6. Cấu trúc của luận văn
1.3.2. Tang thương ngẫu lục trong tiến trình vận động của văn xuôi tự sự
Việt Nam thời kỳ trung đại
Trong nền văn học trung đại Việt Nam, Tang thương ngẫu lục là tác phẩm khá đặc biệt. Đây là tác phẩm viết chung bởi hai tác giả Phạm Đình Hổ
và Nguyễn Án, là hai người bạn đồng liêu, đồng thời là hai người bạn văn chương. Hơn nữa, đây cũng là tác phẩm nổi tiếng, đạt được nhiều thành tựu, có vị trí nhất định trong tiến trình vận động, phát triển của văn xuôi tự sự nước ta thời trung đại.
So với thơ, văn xuôi trung đại Việt Nam ra đời muộn hơn. Tuy nhiên, cũng như thơ, văn xuôi trung đại nước ta, từ chỗ chịu ảnh hưởng toàn diện từ văn học Trung Hoa, đã có những bước vận động, phát triển để đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trên tiến trình vận động phát triển của mình, văn xuôi trung đại đã trải qua nhiều chặng đường với sự đóng góp của nhiều thế hệ nhà văn cùng nhiều tác phẩm tâm huyết của họ. Trong đó, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án với Tang thương ngẫu lục là một dấu mốc đáng nhớ.
Tang thương ngẫu lục được Phạm Đình Hồ và Nguyễn Án bắt đầu viết từ khoảng những năm cuối đời nhà Hậu Lê đến những năm đầu đời Gia Long. Mãi đến năm 1896, tác phẩm này mới được ông nghè Đỗ Văn Tâm cho khắc in và truyền lại đời sau. Tang thương ngẫu lục gồm 2 quyển: Quyển thượng có 40 truyện, quyển hạ 50 truyện, mỗi truyện đều để rõ tên tự của tác giả là Tùng Niên (Phạm Đình Hổ) hoặc Kính Phủ (Nguyễn Án). Các truyện trong Tang thương ngẫu lục thuộc 5 chủ đề chính: Truyện về các danh nhân
(Ông Nguyễn Văn Giai, Ông Lê Trãi, Ông Phạm Ngũ Lão); truyện về các
thắng cảnh (Núi Dục Thúy, Bài ký chơi núi Phật Tích, Núi Đông Liệt); truyện về các di tích (Chùa Thiên Tích, Miếu cổ ở cửa Đông Hoa, Tháp Báo Thiên); truyện về những việc xảy ra vào cuối đời Lê (Chuyện cũ trong phủ chúa,
Người làm mướn ở kinh thành, Người nông phu ở An Mô) và truyện về các
chuyện hay tích lạ trong thiên hạ (Hóa hổ, Thơ ma, Ông sấm).
Tang thương ngẫu lục có nghĩa là ghi chép một cách ngẫu nhiên, tình
cờ những chuyện bãi bể nương dâu, tức những chuyện tai nghe mắt thấy trong cuộc đời, hoàn toàn không phải là chuyện hư cấu. Nhan đề tác phẩm cho thấy
phần nào tác phẩm này “có tính chất ký sự hơn là tiểu thuyết” [21; tr.7]. Do đó, tác phẩm này được nhiều học giả, nhà nghiên cứu xếp vào cùng với các tác phẩm truyền kỳ trong văn học trung đại Việt Nam. Và theo các nhà nghiên cứu, dù vẫn còn ít nhiều hạn chế nhưng Tang thương ngẫu lục là tác phẩm giá trị, có những đóng góp nhất định vào tiến trình vận động và phát triển của thể loại truyền kỳ nói riêng, văn xuôi trung đại nước ta nói chung.
