6. Cấu trúc của luận văn
2.3.2. Sinh hoạt học thuật
Bên cạnh sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt học thuật cũng là một phương diện của đời sống văn hóa. Trong từng thời kỳ lịch sự khác nhau, hoạt động sinh hoạt học thuật của một dân tộc, một cộng đồng cũng mang những đặc thù khác nhau. Trong giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn, một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử dân tộc, hoạt động sinh hoạt học thuật cũng có những đặc điểm riêng thể hiện rõ dấu ấn thời đại.
Trong Tang thương ngẫu lục, nhiều hoạt động sinh hoạt học thuật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan được Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án ghi chép một cách khá sinh động, chân thực. Trong đó, chủ yếu là các hoạt động đi học, đi thi, vinh quy bái tổ của các nho sĩ; hoạt động thi thố, xướng họa, đối đáp văn chương của các văn nhân, trí thức đương thời… Chẳng hạn, ở truyện Ma Đồng Xuân, việc các sĩ tử lên đô thành thuê trọ để ôn thi chờ ngày thi hội
được nhắc đến thông qua câu chuyện của ông Trần Văn Vỹ: “Ông Trần Văn Vỹ, người làng Từ Ô, khi thi hội, trọ ở phường Đồng Xuân, nhà cũ của viên nội thần quận Báu […]. Ngày đêm đọc sách mải miết” [21; tr.38].
Một trong những hoạt động quan trọng của nền giáo dục thời trung đại là thi cử để tuyển chọn nhân tài bổ làm quan, ra làm việc giúp triều đình, phục vụ đất nước. Trong đó, quan trọng nhất là là ba kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Trong Tang thương ngẫu lục, có một số kỳ thi được nhắc đến. Đặc biệt, trong
tác phẩm này có hẳn một truyện là Thi nội viết riêng về các kỳ thi hội ở nước ta thời Lê Trung Hưng đến cuối thời chúa Nguyễn. Ở truyện này, tác giả Tùng Niên đã thuật lại một cách chi tiết, chân thực hoạt động tổ chức kỳ thi hội như sau: “Từ hồi Trung Hưng trở về sau, mỗi khi gặp khoa thi hội, ngày vào trường thứ nhất, sáng sớm từ đầu trống canh năm, trong ngoài đã phải chỉnh tề nghiêm túc đâu đấy. Từ mờ sáng, tiền hô hậu ủng, Hoàng thượng ngự đến điện Giảng sách, hoặc gọi là điện thi. Soái phủ đến trước ngự tọa làm lễ tham yết […]. Trăm quan đội mũ phốc đầu, mặc áo bổ phục, đi hia, đóng đai chững chạc, chầu hầu chung quanh. Thị thần soạn đầu bài thi, tiến trình, rồi quan Khâm sai chịu mệnh đi ra cửa, ngồi kiệu che lọng vào trường, ra đầu bài thi. Gần trưa thì ngự giá về cung. Đến trường thứ hai, trường thứ ba, trường thứ tư, thì Soái phủ đi thay” [21; tr.135]. Có thể nói, đây là những tư liệu rất giá trị về hoạt động tổ chức thi cử, khoa bảng của nền giáo dục nước ta trong thời phong kiến nói chung, thời Lê - Trịnh nói riêng.
Trải qua cả ba kỳ thi hương, hội, đình, những người thi đỗ trở thành tân khoa tiến sĩ, được triều đình yết tên bảng vàng và cho vinh quy bái tổ. Đây là hoạt động nhằm vinh danh các sĩ tử tài cao, đức trọng. Đối với con người thời trung đại, việc thi thố đỗ đạt cao, được vinh quy bái tổ là vinh dự lớn lao không chỉ đối với bản thân mà còn đối với cả gia đình, dòng họ, quê hương. Ở truyện Dương Bang Bản, tác giả nhắc đến sự kiện này: “Lớn lên, công tử đỗ tiến sĩ. Khi vinh quy, người làng bảo nhau: -‘Anh chàng ở đâu, sao lại đến làng ta?. Công tử nghe nói, dò hỏi những người thân cố, mới biết được gốc rễ” [21; tr.90]. Tiếc rằng, có lẽ tác giả cho là lễ vinh quy bái tổ người đời ai cũng rõ, nên đã không ghi chép chi tiết các hoạt động trong lễ này.
