Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án những trí thức tiêu biểu đất kinh kỳ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tang thương ngẫu lục từ góc nhìn văn hóa (Trang 27 - 31)

6. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án những trí thức tiêu biểu đất kinh kỳ

Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án là những tác giả lớn của văn học trung đại Việt Nam nói chung, văn xuôi thời trung đại của nước ta nói riêng. Cùng tham gia biên soạn một cuốn sách, hẳn hai ông có nhiều điểm chung gặp gỡ. Không chỉ là sống cùng thời, là đôi bạn thân, điểm tương đồng quan trọng giữa hai ông chính là những trí thức tiểu biểu của đất kinh kỳ.

Phạm Đình Hổ sinh năm 1768, mất năm 1839, tự là Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Triều, biệt hiệu Chiêu Hổ tiên sinh. Ông người làng Đan Loan, huyện Đường An, nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Phạm Đình Hổ là con của quan Tuần phủ Sơn Tây Phạm Đình Dư. Cụ Phạm Đình Dư có nhà riêng ở phường Hà Khẩu (nay là Hàng Buồm), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Thăng Long. Cho nên, ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã được sống giữa đất kinh kỳ văn vật, tiếp xúc với bề dày văn hóa của đất kinh đô nghìn năm văn hiến. Thuở nhỏ, Phạm Đình Hổ học ở Quốc Tử giám, ngôi trường lớn nhất, có bề dày truyền thống lâu đời nhất của nước ta thời bấy giờ. Ông đỗ sinh đồ (tú tài). Tuy nhiên, lớn lên trong thời đại có nhiều biến động lịch sử, dâu bể tang thương, đường học vấn của ông không được như ý. Nhà Lê mất, họ Trịnh bị diệt vong, Tây Sơn lên ngôi, trong những năm tháng can qua khói lửa, giáo dục và thi cử không được tổ chức ổn định, Phạm Đình Hổ không có cơ hội ra thi thố tài học của mình. Trong thời gian này, ông trở về quê Hải Dương, dạy học nhiều nơi, sống cuộc đời ẩn cư thanh bần. Mãi đến khi Gia Long lên ngôi (1802), ổn định thi cử, Phạm Đình Hổ có ra ứng thí nhưng không đỗ đạt gì.

Năm 1821, vua Minh Mạng ra Bắc Hà. Phạm Đình Hổ dâng sách, được vua chú ý rồi “hứa sẽ lục dụng và khuyến khích ông biên soạn sách vở” [21; tr.10].Từ đó, hoạn lộ của ông bắt đầu hiển đạt. Năm 1826, Phạm Đình Hổ được triệu vào kinh đô Huế, giữ chức Hành tẩu rồi dần được cất nhắc đến chức Tế tửu Quốc Tử giám kiêm Thị giảng học sĩ. Nhà nghiên cứu Trương Chính nhận định về hoạn lộ của ông như sau: “Từ một chân tú tài nhảy lên giữ những chức trọng đại như thế trong ngành giáo dục, xưa nay hiếm” [21; tr.6]. Rõ ràng, nếu không phải là một trí thức tài năng và có nhân cách lớn, không dễ gì đường công danh của Phạm Đình Hổ lại hiển vinh như vậy.

Không chỉ là người có tài trong sự nghiệp kinh bang tế thế, Phạm Đình Hổ còn nổi tiếng là học sâu hiểu rộng, văn chương hơn người. Xuất thân trong gia đình khoa bảng có truyền thống lâu đời, từ nhỏ đã được tắm mình trong không gian văn hóa kinh kỳ, Phạm Đình Hổ có được kiến văn sâu rộng, bề dày văn hóa. Ông còn được triều đình khuyến khích việc biên soạn sách vở, tham gia quản lí về văn hóa, giáo dục của nước nhà. Cùng với đó, ở ông là một tâm hồn rộng mở. Phạm Đình Hổ trở thành nhà văn như là một điều tất yếu. Ông để lại cho đời nhiều trước tác. Ông biên soạn nhiều sách về lịch sử, địa lí, văn hóa, như: Lê triều hội điển, Bang giao điển lệ, An Nam chí, Ô Châu lục,…Bên cạnh đó, Phạm Đình Hồ còn có nhiều tác phẩm văn chương.