Như đã biết, Tang thương ngẫu lục ra đời trong giai đoạn văn xuôi chữ Hán trung đại nói chung, ký sự nói riêng phát triển rực rỡ với nhiều đỉnh cao, trở thành niềm tự hào của văn xuôi trung đại Việt Nam. Từ Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, sang Thánh Tông di thảo đến Truyền kỳ mạn lục, Hoàng Lê nhất thống chí, truyện ký sự trong văn học trung đại Việt Nam đã có những bước bước phát triển dài. Đúng như nhận định của Nguyễn Lộc, “loại truyện này đi từ chỗ có nhiều tính chất hoang đường đến ít tính
chất hoang đường hơn; từ chỗ ghi chép nhằm mục đích cúng tế, có tính chất phi văn học đến chỗ sáng tác lại trên cơ sở hư cấu của nhà văn, nhằm mục đích văn học” [33; tr.25].
Cũng như Truyền kỳ mạn lục,Vũ trung tùy bút…, tác phẩm Tang thương ngẫu lục ra đời vừa làm phong phú cho thể ký sự, vừa góp phần thúc
đẩy sự phát triển thể ký sự trong tiến trình vận động phát triển chung của văn xuôi trung đại Việt Nam bằng những đóng góp cụ thể của mình. Trong phạm vi của luận văn này, chúng tôi chỉ xin điểm qua một số đóng góp quan trọng của Tang thương ngẫu lục để qua đó thấy được vai trò của tác phẩm này trong văn xuôi nước ta thời trung đại.
Chịu ảnh hưởng của các tác phẩm truyền kỳ, cho nên trong Tang thương ngẫu lục, không khí bao trùm là tính chất hoang đường, kỳ ảo. Tuy
nhiên, một đặc điểm nổi bật trong tác phẩm này là điểm nhìn trần thuật của các tác giả. “Hai ông có một ý định rất rõ là ghi chép đúng điều mình mắt
trông thấy, tai nghe thấy, không hư cấu. Những chuyện hoang đường, quái đản cũng là do người ta kể lại chứ không phải tự mình đặt ra để cho ly kỳ”
[21; tr.13]. Điều này làm tăng tính khách quan cho giọng điệu trần thuật của tác phẩm, đồng thời, góp phần quan trọng làm giảm tính hoang đường, kỳ ảo cho thể loại ký sự, đưa thể loại này trở về gần gũi với hiện thực đời sống hơn, điều mà những tác phẩm ký sự thời kỳ đầu như Lĩnh Nam chính quái, Việt điện u linh… chưa thể làm được.
Hơn nữa, dù vẫn còn ẩn hiện màu sắc hoang đường nhưng giá trị hiện thực, thậm chí giá trị phê phán, tố cáo của Tang thương ngẫu lục được thể hiện khá rõ nét. Phần lớn các địa danh, nhân danh, sự việc trong tác phẩm này đều là nơi thật, người thật, việc thật. Nhiều truyện trong tác phẩm đã “phản ánh thực trạng thối nát của giai cấp thống trị” [21; tr.15] đương thời. Chẳng hạn, truyện Chuyện cũ trong phủ Chúa miêu tả cách ăn chơi trác táng lạ lùng, kỳ cục của Trịnh Sâm; truyện Quận mã Đặng Lân kể tội Đặng Mậu Lân, em
ruột của chính phi Đặng Thị Huệ, cậy quyền lộng hành, ngang nhiên giăng màn cưỡng hiếp phụ nữ giữa phố,… Có thể nói, thoát dần ra khỏi bầu khói sương mơ hồ của các yếu tố hoang đường, kỳ ảo, Tang thương ngẫu lục đã
tăng cường chất liệu hiện thực. Với điều này, Tang thương ngẫu lục góp phần đưa thể loại ký sự trở về gần gũi với hiện thực đời sống, mang hơi thở thời đại, nói lên tiếng nói của quần chúng nhân dân.
