Phế tích các vương triều

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn địa văn hóa bình định trong thơ bàn thành tứ hữu (Trang 51 - 55)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Phế tích các vương triều

Có lẽ Bình Định sẽ mất đi rất nhiều giá trị nếu như nơi đây không phải là nơi lưu giữ di tích của các vương triều trong lịch sử phát triển của đất nước. Một Chiêm quốc hùng mạnh thuở xa xưa, khi mà nước Việt vẫn còn chìm sâu vào vòng nô lệ Trung Hoa thì đế quốc này đã dũng mãnh chiến thắng để thành lập quốc gia tự chủ, ghi tên mình trên bản đồ thế giới. Một nhà Tây Sơn với những chiến thắng quá đỗi oai hùng trước các thế lực phong kiến để chấm dứt cuộc nội chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ. Bình Định còn là nơi dừng chân của các ông hoàng, bà chúa trong lịch sử nhà Nguyễn đến thưởng lãm nước non sơn kì, thủy tú, để đến nay vẫn còn đó “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo - Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Trong sáng tác của mình, các nhà thơ Bàn thành tứ hữu đã xúc cảm mạnh mẽ với lịch sử đất và người Bình Định, từ đó, họ thổi bừng sức sống cho những phế tích này.

Sự vấn vương, nỗi mong nhớ về một vương triều đã xa được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên:

48

Đầu gối lên hàng Thất tinh vừa mọc, Hồn giạt trôi về đến nước non Chiêm.

(Ngủ trong sao – Chế Lan Viên)

Bình Định đã từng là thủ đô của vương quốc Chăm pa với tên gọi Vijaya huyền thoại. Thành cổ Đồ Bàn hay còn gọi Chà Bàn, thành Hoàng đế, thành Bình Định. Thành được người Chăm xây dựng vào năm 982 dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya, trở thành kinh đô của nhiều triều đại vương quốc Chăm pa hùng mạnh tồn tại cho đến thế kỷ 15. Năm 1471, nước Chiêm Thành sụp đổ, thành cũng bị phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1776, anh cả nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc xưng Trung ương Hoàng đế, xây lại thành và đóng đô ở đây (nên thành còn có tên gọi Hoàng Đế). Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm được thành, đổi tên là thành Bình Định (thể hiện tư thế ngạo nghễ của kẻ chiến thắng trước triều Tây Sơn). Năm 1816, Gia Long ra lệnh phá thành, chuyển thủ phủ về Quy Nhơn.

Trăn trở và thổn thức về sự thịnh suy của một vương triều đã khiến Chế Lan Viên dựng lại bức tranh đẹp đẽ về quá khứ huy hoàng, rực rỡ, phồn vinh của vương quốc Chăm pa trong tư thế chiến thắng ngạo nghễ:

Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng, Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh. Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng, Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành. Đây, trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo, Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà. Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo, Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa.

49

Nơi một sáng Đồ Bàn vang tiếng hát Muôn binh Chàm thắng trận giở quân về Đàn chiến tượng, trong hương trầm man mác Cùng oai hùng, lặng lẽ, nặng nề đi

(Sông Linh – Chế Lan Viên)

Một thế giới đẹp đẽ với đền đài rực rỡ, các tầng lớp vua quan an hưởng vinh hoa, những nàng Chiêm nữ căng tràn nhựa sống say mê trong điệu múa, tiếng nhạc du dương…Nhưng tất cả chỉ còn tồn tại trong trí tưởng tượng của con người mà thôi. Đế chế Chiêm Thành cuối cùng cũng tàn lụi trước sức mạnh, uy vũ của quan quân Đại Việt, trước sự biến thiên của thời cuộc. Để giờ đây, tất cả những gì còn lưu dấu của kinh thành Đồ Bàn chỉ còn lại nghê đá, trụ cờ, cổng thành, hồ bán nguyệt… Chế Lan Viên như nghe, thấy được nỗi đau uất hận của những con người đã thịt nát xương tan sâu trong lòng đất và ông thổn thức cùng nỗi lòng của họ:

- Thành Đồ Bàn cũng không thôi nức nở Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ

Tan dần trong yên lặng của đồng quê…

- Ôi những nơi, từ xưa kia, rực rỡ

Những lâu đài, thành quách, với cung đền! Nơi ngựa hí xương rền vang trong gió Nơi vang lừng tiếng hát vạn dân Chiêm!

