Sự dịch chuyển điểm nhìn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hương rừng cà mau của sơn nam từ góc nhìn sinh thái (Trang 78 - 81)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Sự dịch chuyển điểm nhìn

Những nhà văn có tài kể chuyện không bao giờ dẫn dắt câu chuyện từ đầu đến cuối qua một điểm nhìn duy nhất mà thường có sự dịch chuyển, dịch chuyển nhiều điểm nhìn trần thuật, từ điểm nhìn này sang điểm nhìn khác. Để tạo sức hấp dẫn cho câu chuyện, Sơn Nam cũng đã linh hoạt trong việc dịch chuyển điểm nhìn. Trong tập truyện Hương rừng Cà Mau, sự dịch chuyển điểm nhìn được thực hiện ở một số phương diện như: Dịch chuyển điểm nhìn từ tác giả sang nhân vật và dịch chuyển từ điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong.

Trong truyện Nhứt phá sơn lâm, Sơn Nam đã có sự dịch chuyển điểm nhìn. Đó là sự dịch chuyển điểm nhìn từ tác giả sang nhân vật. Người kể chuyện giữ vai trò chủ yếu vẫn là tác giả giấu mình sau ngôi kể thứ ba để kể lại câu chuyện, song sự chuyển dịch điểm nhìn đã giúp cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Mở đầu câu chuyện là lời kể của tác giả, tác giả kể về cảnh khai thác rừng vào buổi sáng: “Trời vừa hừng sáng là khu rừng bắt đầu huyên náo. Từ sáu tháng nay, trước sự xâm chiếm của lớp người “tay rìu” bao nhiêu chim, cò, rắn, rít, khỉ, chồn, heo rừng phải nhượng bộ rút lui” [19, tr.739]. Sau đó là cảnh khai thác rừng của các “tay rìu”. Khi đang miêu tả cảnh này, tác giả đã chuyển điểm nhìn của mình sang nhân vật. Tác giả để

nhân vật Hai Cờ Đỏ kể cho những tay rìu khác nghe về hành trình mở cõi phương Nam của vua Gia Long. Nhân vật này đã phát ngôn thay tác giả:

Số là xưa kia… Gia Long bị Tây Sơn rượt, ngài phải dùng ghe biển mà chạy từ Cà Mau ra Phú Quốc. Chiếc ghe của ngài gọi là long thuyền… Ngài đứng trước mũi ghe, ngóng vào bờ mến tiếc lắm, vì ngài muốn làm vua ở đất liền chớ nào có mộng làm chúa ở cù lao (…) ông Gia Long ngóng vô bờ, dòm dáo dác cái cụm rừng của tụi mình đương đứng bây giờ. Rồi ổng day qua nói với đình thần tả hữu “Sơn bất cao, thủy bất thâm, phù sa chi địa nhơn bất thành tu hú giả. Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá, cao phi viễn tẩu giả nan tàng…”(…) Gia Long nói xứ Nam Kỳ này không có núi cao, không có sông sâu. Còn đất phù sa thì dở quá, vô dụng. Đến đỗi móc đất lên nắn con tu hú để thổi cũng không kêu. Duy chỉ có hai nghề phá sơn lâm, đâm Hà Bá là dễ làm ăn. Nhưng lưới trời lồng lộng không ai chạy khỏi: phá rừng, chài cá khiến con người phải nghèo mạt… [19, tr.741-742].

Qua đó, có thể thấy rằng hai nghề dễ sinh sống nhất của những người đi khai phá đất mới là phá rừng lấy củi, chài lưới bắt cá dưới sông, mặc dù, khai thác nguồn thiên nhiên sẵn có, nhưng người dân ở đây nghèo vẫn hoàn nghèo. Lúc này điểm nhìn của tác giả dường như trùng khít với điểm nhìn của nhân vật. Nhân vật nói năng gần như theo ý của tác giả, nhân vật như đang phát ngôn thay tác giả. Từ điểm nhìn trần thuật khách quan ở ngôi thứ ba vô nhân xưng đứng ngoài tác phẩm chuyển sang điểm nhìn của nhân vật, Sơn Nam đã thành công khi đưa ra lời cảnh báo: việc phá rừng và chài lưới bắt cá dưới sông có thể mang đến nguồn lợi trước mắt nhưng hành động khai thác này sẽ dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái và con người sẽ phải gánh chịu hậu quả. Điều này đã thể hiện rất rõ quan niệm mang tính dân gian của ông già Nam Bộ khi ông có cái nhìn thấu suốt mang tầm dự báo về mối quan hệ giữa thiên

nhiên và con người được phát biểu dưới dạng “lưới trời”. Trong nhà Phật, “lưới trời” đó chính là “quả báo” con người phải lãnh vì các việc sai trái đã làm. “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” là hành động khai thác mang tính huỷ diệt, phá hoại môi trường sống trên cạn lẫn dưới nước, khiến cho nguồn lợi tự nhiên không thể tái sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và muôn loài vạn vật. Với hành động này, con người sẽ phải nhận lấy những quả báo nặng nề.