Ngoài ra, đằng sau lớp khói sương kỳ ảo, Tang thương ngẫu lục là tác
phẩm đầy ắp các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh các vấn đề thế sự, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án còn quan tâm đến nhiều vấn đề văn hóa khác nhau. Gần một phần ba tác phẩm là những truyện nói về các thắng cảnh, di tích của nước ta, như: hồ Hoàn Kiếm, chùa Thiên Tích, núi Phật Tích, chùa Thiên Mụ, núi Dục Thúy, tháp Báo Thiên, đền Linh Lang,…
Nhiều câu chuyện về lịch sử, văn hóa, văn chương, sinh hoạt học thuật, phong tục tập quán đậm không khí đương thời cũng được các tác giả thể hiện sống động, cụ thể trong tác phẩm. Qua Tang thương ngẫu lục, người đời sau có thể hình dung phần nào về đời sống văn hóa của nước ta thời trước. Đây là lí do để Trương Chính khẳng định: “ngày nay chúng ta xem Tang thương ngẫu
lục như là một tập sách có giá trị về lịch sử và về văn học” [21; tr.18]. Có thể
nói, bằng việc quay về với các giá trị văn hóa của dân tộc, Tang thương ngẫu lục là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho tiến trình vận động và phát triển của văn ký sự nói riêng, văn xuôi Việt Nam trung đại nói chung. Đó là sự vận động phát triển tự thân để quay về với hiện thực đời sống cũng như mạch nguồn văn hóa của dân tộc, tiến trình vận động, phát triển đúng đắn của các thể loại ngoại lai trong văn học trung đại Việt Nam.
Đúng như các nhà nghiên cứu nhận định, dù có thể vẫn còn một số hạn chế nhưng Tang thương ngẫu lục là một trong những thành tựu nổi bật của văn xuôi trung đại Việt Nam nói chung, văn ký sự nói riêng. Tác phẩm này không chỉ đa dạng về phạm vi đề tài, phong phú trong bút pháp thể hiện mà còn thể hiện rõ những bước vận động phát triển của thể loại qua việc tăng cường chất liệu hiện thực, chất liệu văn hóa, đưa thể loại trở về gần gũi với hiện thực đời sống, không khí thời đại, góp phần Việt hóa thể loại vốn có nguồn gốc từ văn học Trung Hoa. Với những đóng góp và vai trò như trên,
Tang thương ngẫu lục có một vị trí xứng đáng trong tiến trình vận động, phát triển của thể loại văn ký sự nói riêng, văn xuôi nói chung trong văn học Việt Nam thời trung đại. Và bản đồ thể loại ký sự cũng như bản đồ văn xuôi trung đại Việt Nam không thể không có tác phẩm này cũng như tên hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án.
Tiểu kết chương 1
Văn học là thành tố đặc biệt cấu thành nên chỉnh thể văn hóa. Giữa văn học và văn hóa có mối quan hệ hết sức mật thiết. Văn hóa được xem là kho tàng chất liệu, nguồn cảm hứng, hệ giá trị cho văn học. Đến lượt mình, văn học được xem là công cụ bảo tồn, lưu truyền văn hóa, góp phần làm cho nền văn hóa mỗi dân tộc trở nên phong phú, đặc sắc. Do đó, nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa là hướng nghiên cứu đầy triển vọng trong hiện tại và tương lai.
Là tác phẩm nổi tiếng của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục là tập truyện đạt được nhiều thành tựu, có vị trí nhất định trong tiến trình vận động và phát triển của thể loại văn ký sự nói riêng, văn xuôi Việt Nam thời trung đại nói chung. Tác phẩm này mang nhiều giá trị, trong đó có việc phản ánh một cách sinh động, chân thực nhiều phương diện của đời sống văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Nghiên cứu Tang thương ngẫu lục từ góc nhìn văn hóa vì thế là hướng tiếp cận khả dĩ, hứa hẹn
CHƯƠNG 2
DẤU ẤN VĂN HÓA TRONG TANG THƯƠNG NGẪU LỤC
NHÌN TỪ HỆ THỐNG CHỦ ĐỀ