Ngôn ngữ dân gian, dân tộc với việc thể hiện hệ thống chủ đề

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ hồ xuân hương (Trang 84 - 98)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Ngôn ngữ dân gian, dân tộc với việc thể hiện hệ thống chủ đề

trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Trong thơ cổ điển của nước ta nếu xét khía cạnh học tập ngôn ngữ dân gian thì có lẽ thơ Hồ Xuân Hương là người được xem là bậc nhất. Ngôn ngữ thơ của bà đã thống nhất đến cao độ hai tính cách dân tộc và đại chúng. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ dùng tiếng Việt trước sau như một. Ngôn ngữ phong phú và tài dùng chữ của Xuân Hương là câu trả lời cho những ai không tin vào dân tộc mà cho rằng: Tiếng nói của mẹ đẻ là lạc hậu và nghèo nàn. Ngôn ngữ của Hồ Xuân Hương không chỉ giàu có về từ mà còn giàu có về màu sắc dân tộc. Bởi vì Hồ Xuân Hương ngoài việc dùng thuần tiếng Việt, bà đã không

quên lợi dụng những tiểu thuật lạ lùng của tiếng Việt như: nói ví, nói bóng gió, nói lái, chơi chữ … làm cho thơ bà kỳ diệu thêm độc đáo thêm.

Trong ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nôm Đường luật, Hồ Xuân Hương là người khai thác một cách triệt để ngôn ngữ dân gian trong thế giới thơ của mình. Học tập ca dao, thơ Hồ Xuân Hương thiên về nghệ thuật sử dụng những từ ngữ vừa là động từ vừa là từ láy. Hai loại từ này cộng hưởng làm cho sự vật được miêu tả hiện lên trước mắt ta không chỉ thấy được bằng mắt, mà như phập phồng hơi thở của sự sống. Hình ảnh vì thế gây ấn tượng thật đặc biệt. Hồ Xuân Hương cũng có hàng loạt hình ảnh tạo liên tưởng đặc biệt như thế: “Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó nhựa ra tay” (Quả mít).

Từ “mân mó” vừa là từ láy, vừa là động từ. Nó không chỉ gợi hành động thao tác mà còn khơi dậy ở người đọc cả cảm giác, cảm xúc.

Có lúc nữ sĩ chỉ vận dụng thi liệu sẵn có trong ngôn ngữ hàng ngày, từ nguồn văn học dân gian như môtip “Thân em”, hình ảnh mộc mạc, dân dã: quả cau, miếng trầu, quả mít, con ốc… những thành ngữ, tục ngữ quen thuộc ngàn đời, thế rồi bằng cá tính phóng khoáng, lòng ham sống yêu đời bà đem lại cho chúng những nét nghĩa mới tươi tắn, hồn nhiên, độc đáo. Nữ sĩ luôn phát hiện và miêu tả thiên nhiên ở trạng thái động, dạt dào sức sống và tinh nghịch dịch tất cả sang nét nghĩa liên tưởng đến vấn đề tính dục bằng giọng đùa vui, trào phúng độc đáo. Vì thế, thế giới tự nhiên bước vào thơ bà còn nguyên hơi thở, màu sắc, mùi vị, âm thanh của chính nó: quả mít sù sì, ốc nhồi lăn lóc, bánh trôi bảy nổi ba chìm, chiếc quạt phì phạch, giếng nước trong leo lẻo, rêu đang lún phún xiên ngang mặt đất, gió đang giật, sóng đang dồn, sương đang rơi… Nữ sĩ không chỉ là người thợ vẽ truyền thần phô, chụp cái hình, cái bóng của tự nhiên mà còn truyền vào thơ tình yêu, thổi vào thơ nguồn sống nên thơ bà là thơ chạm trổ, hòn đá biết cười, hang động biết nói, nước lạnh hát ca.

Từ ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ hay, đẹp ở tính chính xác mà còn hàm súc ở tính hình tượng, nhiều hình ảnh trong thơ nữ sĩ trở thành những biểu tượng đặc biệt: từ cái bánh trôi dân dã vào thơ Xuân Hương trở thành biểu tượng của vẻ đẹp và phẩm chất “lòng son” của người phụ nữ; miếng trầu gắn với tục ăn trầu, với hình thức giao tiếp trong xã hội “miếng trầu là đầu câu chuyện” vào thơ Xuân Hương thành miếng trầu mời duyên, thành thông điệp để nữ sĩ gửi gắm ước mơ về tình yêu “phải duyên thì thắm lại”. Trong thơ nữ sĩ, hình ảnh trăng có lúc mang vẻ đẹp rực rỡ của người phụ nữ như đoá hoa mãn khai đang đợi chờ người trong mộng đến thức dậy những khát khao ân ái: “Một trái trăng thu chín mõm mòm/ Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom” (Trăng). Có lúc là vầng trăng thu lơ lửng trên trời cao mỏi mòn chờ đợi: “Năm canh lơ lửng chờ ai đó?” (Hỏi trăng). Có khi lại là vầng trăng khuyết trong đêm tự tình của người thiếu phụ cô đơn, ngao ngán, bẽ bàng cho duyên phận, cho tình cảnh lẽ mọn hẩm hiu: “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

