Huyện Vân Canh được tái lập ngày 24/8/1981 do tách ra từ huyện Phước Vân cũ, ban đầu gồm 4 xã: Canh Hiệp, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Liên. Ngày 23/9/1981, chuyển 2 xã Canh Hiển và Canh Vinh (tách ra từ xã Phước Thành) thuộc huyện Tuy Phước về huyện Vân Canh quản lý.
Vân Canh là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km, dựa lưng vào những khối đá núi kết tinh đồ sộ của cao nguyên Gia Lai – KonTum. Với diện tích đất tự nhiên 79.797 ha, Vân Canh hiện có 6 xã và 1 thị trấn; trong đó có 3 xã đặc biệt khó khăn là Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Liên và 2 xã nghèo của tỉnh là Canh Hiển và Canh Thuận.
Vân Canh có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi. Nam giáp huyện Đồng Xuân (Phú Yên), bắc giáp 2 huyện An Nhơn và Tây Sơn, tây giáp huyện Kông Chơro (Gia Lai), và phía đông là huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Do vậy, Vân Canh cùng với Vĩnh Thạnh, tựa như một hành lang lớn giữa bắc Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ án ngữ đèo An Khê.
Trong những năm qua, huyện Vân Canh đã phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, sáng tạo. Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định: Trong 5 năm qua Đảng bộ và nhân dân huyện Vân Canh tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu cơ bản đã đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Tổng giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân hàng năm
14,98%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: nông - lâm - thủy sản 58,9%, công nghiệp - xây dựng 33,4%, thương mại - dịch vụ 7,7%; so với năm 2015, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản giảm 16,85%, công nghiệp - xây dựng tăng 21,38%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 29,5 triệu đồng/năm, gấp 1,9 lần so với năm 2015 và đạt 80% so Nghị quyết. Thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn ước đạt 72 tỷ đồng, tăng bình quân 37,34%/năm.
Nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá: cơ cấu sản xuất chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của địa phương và gắn với nhu cầu của thị trường; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 ước đạt 902,6 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 12,32%. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm bình quân là 3.291,2 ha; sản lượng cây lương thực có hạt bình quân đạt 11.283,4 tấn/năm, đạt 86,8% so Nghị quyết Đại hội đề ra. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên một ha diện tích canh tác đạt 54,7 triệu đồng/năm, tăng 0,15 triệu đồng so với năm 2015. Số lượng, chất lượng vật nuôi tiếp tục được nâng lên; đàn bò 15.423 con, tỷ lệ bò lai chiếm 57% so với tổng đàn, tăng 5% so với năm 2015; heo 10.136 con, tăng gần 2.000 con so với năm 2015; dê 2.745 con, tăng hơn 1.000 con so với năm 2015; gia cầm 59.300 con, tăng hơn 9.000 con so với năm 2015.
Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Bình quân diện tích rừng trồng lại hàng năm trên đất lâm nghiệp đạt 2.150 ha; năng suất, chất lượng, doanh thu và lợi nhuận trên mỗi ha rừng ngày càng cao. Đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 706,4 tỷ đồng, tăng bình quân 16,0%/năm. Các biện pháp phát triển rừng bền vững, nhất là khu vực đầu nguồn các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được chú trọng. Năm 2020, tổng diện tích rừng ước đạt 53.600 ha; trong đó, rừng trồng 15.600 ha; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 70,6% (vượt 4,71% so với Nghị quyết Đại hội đề ra).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện nghiêm túc. Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình gần 200 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp từ chương trình gần 70 tỷ đồng, số còn lại là các nguồn lồng ghép và huy động từ nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 03 xã đạt trên 10 tiêu chí, 03 xã đạt từ 6 đến 9 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng được đầu tư mở rộng. Cụm công nghiệp Canh Vinh quy mô 60 ha, đã có 03 doanh nghiệp triển khai dự án sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 12,8%. Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh quy mô 17 ha, có 05 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 94,1% và đã mở rộng thêm 20 ha. Dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex - Bình Định trên địa bàn xã Canh Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng năm 2020 ước đạt 512 tỷ đồng; bình quân hàng năm tăng 19,4%.
Thương mại, dịch vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Năm 2020, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ ước đạt 118 tỷ đồng, tăng bình quân 20,47%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 345 tỷ đồng, tăng bình quân 15,9%/năm. Dịch vụ vận tải phát triển, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách. Dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, mở rộng, mạng Internet đã phủ sóng 100% xã, thị trấn. Các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin …có bước phát triển.
Thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn đạt và vượt kế hoạch đề ra, mức tăng bình quân mỗi năm ước đạt 37,34% (gấp 2,39 lần so Nghị quyết Đại hội đề ra). Hoạt động tín dụng - ngân hàng ngày càng mở rộng, các chương trình hỗ trợ tín dụng cho đối tượng chính sách được quan tâm, góp
phần phục vụ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Năm 2020, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội ước đạt 263 tỷ đồng, tăng 109 tỷ đồng; tổng dư nợ vốn vay tại Phòng giao dịch chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn ước đạt 310 tỷ đồng, tăng 205 tỷ đồng so với năm 2015.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được quan tâm thực hiện. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Vân Canh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đang triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết các khu chức năng và tiến hành thực hiện nhiệm vụ chỉnh trang thị trấn theo quy hoạch.
Kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: đường phía Tây huyện; đường giao thông liên làng, thôn, khu phố và khu định cư Kom Xôm xã Canh Liên, đường phía Tây tỉnh (ĐT 638); một số công trình trường học, y tế, nhà văn hóa, thuỷ lợi...Trong nhiệm kỳ, đã đầu tư 320 dự án với tổng giá trị 392,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương, tỉnh 363,4 tỷ đồng, ngân sách huyện 18,4 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ khác 10,9 tỷ đồng.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rà soát, giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho nhân dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Toàn huyện có 10 điểm mỏ khai thác khoáng sản với tổng diện tích được cấp phép là 43,88 ha.
Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ được triển khai thực hiện, đã kịp thời giúp
nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai ổn định sản xuất và đời sống [27].