Ông có một số thi tập như Đông Dã học ngôn thi tập, Tùng cúc liên mai tứ hữu,… Đặc biệt, Phạm Đình Hổ để lại hai tác phẩm văn xuôi chữ Hán nổi tiếng, làm nên tên tuổi và vị trí của mình trong nền văn học trung đại Việt Nam là Vũ trung tùy bútTang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án). Có thể nói, Phạm Đình Hổ đã để lại một sự nghiệp trước thuật phong phú, giá trị, có đóng góp nhất định vào sự vận động và phát triển của văn học Việt Nam nói chung, văn xuôi trung đại nói riêng.

Sinh cùng thời, là bằng hữu tâm giao của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án sinh năm 1770, mất năm 1815, tự Kính Phủ, hiệu Ngu Hồ. Ông là người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Nguyễn Án xuất thân trong một gia đình khoa bảng đã sa sút. Ông nội là tiến sĩ Nguyễn Bá (sau đổi thành Nguyễn Thưởng). Bố ông là Nguyễn Công Thương, tiến sĩ đời Lê, có nhà riêng ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm, thành Thăng Long. Nhờ đó, từ nhỏ, Nguyễn Án đã được sống trong môi trường đô hội, sớm tiếp xúc với những giá trị văn hóa truyền thống của đất kinh kỳ.

Từ nhỏ, Nguyễn Án đã nổi tiếng hiếu học. Từ thuở thiếu thời, ông đã miệt mài đèn sách theo nghề khoa cử. Nhưng khi lớn lên, Nguyễn Án bị ném vào một thời đại đầy những biến động dữ dội, sơn hà nhiều phen đổi chủ, mộng công danh tan tành. “Ông vốn thông minh, ham học, kiến thức rộng, hiểu biết nhiều, lại hay đi đây đi đó, từng trải nhiều và là chứng nhân của những thay đổi đó” [47; tr.331]. Chính những biến động của cuộc tang thương dâu bể mà nhà văn đã tận mắt chứng kiến cùng với vốn kiến văn sâu rộng đã góp phần quan trọng hình thành nên ở Nguyễn Án vốn sống, vốn hiểu biết dồi dào để ông viết nên những trang văn chương giá trị.

Là trí thức có hoài bão lớn nhưng “sinh bất phùng thời”, Nguyễn Án nhận thức được trong thời buổi binh biến nhiễu nhương, tài năng khó lòng thi thố. Vì thế, ông đã quay về ở ẩn, mở lớp dạy học và làm thơ, viết văn. Đây cũng là giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Án.

Năm 1805, dưới triều Gia Long, Nguyễn Án được lục dụng và bổ chức Tri huyện Phù Dung, tỉnh Hưng Yên. Nhưng chỉ được một thời gian, ông xin từ quan. Đến năm 1807, Nguyễn Án ra dự khóa thi Hương đầu tiên của triều nhà Nguyễn và đỗ Hương cống. Sau đó, ông nhậm chức Tri huyện Tiên Minh,

tỉnh Kiến An (nay là Hải Phòng). Năm 1815, ông mất khi đang nhiệm chức tại nhiệm sở lúc vừa tròn 45 tuổi.

Về sáng tác, Nguyễn Án để lại hai tác phẩm: Phong lâm minh lãi thi tập (tập thơ) và Tang thương ngẫu lục (văn xuôi, viết chung với Phạm Đình Hổ). Theo các nhà nghiên cứu, thơ chữ Hán của Nguyễn Án không đạt được nhiều thành tựu nhưng Tang thương ngẫu lục của ông lại là một trong những

tác phẩm đỉnh cao của văn xuôi Việt Nam thời trung đại.

