6. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Phương ngữ Nam Bộ
Ngôn ngữ trần thuật trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam mang dấu ấn khá rõ nét về phương ngữ Nam Bộ. Người đọc có thể nhận ra thiên nhiên Nam Bộ hoang sơ, trù phú qua việc nhà văn sử dụng hàng loạt từ ngữ để chỉ các loài động vật của vùng đất này như: cá sấu, cá lóc, cá trê, cá sặc rằn…; chim chàng bè, chim già sói, chim chó đồng, chim trích ré… Sự phong phú và số lượng nhiều vô kể của các loài cá đã được Sơn Nam nhắc đến trong truyện Đảng xăm mình. Không những các loài cá, các loài chim cũng đa dạng không kém, điều này cũng đã được Sơn Nam nhắc đến trong
Tháng chạp chim về. Sự phong phú của những sân chim trong Tháng chạp chim về đã tạo nên vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của vùng đất Nam Bộ thời sơ khai. Bên cạnh những sản vật thiên nhiên hữu ích, vùng đất này còn có những loài động vật ăn thịt nguy hiểm như cá sấu, cọp, chúng cũng tạo nên một thế giới hoang sơ, trù phú. Bên cạnh động vật, các loài thực vật xuất hiện nhiều lần trong tập truyện như tràm, mắm, mốp, dừa nước, lau sậy, cóc kèn, dây choại… càng làm tăng thêm vẻ hoang sơ cho thiên nhiên miền Tây Nam Bộ. Những rừng tràm là nơi lý tưởng để loài ong sinh sôi, đem lại nguồn lợi lớn cho con người. Như vậy, chúng ta có thể thấy được sự ưu đãi của thiên nhiên đối với cuộc sống của con người nơi đây.
Vẻ hoang sơ của thiên nhiên miền Tây Nam Bộ không chỉ hiện lên qua việc Sơn Nam sử dụng hàng loạt những từ ngữ chỉ các loài động, thực vật mà còn qua cách ông giải thích về tên đất, tên làng. Đọc Hương rừng Cà Mau, người đọc sẽ thấy những địa danh như vùng Xẽo Bần, rừng U Minh, rạch Cái Tàu, rạch Cái Mau, xứ Cạnh Đền, rạch Xẻo Quao, rạch Khoen Tà, Ngã Ba Đình, vùng Gò Quao, xứ Cà Bây Ngọp, hòn Cổ Tron, rạch Cà Bơ He… xuất hiện trong tập truyện. Sự hoang dã, khắc nghiệt, ghê rợn, dữ dội của thiên nhiên phải chăng đã hiện lên ngay qua cách gọi của người dân Nam Bộ về tên đất, tên làng. Đó là những tên gọi rất giản dị, nó gợi về một vùng đất hoang sơ, xa xôi, ít người biết đến, mỗi tên gọi dường như gắn liền với đặc điểm riêng của từng vùng. Chẳng hạn như cái tên xứ Cà Bây Ngọp, qua lời của anh Tư Có, người đọc có thể hiểu: “xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khơ Me nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu len tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn…” [19, tr.875]. Hay vì sao lại có những tên gọi như Đầm Sấu, Lung Sấu, Cà Bơ He… cũng được giải đáp qua lời ông Năm Hên trong Bắt sấu rừng U Minh Hạ: “Cực lòng biết bao nhiêu khi nghe ở miệt Rạch Giá, Cà Mau này có nhiều con rạch, ngã ba, mang tên Đầm Sấu, Lung Sấu, Bàu Sấu, sau này hỏi lại tôi mới biết đó là nơi ghê gớm, hồi xưa lúc đất còn hoang. Rạch Cà Bơ He, đó là chỗ sấu lội nhiều, người Miên sợ sấu không đi qua mới đặt tên như vậy, cũng như phá Tam Giang, truông nhà Hồ của mình, ngoài Huế” [19, tr.89]. Qua đó, Sơn Nam đã phần nào giúp người đọc thấy được thiên nhiên ở đây còn rất tự nhiên, hoang dã và khắc nghiệt. Con người cũng sống rất gần với thiên nhiên nên tên gọi không phải là những danh từ mĩ lệ mà cứ theo đặc điểm riêng gắn với một câu chuyện về nó để gọi thành tên.
Sơn Nam đã mang “hương vị” Nam Bộ đến với người đọc qua việc sử dụng ngôn ngữ trần thuật mang dấu ấn khá rõ nét về phương ngữ Nam Bộ.
Nhờ đó, người ta nhận thấy vẻ hoang sơ của thiên nhiên miền Tây Nam Bộ và cả những sự ưu đãi mà thiên nhiên đã dành tặng cho cuộc sống con người.