(Tự tình II). Trăng không chỉ là một quầng sáng xa xôi trên trời cao, với Xuân

Hương trăng là ước mơ, hạnh phúc, tình duyên, trăng là thân phận, soi vào trăng nữ sĩ thấy chính cuộc đời, số phận của mình.

Thơ Hồ Xuân Hương cũng sử dụng những thi liệu từ khuôn mẫu của văn chương bác học, truyền thống: ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng, cách nói hoa mỹ, bóng bẩy nhưng với cách sắp xếp sóng đôi xen kẽ với hệ thống ngôn ngữ bình dân, đại chúng bà đã mang đến sức sống mới cho ngôn ngữ văn chương bác học. Trong bài Thiếu nữ, vẻ đẹp trang nhã thanh tao của ngôn ngữ ước lệ: “gò bồng đảo”, “lạch đào nguyên” kết hợp với ngôn ngữ bình dân: “hây hẩy”, “nằm chơi”, “dùng dằng”, “chẳng dứt”, “không xong”… tạo nên vẻ đẹp riêng cho bài thơ và cho hìnhảnh người phụ nữ: tràn trề sức sống, phơi phới xuân tình mà vẫn không gợn chút dung tục. Hồ Xuân Hương có một vốn từ ngữ rất Việt Nam và cũng không quá đáng khi nói rằng: Ngôn ngữ ấy rất

Hồ Xuân Hương. Nó biến hóa để phổ vào câu thơ những tục ngữ, thành ngữ, ca dao: “Năm thì mười họa hay chăng chớ” (Lấy chồng chung). Nó không tránh khỏi những từ ngữ thô tục hoặc nói lái thành thô tục, những tiếng chửi rủa các đối tượng tôn giáo, phong kiến: “Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo/ Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo” (Chùa Quán Sứ), “Rúc rích thây cha con chuột nhắt/Vo ve mặc mẹ cái ong bầu” (Quan thị).

Nếu liên kết các bài thơ: Động Hương Tích, Đèo Ba Dội, Đá Ông

Chồng Bà Chồng… trong một văn bản chúng ta có thể thấy ở trong những bài

thơ này là những âm điệu mạnh, nhiều vần nhiều âm rất táo bạo thông qua một lớp từ ngữ được Hồ Xuân Hương sử dụng như: “phòm”, “ngoàm”, “hoẻn”… Chính cách sử dụng ngôn ngữ khác lạ này đã chuyển nghĩa bình thường thành nghĩa ẩn dụ có nghĩa là chuyển nghĩa thô thành nghĩa thực, nghĩa ngầm, nghĩa tâm tình. Mỗi bài thơ là một sự phối hợp liên kết chặt chẽ giữa các động từ chỉ hoạt động, các tính từ chỉ màu sắc âm thanh, hình dáng… các trạng từ chỉ phẩm chất để biểu đạt tư tưởng tình cảm thái độ của nhà thơ.

Hồ Xuân Hương đã vận dụng một cách sáng tạo, đa dạng, độc đáo ngôn ngữ dân tộc và dân gian. Việc lựa chọn lớp ngôn ngữ này trong thế giới nghệ thuật của bà là một sự gắn bó chặt chẽ với vốn văn hoá dân gian. Dường như nữ sĩ đã bắt nhịp được với thời đại và thể hiện được tính nhân văn trong hệ thống chủ đề mà bà quan tâm. Thời đại nào, con người ra sao sẽ tạo nên nội dung văn học như thế. Điều đó cũng sẽ quyết định đến việc lựa chọn hình thức ngôn ngữ tương thích. Hệ thống chủ đề mang tính nhân văn trong thơ của bà đã chi phối mạnh mẽ đến việc tiếp thu và sử dụng lớp ngôn ngữ dân tộc và dân gian. Bà đã tiếp thu cách sử dụng ngôn ngữ của dân gian đề thể hiện chủ đề rõ rệt nhất là thể hiện thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến bị chèn ép, kiềm toả về nhiều mặt. Họ là những con người có số phận bi

kịch nhưng tiêu biểu cho phẩm giá tốt đẹp đồng thời nói lên khát vọng ái ân, đôi lứa. Điểm thứ hai mà nhà thơ đã học tập vận dụng ngôn ngữ dân gian, dân tộc để thể hiện khuynh hướng đả kích vào đối tượng tôn giáo và chế độ phong kiến. Giống như các tác giả dân gian, bà cũng lên án những luật lệ, giáo điều phong kiến. Với việc vận dụng một cách thần tình lớp ngôn ngữ đó, Hồ Xuân Hương đã làm phong phú hoá hình thức diễn đạt, đưa ngôn ngữ văn học Nôm của bà lên mức đại chúng và tạo nên dấu ấn sâu đậm trong hành trình phát triển ngôn ngữ văn học Nôm giai đoạn này.

