Giọng điệu bất bình, phản kháng, đả kích các giai tầng phong kiến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ hồ xuân hương (Trang 78 - 81)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Giọng điệu bất bình, phản kháng, đả kích các giai tầng phong kiến

kiến và đối tượng tôn giáo

Trong nhận thức về đời sống xã hội, Hồ Xuân Hương dị ứng với tất cả những gì đi ngược tự nhiên, trái với quyền sống của con người. Đứng về phía con người, nhất là người phụ nữ - đối tượng cần được trân trọng, nâng niu, yêu thương, chở che, bà vạch trần thói đạo đức giả nơi vua chúa, hiền nhân, quân tử, ông sư, bà vãi… Bà chỉ ra cho chúng ta thấy tuy mũ cao áo rộng nhưng họ vẫn là người trần mắt thịt, đều là những kẻ khao khát bản năng, ham thích ái tình. Tiếp thu tinh thần dân gian, tuy bất bình xã hội, phản kháng lại lễ giáo khắc nghiệt nhưng nữ sĩ không đao to búa lớn mà chọn giọng mỉa mai châm biếm nhẹ nhàng để cười cợt, nhắc nhở.

Với giọng điệu này, nữ sĩ hướng tới mọi đối tượng, không bỏ một ai, từ bọn vua chúa, quan lại đến những “hiền nhân quân tử”, bọn sư mô núp bóng cửa chùa làm việc xấu. Đó là những lời đả phá, chế giễu, là những tiếng cười châm biếm sâu cay. Thông qua giọng điệu đó bà đã không ngần ngại vạch trần những thói hư tật xấu, những bộ mặt ngụy quân tử. Với mỗi đối tượng, giọng điệu ấy lại biến hóa linh hoạt. Trước dục tính, cái bản năng tầm thường không ít đối tượng bị bóc trần. Thông qua giọng điệu mỉa mai, tiếng cười vang lên thật hồn nhiên khi nữ sĩ nhìn thấu tâm can chàng quân tử tài cao, chí lớn lại không nén nỗi lòng tà trước vẻ tươi thắm, nõn nà của thiếu nữ đang say giấc nồng: “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”

(Thiếu nữ).

Giọng điệu hài hước tinh nghịch có khi lại như thủ pháp mèo vờn chuột, nói xa nói gần cuối cùng “nốc ao” bằng câu kết khiến đối tượng bị phê phán xanh mặt vì bị nói trúng tim đen. Đó là tiếng cười phổ biến trong chùm thơ vịnh cảnh, vịnh vật mà Đèo Ba Dội là một điển hình: “Một đèo, một đèo,

lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo/... Hiền nhân quân tử ai mà chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” (Đèo Ba Dội). Đọc sáu câu đầu, cảnh tả thật đến nỗi ta như thấy đèo Ba Dội hiện lên sừng sững trước mặt, loạt từ láy tượng hình (“cheo leo”, “tùm hum”, “lún phún”, “lắt lẻo”, “đầm đìa”…) và tính từ, động từ cực tả (“đỏ loét”, “xanh rì”, “gió thốc”, “sương gieo”…) gây ấn tượng mạnh về một đẹp thiên nhiên trong trạng thái động và sống, quả là tài tình! Đến hai câu cuối xuất hiện hình ảnh hiền nhân quân tử có vẻ như chẳng ăn nhập gì với cảnh, rồi cái sự gắng sức đến nhiệt tình của họ khi cố trèo lên Ba Dội dù gối đã mỏi chân đã chồn khiến ngườiđọc nghi ngại, nửa tin nửa ngờ, buộc phải đọc lại bài thơ đôi ba lần, cuối củng thì vỡ lẽ, tiếng cười vỡ oà còn bọn quân tử hiền nhân kia thì sượng sùng cúi mặt.