(Chiến tượng – Chế Lan Viên)

Viết về vương quốc Chăm pa là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát, kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện bóng ma của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm đau đớn, tiếc thương, hoài niệm của nhà thơ:

50

Bao dấu vết thời xưa giờ ủ dột,

Phải người chăng, thi sĩ của dân Chiêm.

(Thi sĩ Chàm – Hàn Mặc Tử)

Cho đến nay, thành Đồ Bàn vẫn được người dân Bình Định nhớ đến với cái tên thành Hoàng Đế để luôn ghi nhớ về một vương triều lẫy lừng trong lịch sử của người dân Bình Định, triều đại Tây Sơn. Phế tích này đã trãi qua ba triều đại khác nhau như bằng chứng cho “thương hải biến vi tang điền” của cuộc đời quá đỗi chóng tàn. Thịnh suy chỉ một thoáng trong chớp mắt. Tuy nhiên, trong tâm thức, người Bình Định vẫn luôn ghi nhớ, tự hào về lịch sử oai hùng, rực rỡ của quá khứ xa khi đứng trước phế tích cổ xưa của thành Đồ Bàn. Đặc biệt, đọc lại những dòng thơ của Chế Lan Viên, những cảm xúc tự hào xen lẫn tiếc nuối trào dâng ngập lòng:

Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận, Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.

Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm quốc, Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi. Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp, Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui.

(Trên đường về - Chế Lan Viên) Bình Định tự hào là nơi có mặt của nhiều di tích của đền đài chùa tháp. Nhiều di tích cổ xưa có niên đại hàng chục thế kỉ lẫn những di tích dường như chỉ mới gần đây như di tích lầu ông Hoàng ở Ghềnh Ráng. Di tích này được Hàn Mặc Tử miêu tả trong tâm trạng say đắm cùng mối tình thơ mộng với người Hàn đặt hết trái tim yêu, Mộng Cầm:

Nước nước non non một cõi này, Lâu đài ai dựng tháp ai xây. Sương dầm nắng dãi lờ gan đá,

51

Gió dập mưa dồn tủi phận cây. Tuồng thế tang thương bao lớp sóng, Cuộc đời thành bại mấy chòm mây. Đường lên cõi phúc tìm đâu thấy, Thấy cảnh đau lòng khách tỉnh say.

(Vịnh Lầu ông hoàng – Hàn Mặc Tử) Lầu ông Hoàng nằm trong quần thể danh thắng Ghềnh Ráng – Tiên Sa, nay chỉ còn lại phế tích. Trong những lần theo vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền Trung, Nam Phương Hoàng Hậu đã bị cảnh đẹp “non nước trời mây” hữu tình của vùng đất Quy Nhơn thu hút và bà quyết định chọn bãi trứng làm bãi tắm cho riêng mình.

Năm 1927 vua Bảo Đại đã cho xây dựng một tòa biệt thự ba tầng cùng những công trình phục vụ nghỉ dưỡng cho những chuyến kinh lý của mình. Tòa biệt thự này đã bị nhân dân đập phá năm 1949, hiện nay chỉ còn lại phế tích. Đây là nơi Hoàng Hậu cuối cùng của Việt Nam thích đến tắm, mỗi lần tắm, lính gác không cho ai vô, nên người ta đặt tên bãi tắm này là bãi tắm Hoàng Hậu.

Cùng với các di tích rêu phong của thành Đồ Bàn xưa, di tích lầu ông Hoàng cũng là một chứng nhân của sự dời ngôi đổi chủ của các vương triều. Trãi qua bao thời gian, những viên gạch, hòn đá tưởng như vô tri lại gợi nên biết bao suy tư trong tâm hồn vốn đa cảm của các thi sĩ để từ đó kết tụ thành thơ. Những vần thơ, gợi nhớ, lưu dấu lịch sử muôn đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn địa văn hóa bình định trong thơ bàn thành tứ hữu (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)