Tóm lại, Hồ Xuân Hương có vốn từ ngữ phong phú, rất chính xác và cũng đồng thời rất độc đáo. Cái độc đáo trong thơ Hồ Xuân Hương chính là vi phạm một số qui tắc của ngôn ngữ tự nhiên, tạo nên một sự “lệch chuẩn” khác lạ với ngôn ngữ đời thường nhưng vẫn được xã hội chấp nhận tạo cho thơ Hồ Xuân Hương mang tính đa nghĩa, có nội dung khá phong phú, sinh động và hấp đẫn làm nên sức sống lâu bền với thời gian. Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ đầu tiên dùng ngôn ngữ của đại chúng được nâng cao một cách rộng rãi nhất trong văn học. Thơ bà ít từ Hán Việt, vài ba điển tích mà cũng rất quen thuộc với nhân dân và không trở ngại gì cho việc hiểu ý thơ. Tất cả những điều trên khẳng định Hồ Xuân Hương nắm vững ngôn ngữ dân tộc, có ý thức dân tộc, có cá tính mạnh mẽ, có bản lĩnh, có tài năng.

Tiểu kết chương 3

Đọc thơ Nôm Hồ Xuân Hương, chúng tôi nhận thấy thơ bà hàm chứa một đặc trưng về lối viết nữ, lối viết mang phong cách nổi loạn táo bạo và có tính cách tân. Đó là sự vận dụng linh động sáng tạo thể loại Nôm Đường luật trong một nội dung mới có tính đột phá.

Hệ thống biểu tượng gắn liền với tự nhiên và đời sống trong thơ của bà là những hình ảnh tiêu biểu cho một tư duy thơ đặc sắc. Tính liên đới và

tương hỗ của hai hệ thống biểu tượng đã nêu, góp phần tạo nên chiều sâu văn hoá và chất trầm tích những quặng vỉa văn hoá mà Hồ Xuân Hương đã kế thừa từ văn hoá, văn học dân tộc.

Ngoài ra, để thể hiện một hệ thống chủ đề mang tính nhân văn, người đọc phát hiện ở thơ nữ sĩ tính đa dạng của ngôn ngữ mang đậm sắc thái tính dục. Về vấn đề này, Hồ Xuân Hương dường như khai thác con người từ góc độ bản năng thật sự là một phát hiện, một sự khám phá mưới về một diễn ngôn tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương. Cũng cần nói thêm, hệ thống chủ đề mang tính nhân văn của nữ sĩ được thể hiện một cách sâu sắc qua hệ thống ngôn ngữ giàu hình tượng của văn hoá dân gian. Đó là lớp ngôn ngữ dân tộc, dân gian được tổ chức, họp tập và khái quát hoá cao độ. Tất cả đều góp phần tạo nên một phong cách mới, đa sắc diện và phức điệu của thơ cổ điển Việt Nam.

KẾT LUẬN

1. Trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ có phong cách tài hoa, cá tính nhưng phải chịu sự gò bó của lễ giáo phong kiến, kìm kẹp cuộc sống. Bao khao khát, bao nguồn sống mãnh liệt không được bộc lộ trong cuộc sống được bà gởi gắm cả vào trong thơ. Quanh cuộc đời và thơ bà đến nay vẫn còn không ít nghi vấn, nhiều vấn đề chưa rõ thực hư, đâu đấy còn những ý kiến khen chê trái ngược. Tuy nhiên, tài năng độc đáo của bà được khẳng định ở giá trị của những tuyệt phẩm mà bà để lại cho độc giả hôm nay và mai sau. Chúng ta có thể bắt gặp trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương là cả một nền văn hóa, lối sống của người Việt, hơn nữa những vấn đề mà bà đề cập còn là những vấn đề gắn liền với đời sống tình cảm, tinh thần của dân tộc, không những thế, những điều đó cũng thuộc về những vấn đề của nhân loại, thuộc mẫu số chung của nhân loại - Những vấn đề con người còn và mãi quan tâm, là tiếng nói tri âm về những khát khao hạnh phúc trần thế của con người. Chính vì thế, thơ Nôm Hồ Xuân Hương luôn sống trong lòng độc giả, trong lòng dân tộc như món ăn tinh thần quý báu. Nếu như người đời thường chiêm nghiệm cuộc đời bằng việc bói Kiều thì người ta dùng thơ Nôm Hồ Xuân Hương để thổ lộ những khát khao hạnh phúc được ái ân, được sống trọn vẹn của mình.

