6. Cấu trúc của luận văn
3.1.1. Ngôn ngữ văn hóa bác học
Có thể hiểu, ngôn ngữ văn hóa bác học là lớp ngôn ngữ văn hóa có sắc thái bác học với tính chất hàm súc, trang trọng, quý phái, giàu chất ước lệ, biểu trưng.Về nguồn gốc, phần lớn chúng xuất phát từ văn hóa bác học mà tiêu biểu là văn hóa Hán học. Trong Tang thương ngẫu lục, ngôn ngữ văn hóa bác học được sử dụng thường xuyên và đa dạng với nhiều dạng thức biểu hiện phong phú.
Biểu hiện nổi bật của lớp ngôn ngữ văn hóa bác học trong tác phẩm của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án là việc các tác giả thường xuyên sử dụng nhiều điển cố, ngữ liệu bắt nguồn từ văn hóa Hán học trong các truyện của mình. Khác với thơ, ngôn ngữ trong tác phẩm truyện thường ít mang tính khái quát, hàm súc, ước lệ bằng. Do vậy, điển cố, văn thi liệu cũng ít được sử dụng trong truyện như thơ. Tuy vậy, là một đặc trưng của văn học trung đại, ngữ liệu văn hóa bác học vẫn được các nhà văn sử dụng trong các tác phẩm văn xuôi của mình. Điều này có thể minh chứng trong Tang thương ngẫu lục. Chẳng hạn, ở truyện Chuyện cũ trong phủ chúa, tác giả Kính Phủ dùng các ngữ liệu
“cung Quảng Hàn”, “khúc nhạc Quân thiên”; hoặc như, ở truyện Ông Lê Thì Hiến, tác giả Kính Phủ dùng các điển nhân danh “Nịch Thích” (người nước
Tề thời Xuân Thu, khi cho trâu ăn gõ sừng mà hát; chỉ người nhân tài ẩn mình), “Bách Lý Hề” (người nước Ngu thời Xuân Thu, nhà nghèo, lưu lạc khắp nơi, sau làm đến chức Đại phu; chỉ người tài có thuở hàn vi); ở truyện
Ông Đặng Trần Côn, tác giả Tùng Niên dùng điển cố địa danh “sông Tiêu
Tương” (nơi hai bà vợ của vua Ngu Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh đến khóc, nước mắt vẩy vào cây trúc thành ngấn); ở truyện Thần Tông hoàng đế, tác giả dùng nhiều từ ngữ có nguồn gốc từ trong hệ thống tư tưởng Trung Hoa, như “tiền thân”, “hậu thân”, “quân tử”, “thiên tử”,…
Như đã biết, điển cố, văn thi liệu Hán học vốn mang trong mình những tính chất như hàm súc, trang trọng; giàu tính ước lệ, tượng trưng. Việc sử dụng nhiều điển cố, văn liệu trong truyện đã giúp ngôn ngữ truyện được tăng cường tính hàm súc, trang trọng, giàu sức biểu trưng, góp phần thể hiện vai trò của lớp ngôn ngữ văn hóa bác học trong ngôn ngữ nghệ thuật chung của tác phẩm.
Ngôn ngữ văn hóa bác học trong Tang thương ngẫu lục còn được thể hiện qua vai trò ngôn ngữ của những tác phẩm thuộc các thể loại thi văn cổ đã xâm nhập vào truyện như câu đối, thơ luật, phú, bi văn, chế, biểu,… Sự hỗn dung về mặt thể loại đã mang đến cho tập truyện một lớp ngôn ngữ hết sức độc đáo và mang sắc thái bác học đậm nét. Như đã biết, khác với ngôn ngữ truyện (văn xuôi) chủ yếu thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ sáng tác của tác phẩm thuộc các thể loại văn học chức năng nói trên (chủ yếu là văn vần và văn biền ngẫu) mang tính hàm súc, trang trọng, cao quý, mô phạm và giàu tính biểu trưng. Điều này có thể thấy rõ nhất trong ngôn ngữ của các tác phẩm văn học hành chính quan phương, như: chế, biểu. Chẳng hạn, trong truyện Ông Lê Trãi, tác giả dẫn lại hai bài chế của Nguyễn Trãi
phụng mệnh vua soạn nên, trong đó có những câu như: “Trẫm duy / Khắc kính duy thân / Duật truy lai hiếu / Phủ Cao đế gian nan chi nghiệp / Duy trung khuê dực lượng chi cần / Tái dương đại hiệu ưu triều đình / Dụng thỏa thục linh ư u tịch” [21; tr.120]. Cũng ở truyện này, tác giả còn dẫn một đoạn trong bài biểu tạ của Nguyễn Trãi: “Viên môn trượng sách, lâm đại tiết nhi bán sinh trung nghĩa tự trì / Hổ khẩu điều thân, quyết hòa nghị nhi lưỡng quốc can qua dĩ tức” [21; tr.119]. Hoặc như, ở truyện Phạm Tấu, tác giả Kính Phủ dẫn lại liên đầu tiên trong bài phú “Ngộ hợp chân quân thần” của nhân vật cùng tên: “Bạch đế hôi hưng phục chi tâm, sáng nghiệp chi công vị bán / Ngữ tượng sái anh hùng chi lệ, phục thù chi chí nan thân” [21; tr.217]. Có thể nói,
việc dẫn nhiều tác phẩm, đoạn trích thuộc các thể loại chế, biểu, phú, bi văn, câu đối, thơ luật…, tức dung hòa ngôn ngữ của những thể loại trên vào ngôn ngữ truyện, đã giúp cho ngôn ngữ trong Tang thương ngẫu lục trở nên mang
tính chất bác học, quý phái rõ nét hơn.
Ngôn ngữ văn hóa bác học trong tác phẩm của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án còn biểu hiện qua lớp từ ngữ liên quan đến sinh hoạt cung đình, sinh hoạt học thuật văn chương,… Như đã biết, đây là lớp từ ngữ xã hội, nghề nghiệp đặc thù, chủ yếu được sử dụng trong phạm vi hẹp của những người là trí thức, vua chúa, quan lại, văn nhân. Lớp từ này thường có tính chất cung kính, trang trọng, cách điệu, thường được cường điệu hóa, mang sắc thái cao quý… Trong Tang thương ngẫu lục, lớp từ này thường được sử dụng trong những truyện miêu tả cuộc sống cung đình, quang cảnh thi cử, những cuộc đàm đạo, đấu khẩu văn chương. Chẳng hạn, trong truyện Hiển Tông hoàng đế, một loạt từ ngữ liên quan đến sinh hoạt cung đình được tác giả sử dụng
như: “đình thần”, “tôn hiệu”, “khánh thọ”, “điện Kính Thiên”, “điện Cần Chính”, “Đề lĩnh đốc suất vệ sĩ”, “Phủ doãn Phụng Thiên”, “hoàng thượng”, “ngự”, “nội tán”, “ngoại tán”, “ngự điện”, “Đoan môn”, “tuyên chỉ”, “ban yến”,… Hoặc như, trong truyện Thi nội, nhiều từ ngữ liên quan đến thi cử
được tác giả sử dụng như “điện Giảng Sách”, “phốc đầu”, “bổ phục”, “trường thi”, “đề thi”, “khoa thi”, “sĩ tử”, “lọng”,… Việc sử dụng các lớp biệt ngữ xã hội này đã góp phần gia tăng tính chất bác học, cao quý cho ngôn ngữ trong
Tang thương ngẫu lục.
Có thể thấy, ngôn ngữ văn hóa bác học được sử dụng trong Tang thương ngẫu lục một cách thường xuyên, khá đa dạng và phong phú. Là những trí thức am tường văn hóa Hán học, các tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã vận dụng lớp ngôn ngữ này một cách chủ động, linh hoạt. Nhờ đó, những giá trị của lớp ngôn ngữ này đã được phát huy, góp phần làm cho
ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm thêm sinh động, giàu sức biểu đạt và những giá trị thẩm mĩ độc đáo.