Trong truyện ngắn Tháng chạp chim về, Sơn Nam cũng có sự dịch chuyển điểm nhìn nhưng đó là sự dịch chuyển của người kể chuyện từ điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong. Người kể chuyện ở vị trí ngôi thứ nhất với tư cách là người chứng kiến cuộc gặp lại giữa ông Tư và con chim già sói. Đứng ở điểm nhìn bên ngoài, bằng lối kể và miêu tả sinh động, người kể chuyện đã thuật lại một cách khách quan nhất câu chuyện về mảnh đất Kiên Giang trù phú một thời với vô vàn loài chim quý hiếm nhưng con người đã khai thác quá mức và gây ra những tổn hại nặng nề qua các tài liệu do ông Tư cung cấp. Sau đó, người kể chuyển sang tâm trạng bâng khuâng, buồn bã của nhân vật ông Tư khi nhìn con chim già sói với bao nỗi cảm hoài, dường như tình cảm giữa ông Tư đối với con chim kia là tình bằng hữu, ngoài ra đó còn là nỗi tiếc nuối, ngậm ngùi trước việc con người tàn sát biết bao loài chim: “Ông Tư nhìn nó. Có lẽ ông nghĩ đến phận mình mà nảy sinh ra bao mối cảm hoài. Trong con tim già, qua thời gian, giờ đây chắc chắn đã lắng xuống hết bao hung bạo của thời xuân xanh của ông và của đất nước hoang vu. Giữa ông và con chim nọ, không còn oán thù. Biển im lặng sau cơn giông tố. Đây là Bá Nha với Tử Kỳ cảm thông nhau” [19, tr.828].

Ta cũng bắt gặp sự dịch chuyển điểm nhìn của người kể chuyện từ bên ngoài sang điểm nhìn bên trong trong truyện Con trích ré, Sơn Nam đứng ở vị trí trần thuật ngôi thứ ba với điểm nhìn bên ngoài kể lại câu chuyện về tình

cảm quyến luyến giữa bé Kiều với con trích và tai nạn bất ngờ tại nhà ông tổng Báu vào đêm ông khao tiệc rình rang đón tiếp quan phó tham biện người Lang Sa. Sau đó, Sơn Nam sử dụng điểm nhìn bên trong kể về tâm trạng của bé Kiều sau cái chết của con trích: “Bé Kiều nhớ tới con trích khôn ngoan hằng đêm ngủ với nó, hằng ngày ăn uống đùa giỡn với nó. Trời! Con trích này chết rồi! Giận quá. Thủ phạm lại là cha nó” [19, tr.331]. Điểm nhìn có sự dịch chuyển từ bên ngoài của người kể chuyện sang điểm nhìn bên trong của nhân vật, nhân vật ở đây lại là một đứa trẻ, với bản chất vốn hồn nhiên nguyên sơ thánh thiện nên đứa trẻ đã lắng nghe được tiếng nói của tự nhiên, xem tự nhiên là bạn. Mối quan hệ giữa đứa trẻ với thiên nhiên chính là hiện thân đẹp đẽ nhất cho mối quan hệ sơ khai của con người và tự nhiên, con người là một phần của tự nhiên, là bầu bạn, đối lập với thế giới của người lớn – những kẻ luôn tìm cách bóc lột tự nhiên, coi tự nhiên là giới vô tri, chỉ để phục vụ cho lợi ích thực dụng của mình.

Như vậy, Sơn Nam đã lựa chọn điểm nhìn từ nhiều vị trí và có sự linh hoạt trong việc dịch chuyển điểm nhìn, đó là sự dịch chuyển điểm nhìn từ tác giả sang nhân vật và từ điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong. Sự dịch chuyển này tạo nên sức hấp dẫn cho mỗi câu chuyện kể và góp phần giúp Sơn Nam chuyển tải thành công những thông điệp sinh thái của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hương rừng cà mau của sơn nam từ góc nhìn sinh thái (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)