Trong văn học trung đại Việt Nam, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án là một trường hợp đặc biệt. Hai ông vừa là bạn đồng hương, bạn đồng liêu, vừa lại bạn văn chương tri âm thân thiết. Tang thương ngẫu lục, tác phẩm viết chung của hai ông được xem là thành quả ngọt ngào của tình bạn văn chương đẹp đẽ trong văn học trung đại Việt Nam.

Thế nhưng, không chỉ là đồng hương, đồng liêu, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án còn gặp nhau ở nhiều điểm tương đồng. Trong đó, tiêu biểu nhất là hai ông đều là những trí thức tiêu biểu của đất kinh kỳ. Cùng lớn lên giữa kinh thành Thăng Long, được đào tạo bài bản trên đất kinh đô văn hiến, được tiếp xúc với tầng lớp trí thức hội tụ tại kinh đô, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án là những tri thức trưởng thành và xuất thân từ nơi quy tụ tinh hoa văn hóa dân tộc. Họ xuất thân từ trí thức và trở thành thành viên của tầng lớp trí thức của kinh kỳ.Và chính họ cũng đã góp phần vào việc bồi đắp thêm cho bề dày truyền thống văn hiến của đất kinh kỳ.

Là những người trí thức tiêu biểu của đất kinh kỳ, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án sớm được tiếp xúc với môi trường trí thức, được kế thừa truyền thống văn hóa, học thuật, được hấp thụ bầu không khí sinh hoạt văn hóa, học thuật của tầng lớp trí thức,… Những điều này góp phần quan trọng vào việc hình thành, chi phối đến quan điểm, cách tiếp cận và xử lí hiện thực, cách kể

chuyện, điểm nhìn trần thuật của hai nhà văn mà chúng ta sẽ thấy khi tiếp cận tác phẩm của họ.

Thật vậy, trong tương quan với một số tác phẩm văn xuôi trung đại Việt Nam viết theo thể ký, ta sẽ thấy rõ điều này. Chẳng hạn, trong Thượng kinh kí sự, với cái nhìn của một danh y, tác giả Lê Hữu Trác nhìn hiện thực bằng cái nhìn của một thầy thuốc, mà ở đó, nhiều con người hiện lên với sự ngu dốt, bệnh hoạn của mình. Hoặc như, trong Hoàng Lê nhất thống chí, bằng cái nhìn của nhà sử học, các tác giả của Ngô gia văn phái nhìn hiện thực xã hội một cách hào hùng, bi tráng của một thời kỳ khói lửa dữ dội, mà ở đó, nổi lên là những nhân vật lịch sử với những sự kiện lịch sử được ghi chép, trần thuật một cách cụ thể, khách quan, tỉ mỉ… Còn ở Tang thương ngẫu lục, bằng cái nhìn của người trí thức, nhiều vấn đề mà hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án nêu ra, xử lí trong tác phẩm chịu ảnh hưởng sâu sắc từ điểm nhìn của người trí thức phong kiến. Bức tranh hiện thực mà các tác giả khảo cứu, miêu tả trong tác phẩm này “chủ yếu được quan sát dưới góc độ văn hiến, văn hóa gắn với những con người cụ thể, những sự việc có thực” [67; tr. 5-6].

Có thể nói, dưới điểm nhìn của người trí thức đất kinh kỳ, nhiều vấn đề trong Tang thương ngẫu lục được tiếp cận, xử lí, trần thuật mang đậm dấu ấn

văn hóa. Chính vì vậy, nổi bật trong tác phẩm này là không gian văn hóa được thể hiện rõ nét. Những phương diện của đời sống văn hóa đất kinh kì nói riêng, đời sống văn hóa nước ta thời trung đại nói chung được thể hiện một cách sinh động, phong phú trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tang thương ngẫu lục từ góc nhìn văn hóa (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)