2. Hệ thống chủ đề trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương rất đa dạng và phong phú, vừa có sự kế thừa các chủ đề trong văn học truyền thống, vừa có sự sáng tạo riêng của nhà thơ. Đó là: chủ đề phê phán hiện thực xã hội; chủ đề về thân phận người phụ nữ và chế độ phụ quyền; chủ đề ý thức về cá nhân. Các chủ đề đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn mãnh liệt và sức sống bền bỉ cho thơ bà. Trong phạm vi đề tài và dung lượng khảo sát của luận văn, chung tôi

chỉ tập trung vào nghiên cứu một số đề tài cơ bản về sự phê phán bức tranh hiện thực xã hội, về thân phận người phụ nữ và chế độ phụ quyền và ý thức cá nhân. Hệ thống chủ đề này được xác định dựa trên những có sở văn hoá, lịch sử và văn học giai đoạn đặc biệt này. Trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, bởi vì thơ bà trước hết là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ. Không phải người phụ nữ lầu son gác tía, chinh phụ hay cung tần, mà là người phụ nữ bình thường, người phụ nữ lao động có nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Họ bị xã hội phong kiến xem thường, chà đạp lên nhân phẩm bởi những hũ tục. Hồ Xuân Hương đã mạnh dạn bênh vực người phụ nữ. Bà đã ngẩng cao đầu chống lại lễ giáo phong kiến bằng những lời thơ hùng hồn mạnh mẽ. Bên cạnh đó, bà luôn ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn người phụ nữ qua những vần thơ với hàng loạt những biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Bà đã làm nên những bài thơ rất sống, rất đại chúng và tuyệt vời. Thơ Xuân Hương là một thể thống nhất giữa nội dung và nghệ thuật. Nhà thơ dù nói đến lòng xót thương người phụ nữ hay đả kích giai cấp phong kiến thống trị, dù bộc bạch nỗi niềm riêng tây hay ngâm nợi cảnh đẹp thiên nhiên rộng lớn, dù làm thơ trào phúng hay làm thơ trữ tình đều chịu sự chi phối của một tư tưởng thống nhất. Đó là chủ nghĩa nhân đạo của nhà thơ.

3. Bên cạnh việc sử dụng những hình thức nghệ thuật truyền thống, Hồ Xuân Hương đã có nhiều sáng tạo và vận dụng thành công nhiều phương thức nghệ thuật tạo nên dấu ấn riêng của nhà thơ. Như đã trình bày, trong luận văn này chúng tôi tập trung vào các phương thức thể hiện cơ bản được nhận diện trong quá trình thể hiện các chủ đề trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, đó là: đặc trưng thể loại, hệ thống biểu tượng, giọng điệu đặc thù và lớp ngôn ngữ đặc biệt, giàu sắc thái và khả năng gợi tả. Thông qua một phong cách trào phúng – trữ tình, sự vận dụng sáng tạo các nguồn ngôn ngữ và quá trình kết hợp nhuần

nhuyễn các biện pháp tạo nghĩa. Các phương thức nghệ thuật được Hồ Xuân Hương sử dụng tài tình, khéo léo, góp phần soi rọi, làm nổi bật hệ thống chủ đề. Đặc biệt hơn, trong thơ của mình, Hồ Xuân Hương sử dụng một hệ thống biểu tượng rất đa dạng, sinh động và phong phú. Cái độc đáo là ở chỗ Hồ Xuân Hương đi sâu khám phá các hệ tầng ý thức thông qua lớp biểu tượng đặc trưng.

4. Với những kết cấu nghệ thuật độc đáo, hệ thống chủ đề đa dạng thơ Nôm Hồ Xuân Hương khẳng định triết lí sống của bà, triết lí vì con người, vì sự sống trọn vẹn, đầy đủ những khát khao hạnh phúc. Khát khao hạnh phúc là nhân bản, là vấn đề sống còn của con người, là một nội dung phổ biến bằng cả một hệ thống biểu tượng, hình ảnh. Không hiểu tại sao nhưng mỗi khi nghĩ về nữ sĩ, người viết luôn có cảm giác con người tài tình ấy đang đi kiếm tìm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hệ thống chủ đề trong thơ hồ xuân hương (Trang 84 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)