Nổi bật trong Tang thương ngẫu lục là những câu chuyện về thi thố tài năng, xướng họa văn chương giữa các văn nhân, trí thức, sĩ tử. Tác phẩm có nhiều truyện ghi lại những cuộc đối đáp, xướng họa văn thơ giữa các trí thức,
văn nhân tiêu biểu đương thời. Chẳng hạn, ở truyện Ông Nguyễn Công Hoàn,
tác giả Tùng Niên ghi lại câu chuyện thi tài giữa ông Nguyễn Công Hoàn và ông Lê Văn Tuấn: “Ông Lê Văn Tuấn, người cùng huyện, thuở nhỏ với ông là bạn vong niên. Gặp kỳ khảo ở huyện, ông Lê trúng nhất, ông trúng thứ hai. Ông đem văn ra so sánh, nhất định không chịu mình kém. Ông Lê đỗ, rồi làm quan; ông không chơi với nữa” [21; tr.71]. Có điều này là bởi ông Nguyễn Công Hoàn “có tiếng văn hay một thời. Đối với ai, ông cũng nhã nhặn, lịch sự, nhưng về chữ nghĩa thì không nhường ai bao giờ. Thiên tính của ông là như vậy” [21; tr.71].
Trong tập truyện, còn có những cuộc đối đáp thơ văn nổi tiếng của nhiều danh sĩ đương thời khác. Trong đó, tiêu biểu là cuộc khẩu chiến giữa nữ sĩ Đoàn Thì Điểm và anh trai Đoàn Luân cùng nhà thơ Đặng Trần Côn đã trở thành giai thoại nổi tiếng trong văn học trung đại Việt Nam: “Bà nổi tiếng là người văn học cùng anh vui trong thú nghiên bút. Nghiễm nhiên, hai anh em trở thành đối thủ về văn chương với nhau. Một buổi tối, bà ngồi trước đài trang tô điểm, ông Đoàn thì rửa tay ở trên cầu ao. Đông Đoàn khẩu chiến rằng: -‘Chiếu kính họa my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm’. Bà liền đối ngay: -‘Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân’. Ông Đặng Trần Côn mến tiếng, đưa thơ đến xin được vào thăm. Bà cười mà rằng: -‘Cậu học trò mới học ấy, bõ gì nói chuyện’. Ông Đặng tức giận trở về, cố chí mài dũa học hành. Sau trở thành một bậc danh sĩ” [21; tr.111-112].
Nhìn chung, so với giai đoạn trước, không khí sinh hoạt học thuật ở nước ta thời cuối Lê đầu Nguyễn có phần không sôi nổi bằng. Có điều này là bởi thời kỳ lịch sử này có nhiều biến động, xã hội loạn lạc, chiến tranh liên miên, học hành thi cử không còn được chú trọng như trước. Tuy nhiên, qua những gì được ghi lại trong Tang thương ngẫu lục, ta vẫn có thể hình dung phần nào không khi sinh hoạt học thuật của người Việt lúc bấy giờ. Đây là một trong những tư liệu quan trọng để nghiên cứu về giáo dục, thi cử và đời sống học thuật của người Việt ở thế kỷ XVIII.
Tiểu kết chương 2
Tóm lại, trên phương diện nội dung, có thể thấy Tang thương ngẫu lục
đã phản ánh một cách sinh động, chân thực và cụ thể nhiều chủ đề của đời sống văn hóa Việt Nam trong giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần; những sinh hoạt văn hóa nói chung đến sinh hoạt học thuật nói riêng; từ danh nhân, danh thắng, di tích đến phong tục, tập quán… Có thể từng phương diện ấy có mức biểu hiện đậm nhạt khác nhau nhưng tất cả góp phần quan trọng vào việc phục dựng bức tranh văn hóa của nước ta thế kỷ XVIII.
Dưới góc nhìn văn hóa, có thể thấy, Tang thương ngẫu lục là tác phẩm
đậm chất văn hóa và các tác giả đã tiếp cận văn hóa trong quá trình sáng tác với tâm thế chủ động, tích cực. Những phương diện của đời sống văn hóa nước ta bấy giờ đi vào tác phẩm Tang thương ngẫu lục không phải bằng con
đường tự phát, ngẫu nhiên. Đó là mạch nguồn thẳm sâu của truyền thống văn hóa được khơi nguồn bởi những nhà văn giàu hiểu biết và tâm huyết về văn hóa. Chính điều này đã giúp cho tác phẩm mang nhiều giá trị văn hóa sâu sắc, góp phần bảo lưu, truyền tải văn hóa của nước nhà và có sức sống lâu bền cùng một vị trí nhất định trong đời sống văn hóa dân tộc.
CHƯƠNG 3
DẤU ẤN VĂN HÓA TRONG TANG THƯƠNG NGẪU LỤC
NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN