Sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tang thương ngẫu lục từ góc nhìn văn hóa (Trang 53 - 57)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán

Sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán là một trong những phương diện quan trọng của diện mạo nền văn hóa một dân tộc, một cộng đồng. Trong thời trung đại nói chung, giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn nói riêng, người Việt có một nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc, trong đó, có nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, sinh hoạt văn hóa đặc thù mang đậm giá trị nhân sinh. Trong tác phẩm Tang thương ngẫu lục, phần nào điều này đã được phán ánh qua ngòi bút ghi chép, miêu tả sinh động, hấp dẫn của các tác giả.

Với 89 truyện, ghi chép nhiều sự việc diễn ra ở nhiều nơi trong nhiều thời điểm khác nhau trên nhiều vùng miền của đất nước, Tang thương ngẫu lục đã mang đến những trang viết sống động về nhiều phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của người Việt. Đó là những trang văn đầy ắp giá trị tư liệu, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần phục dựng, phác họa lại nền văn hóa Việt Nam thời trung đại.

Như đã trình bày, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án không có chủ đích viết riêng về phong tục, tập quán. Tuy nhiên, trong quá trình trần thuật, nhiều câu chuyện lại gắn liền với những phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa. Trong những lúc này, bằng ngòi bút linh hoạt và tấm lòng quan tâm tới văn hiến, văn hóa nước nhà, các ông đã chủ động quan sát, ghi chép, thuật lại nhiều câu chuyện văn hóa thú vị, hấp dẫn. Nhờ đó, Tang thương ngẫu lục tuy đậm chất kỳ ảo nhưng vẫn đầy tính hiện thực và giàu giá trị văn hóa.

Khảo sát văn bản Tang thương ngẫu lục, chúng tôi nhận thấy, hầu hết những sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống người Việt được hai tác giả phản ánh trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn, ở truyện Dật sử của ông

tiên họ Phạm, khi kể về chân nhân Phạm Viên, tác giả Tùng Niên đã cho

chúng ta thấy được một số đặc điểm về phong tục tang ma, giỗ chạp của người Việt: “Gặp ngày giỗ mẹ, chân nhân dẫn bốn tên gia đồng nhắm mắt mà đi […]. Một hôm, ông mặc đồ sô gai, chống gậy vào nhà, khóc ầm lên […]. Ông Thượng (cha của Phạm Viên - NV) mất […]. Khi sắp đưa ma, anh em sắm sẵn một thứ để làm nhà trạm […]. Sáng hôm sau đám đưa đến những chỗ ấy, đã thấy nhà cửa đồ sộ sẵn sàng, đều là quán ngói của các làng chung quanh, lợn rượu, cỗ bàn chẳng thức gì không có” [21; tr.151-152].

Truyền thống phong tục hôn nhân với những đặc thù trong các lễ hỏi, cưới cũng được đề cập đến trong Tang thương ngẫu lục. Ở truyện Ông Hoàng Sầm, qua câu chuyện mẹ Hoàng Sầm đi hỏi tiểu thư làm vợ cho con, ta

biết được ít nhiều về tục dặm hỏi, sính lễ trong văn hóa hôn nhân của người Việt thời trước: “Về nhà ông nói với mẹ muốn được lấy cô gái ấy. Mẹ cười bảo đừng mơ ước hão huyền. Ông không nghe mẹ, mua một buồng cau, cố bắt mẹ phải đi dạm” [21; tr.183]. Truyện đã nói đến một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ dạm hỏi, lễ cưới của người Việt chính là buồng cau.

Xem bói là nét văn hóa của nhiều dân tộc, trong đó có người Việt. Trong thời trung đại, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nhiều hiện tượng con người ta chưa thể giải thích. Bói toán trở thành một trong những phương thức để nhìn về quá khứ, trông đến tương lai bằng niềm tin vào các thế lực siêu nhiên. Người Việt trong giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn, thời kỳ lịch sử của những biến động, thường tìm đến bói toán nhiều hơn. Điều này được tác phẩm Tang thương ngẫu lục phản ánh trong một số truyện. Chẳng hạn, ở truyện Ông Nguyễn Bá Dương, nét văn hóa này được ghi lại: “Đời truyền một lần có một thầy bói xem chiết tự vào thăm, ông bảo xem cho mình […]. Người thầy bói này không rõ tên họ, thường hay đi lại ở các nhà công khanh, nói nhiều câu ứng nghiệm lắm” [21; tr.46]. Hoặc như, ở truyện Mả tổ quận

Bằng, chuyện xem tướng số cũng được nhắc đến: “Sau đó, người vợ có thai.

Khi sinh, Đỗ giám sinh đến cửa nghe tiếng khóc, giật mình nói: -‘Đó là một kẻ gian hùng ở đời loạn. Ta làm hại thiên hạ rồi’. Đứa trẻ lớn lên, chính là quận Bằng […]. Một thầy tướng số xem cho ông ta, trở ra nói: -‘Đó là sao Thiên cẩu giáng xuống, ngôi đến vương công, tai vạ tất không thể tránh khỏi’” [21; tr.149].

Cùng với bói toán, xem phong thủy cũng là chỗ dựa niềm tin của người phương Đông trong thời cổ trung đại nói chung, người Việt nói riêng, trong đó có người Việt ở thế kỷXVIII - XIX. Nó trở thành một kiểu sinh hoạt văn hóa của người xưa, thậm chí của cả con người thời nay. Trong Tang thương ngẫu lục, có khá nhiều truyện về thầy phong thủy Trung Hoa trấn yểm long mạch trên đất nước ta; thầy địa lí xem đất, tìm long mạch, đặt huyệt hòng đời sau làm nên nghiệp lớn. Chẳng hạn, ở truyện Mả mẹ Đào Khản, chuyện tìm

huyện đặt mả được kể lại một cách ngắn gọn: “Trong năm Cảnh Hưng đời Lê, có một họ to kia, nhờ thầy tìm đất để táng” [21; tr.137]. Nét văn hóa này còn được phản ánh trong nhiều truyện khác như Cụ Thái tể tôi, Mả tổ quận Bằng,

Tả Ao tiên sinh, Đền Trấn Võ, Ông Đàm Thận Huy,…

Với niềm tin vào thần linh, ma quỷ, người Việt thời xưa, trong đó có giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn có truyền thống lập miếu, tế thần, cầu siêu, gọi hồn. Nhất là trong giai đoạn xã hội loạn lạc, chiến tranh liên miên, thiên tai dịch hạch hoành hành, người chết khắp nơi như trong thế kỷ XVIII - XIX, những sinh hoạt văn hóa này lại càng diễn ra nhiều hơn. Đây có lẽ là nguyên nhân mà trong Tang thương ngẫu lục có nhiều truyện nhắc đến những sinh hoạt tâm linh này. Chẳng hạn, ở truyện Liệt phụ Đoàn phu nhân, tác giả Kính Phủ có kể đến lễ cầu hồn cho ông Du lĩnh hầu: “Làm chay xong, phu nhân cùng bà vợ cả đem lũ con của Hầu ra thiết vị ở bến Thủy Ái, nơi Hầu chết nạn khi trước, ngoảnh về phía nam mà làm lễ chiêu hồn” [21;tr.65].

Không chỉ đề cập đến sinh hoạt văn hóa chốn dân gian, những sinh hoạt văn hóa nơi cung đình cũng được Tang thương ngẫu lục phản ánh một cách

sinh động. Là những trí thức chốn kinh kỳ, làm quan và có nhiều quen biết, chắc chắn Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án từng được nghe nhiều, biết nhiều về những sinh hoạt văn hóa trong phủ chúa, cung vua. Và hai ông đã ghi chép khá cẩn thận, tỉ mỉ về những điều này. Chẳng hạn, ở truyện Hiển Tông hoàng

đế, lễ khánh thọ bảy mươi tuổi của vua Hiển Tông được thuật lại như sau:

“Năm Ất Tỵ đời Cảnh Hưng, gặp kỳ lễ thọ thất tuần của Hiển Tông hoàng đế, đình thần là ông Bùi Huy Bích, ông Hồ Sĩ Đống ở trong chính phủ, bàn dân tôn hiệu để làm lễ trong ngày tiết Khánh thọ” [21; tr.21]. Hoặc như, ở truyện

Chuyện cũ trong phủ Chúa, tác giả Kính Phủ đã thuật lại chuyện đón tết

Trung thu xa xỉ trong phủ chúa Trịnh: “Mỗi năm đến tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá mấy chục lạng vàng. Đến ngày, chúa ngự giá ra chơi Bắc cung […]. Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn, mặc áo như đàn bà, bày hàng ở rìa đường, bán những tạp hóa cùng các đồ hoa quả, chả rượu, thức gì cũng có, chồng chất như núi. Cung nhân qua lại mua bán, vừa mua vừa cướp, không cần hỏi giá cả bao nhiêu; đua nhau đem những câu hát quê ra đối đáp với nhau, tiếng cười đùa vang cả trong ngoài”[21; tr.24-25]. Rõ ràng, từ dân gian vào đến phủ chúa, nhiều nét đẹp văn hóa đương thời của người Việt đã bị biến chất. Đây cũng là một trong những biểu hiện của sự mục nát, suy đồi của chế độ phong kiến lúc bấy giờ.

Tóm lại, có thể thấy, Tang thương ngẫu lục đã phản ánh một cách khá

sinh động, chân thực nhiều phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của người Việt trong giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn. Đó là những nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Trong đó, phần lớn là những truyền thống văn hóa chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa, gắn liền với đời sống tâm linh. Nhờ đó, người đời sau

có thể hình dung được phần nào đời sống văn hóa của người Việt thế kỷ XVIII - XIX. Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng có thể dựa vào đây để tham khảo, đối chiếu, phục vụ công tác nghiên cứu, phục dựng bức tranh văn hóa người Việt trong thời kỳ này. Có thể nói, Tang thương ngẫu lục tập hợp những câu chuyện thấm đẫm giá trị văn hóa. Đây là một trong những mạch nguồn giá trị làm nên sức sống lâu bền trong dòng chảy văn hóa, văn chương Việt của tập truyện ký này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tang thương ngẫu lục từ góc nhìn văn hóa (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)