Là nhà thơ trân trọng hạnh phúc, khao khát tình yêu nên nữ sĩ thấy chướng tai gai mắt trước đối tượng quan thị chọn lối sống trái tự nhiên, diệt dục để chịu cảnh sống vô hồn, vô cảm mất hết ý nghĩa tồn tại của con người. Giọng thơ không đồng tình nhưng cũng thấu hiểu cảm thông: “Mười hai bà mụ ghét chi nhau/ Đem cái xuân tình vứt ở đâu?/… Đã thế thì thôi, thôi mặc thế/ Trăm năm càng khỏi tiếng nương dâu” (Quan thị).

Với bọn đạo đức giả, những kẻ “xấu nói tốt, dốt nói chữ” những kẻ hợm hĩnh, khoe khoang giọng điệu châm biếm của Hồ Xuân Hương ngoài việc bóc trần thói dốt nát của chúng còn thể hiện giọng châm biếm của bậc bề trên đối với bọn đàn em trong Mắng học trò dốt I. Cách gọi “ong non”, “dê cỏn”, “ngứa nọc”, “buồn sừng” thể hiện rất thành công bản chất ti toe của những anh nửa trẻ con nửa người lớn. Bọn chúng chỉ là những kẻ “ngựa non háu đá”, hợm hĩnh chứ thực chất không có một chút học thức. Giọng điệu bất bình, phản kháng ấy có lúc trở nên chua xót khi bà thể hiện hoàn cảnh của những người đàn bà không chồng mà chửa hay khi nghĩ về hoàn cảnh làm lẽ đầy bất hạnh của mình.

Với bọn sư hổ mang, nhà thơ chỉ phác họa vài nét nhưng người đọc vẫn nhận được giọng điệu châm biếm thâm thúy, sâu cay của Hồ Xuân Hương về những cảnh chướng tai gai mắt ở nơi cửa chùa: sư cụ đang mãi “đáo nơi neo”, chú tiểu thì bỏ kinh kệ, bỏ cả “chày kinh”. Kẻ đáng kính bị hạ bệ còn nơi tôn nghiêm cũng bị điểm mặt. Xuân Hương không tha cho những kẻ buôn thần bán thánh lấy chốn trang nghiêm làm điều xằng bậy, bởi điều đó đồng nghĩa với việc họ đã chà đạp lên niềm tin, tín ngưỡng của nhân dân. Nữ sĩ không ngăn được giọng bất bình, không giấu được thái độ ghét cay ghét đắng bọn sư hổ mang qua nghệ thuật nói lái, dùng tiếng chửi dân gian: “Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc/ Trái gió cho nên phải lộn lèo” (Kiếp tu hành ), “Cha kiếp đường tu sao lắt léo/ Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo” (Chùa Quán Sứ ).

Giọng điệu bất bình phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương (trong đó có bất bình về quyền sống hạnh phúc, tình yêu không được xã hội trân trọng) cũng là giọng điệu chủ đạo trong văn học giai đoạn thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XIX đánh dấu sự trỗi dậy của tinh thần Phục hưng của thời đại và tiếng nói dân chủ của con người trong xã hội phong kiến thối nát.

Từ những điều trên đã cho chúng ta thấy, tiếng cười của Hồ Xuân Hương bao giờ cũng bao hàm hai mặt: mặt phê phán đả phá và mặt ngợi ca khẳng định. Tiếng cười đơn thuần chỉ tạo ra niềm vui tức thời cho con người, còn tiếng cười sâu sắc phải là tiếng cười có giá trị nhân đạo. Nó không chỉ phê phán mà còn ngợi ca, khẳng định bênh vực con người. Giọng điệu trong thơ Hồ Xuân Hương cũng vậy. Bên cạnh việc tố cáo cả một bè lũ phong kiến thống trị trụy lạc, xa hoa thì giọng điệu trong thơ nữ sĩ còn hướng tới bênh vực những người phụ nữ nhỏ bé, bất hạnh, trân trọng ngợi ca những phẩm chất của họ và đặc biệt bản lĩnh của chính bản thân mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ hồ xuân hương (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)