kề say chén nguyệt Vườn thu vắng vẻ đủ mua vui

67

Ở một bài thơ nổi tiếng khác là Đàn nguyệt, Hàn Mặc Tử cũng mở đầu hết sức giản dị và thật thà:

Hỏi chơ mấy tuổi? Đáp mười lăm, Non nước từng phen nổi tiếng tăm!

(Đàn nguyệt – Hàn Mặc Tử)

Đến tập Gái quê, Hàn Mặc Tử chuyển từ thơ Đường sang thơ mới, nhưng ngôn ngữ thơ vẫn không có gì thay đổi, vẫn là cái chất quê, hồn quê đậm đà hương vị miền Trung nắng gió, gần gũi mà thân thương:

Ta thích len vào trong đám lau Núp chờ trăng xuống để quàng nhau Giả đò ân ái như năm ngoái

Gió lại, ta ngờ nàng tới sau

(– Hàn Mặc Tử)

Ánh nắng lao xao trên đọt tre Gió Nam như lửa bốc tứ bề Môi khô chưa nếm mùi son phấn Khao khát trời ơi bụm nước khe!

(Quả dưa – Hàn Mặc Tử)

Những từ “đọt tre”, “tứ bề, “trời ơi”, “bụm nước khe” đích thị là đặc sản của vùng đất Bình Định, mới nghe thôi mà đã thấy thân thương lạ kì.

Kể từ tập Đau thương trở đi, thơ Hàn Mặc Tử đã có nhiều tiếng nói mới lạ, nhưng cái chất và hồn quê vẫn không hề mất đi. Đau thương tận cùng thì Hàn Mặc Tử càng sống chân thực hết mình và lời thổ lộ cũng chân thật và đáng yêu:

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, trăng, Trăng! Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò… Bao giờ đậu trạng vinh quy đã,

68

Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, không, không! Tôi chẳng bán hòn trăng Tôi giả đò chơi ảnh tưởng rằng,

Tôi nói thiệt là anh dại quá:

Trăng vàng, trăng ngọc bán sao đang.

(Trăng vàng trăng ngọc – Hàn Mặc Tử) Nếu ta thay thế các từ ngữ “thối”, “giả đò chơi”, “nói thiệt” thì chắc chắn rằng bài thơ sẽ mất đi cái ý vị và duyên dáng rất riêng.

Không làm duyên như Xuân Diệu, không khó đọc đến mức khó hiểu như Bích Khê, ngôn ngữ thơ Hàn Mặc tử gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Tuy có lúc siêu thoát nhưng câu chữ vẫn rất gần gũi như cuộc sống hằng ngày. Việc đưa vào thơ ngôn ngữ địa phương thông dụng đã tạo ra một Hàn Mặc Tử rất riêng.

Có một sự thật mà ai cũng dễ dàng nhận ra khi đọc thơ Yến Lan, đó là thơ ông khá dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ. Không phải vì ngôn ngữ thơ ông quá giản đơn mà bởi lẽ ngôn từ trong thơ Yến Lan gần gũi, dung dị, rất đời thường, ông sử dụng với tần số lớn lớp từ ngữ địa phương trong sáng tác. Chẳng hạn như:

So đũa mẹ mời trao tận tay. Tình thân vun cả một mâm đầy. Quê hương hiện giữa làn hơi nóng, Khói đạn hôm nào mới bớt cay. (Bên đường chiến khu)

Quần lĩnh tía, áo tứ thân Chen cửa hàng Mậu dịch Áp – phích rao hai tối kịch: Cô em

69

Đứng xem

Lòng đầy tiếng nhạc

(Lại về tỉnh nhỏ - Yến Lan)

Những từ ngữ địa phương như “so đũa”, “vun”, “bớt”, “chen”, “rao” đã góp phần khắc họa chân thật hình ảnh người mẹ chân tình, cô em đậm chất truyền thống.

Hay như thi sĩ đã rất tài tình khi chỉ rõ thứ cảm giác bồn chồn, bâng khuâng trong lần đầu tiên tỏ tình bằng cách dùng những từ ngữ rất địa phương như “ngấp nghé”, “chực”:

Tuổi trẻ băng đồng đi hái hoa,

Tặng em ngấp nghé chực quanh nhà. Người không ra đón, hoa dần héo, Héo cả làn mây đỉnh núi xa

(Hoa tặng – Yến Lan)

Bên cạnh lớp ngôn ngữ sang trọng, đài các, ngôn ngữ thơ Yến Lan vẫn vô cùng bình dị, mộc mạc, đời thường, với việc sử dụng nhiều từ ngữ địa phương. Điều này đã góp phần làm nên nét hấp dẫn riêng và sự đa dạng trong sáng tác của nhà thơ này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn địa văn hóa bình định trong thơ bàn thành tứ hữu (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)