Chương này đã trình bày phương pháp được sử dụng trong xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn cá chình mun của người tiêu dùng tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Trong đó, quy trình nghiên cứu được thực hiện thông qua 2 bước: nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức; phương pháp nghiên cứu bao gồm phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng; và dữ liệu trong nghiên cứu bao gồm kết quả khảo sát từ 200 người (bao gồm người dân địa phương và dụ khách) có sử dụng các sản phẩm được chế biến từ cá chình mun tại huyện Phù Mỹ từ ngày 1/11/2020 đến ngày 15/01/2021.
Chương 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 4.1. Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu
Trong 200 bảng câu hỏi được phát ra trực tiếp đến người có sử dụng cá chình mun tại huyện Phù Mỹ và số bảng trả lời thu hồi được là 200, tỷ lệ phản hồi là 100%. Sau khi sàng lọc và kiểm tra tính hợp lệ, kích thước mẫu cuối cùng dùng để xử lý là 200 bảng, chiếm 100% mẫu thu thập.
Về giới tính, kết quả thống kê cho thấy có 178 nam và 22 nữ trả lời phỏng vấn, số lượng nam nhiều hơn nữ (nam chiếm 89%, nữ chiếm 11%) (xem hình 4.1). Việc lấy mẫu có sự chênh lệch về giới tính, nhưng kết quả có thể chấp nhận vì trên thực tế việc lựa chọn sử dụng cá chình mun dùng để chế biến các món ăn phục vụ trong các quán ăn, nên chủ yếu phù hợp cho khách hàng là nam.
Hình 4.1. Thống kê về giới tính của mẫu khảo sát
(Nguồn: Tác giả thống kê theo kết quả khảo sát)
Về nhóm tuổi, trong số 200 khách hàng được khảo sát thì không có khách hàng dưới 30 tuổi. Khách hàng từ 30 đến 39 tuổi là 74 người, chiếm tỷ trọng 37%; khách hàng từ 40 đến 49 tuổi là 84 người, chiếm tỷ trọng 42%; khách hàng từ 50 tuổi trở lên là 42 người, chiếm tỷ trọng 21% (xem hình 4.2). Trên thực tế, các món ăn được chế biến từ chình mun có giá thành
tương đối cao, chủ yếu được sử dụng phục vụ trong các quán ăn phù hợp với những người có thu nhập từ tầm trung đến cao. Chính vì vậy, các món ăn được chế biến từ chình mun chủ yếu phù hợp đối với nhóm khách hàng từ 30 tuổi trở lên, đối tượng khách hàng từ 30 tuổi trở xuống với thu nhập còn thấp và mang tính phụ thuộc thì việc sử dụng các món ăn được chế biến từ chình mun rất hiếm.
Hình 4.2. Thống kê về độ tuổi của mẫu khảo sát
(Nguồn: Tác giả thống kê theo kết quả khảo sát)
Về thu nhập/tháng, trong số 200 khách hàng được khảo sát thì có 15 người có thu nhập từ 3 triệu đồng trở xuống, chiếm tỷ trọng 7%; có 85 người có thu nhập từ 3 đến dưới 5 triệu, chiếm tỷ trọng 42%; có 93 người có thu nhập từ 5 đến dưới 10 triệu, chiếm tỷ trọng 46%; có 7 người có thu nhập từ 10 trở lên, chiếm tỷ trọng 4% (xem hình 4.3). Nhìn chung, kết quả thống kê phù hợp với đặc thù sản phẩm cá chình mun, phù hợp với các đối tượng khách hàng có thu nhập từ tầm trung trở lên ở khu vực nông thôn như huyện Phù Mỹ.
Hình 4.3. Thống kê về thu nhập của mẫu khảo sát
(Nguồn: Tác giả thống kê theo kết quả khảo sát)
Về trình độ học vấn, hầu hết các đối tượng khảo sát có trình độ học vấn từ cấp 2 trở lên. Cụ thể, trong số 200 người được khảo sát có 26 người có trình độ học vấn cấp 2, chiếm tỷ trọng 13%; có 32 người có trình độ học vấn cấp 3, chiếm tỷ trọng 16%; có 20 người có trình độ học vấn trung cấp, chiếm tỷ trọng 10%; có 7 người có trình độ học vấn cao đẳng, chiếm tỷ trọng 3,5%; có 112 người có trình độ học vấn đại học, chiếm tỷ trọng 56%; có 3 người có trình độ học vấn thạc sĩ, chiếm tỷ trọng 1,5% (xem hình 4.4).
Hình 4.4. Thống kê về trình độ học vấn của mẫu khảo sát
Nhìn chung, trình độ học vấn của đối tượng được khảo sát có sự phân tầng ở nhiều trình độ và tương đối phù hợp với điều kiện học tập của người dân tại huyện Phù Mỹ hiện nay.
4.2. Đánh giá độ tin cậy thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha
Để đánh giá độ tin cậy thang đo cần phân tích hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, các biến có hệ số tương quan tổng (item-total correlation) nhỏ hơn 0,3 sẽ bị loại và thang đo được chấp nhận để phân tích trong các bước tiếp theo khi có độ tin cậy Cronbach Alpha từ 0,6 trở lên (Nunnally & Burnstein 1994) (xem phụ lục).