Các nghiên cứu về Quy hoạch sử dụng đất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2008 – 2015 của quận cẩm lệ, thành phố đà nẵng (Trang 26)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

1.3 Các nghiên cứu về Quy hoạch sử dụng đất

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý đất đai; bảo đảm đất đai được quản lý thống nhất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được “luật hóa” và bắt đầu được triển khai chính thức từ Luật đất đai năm 1988. Trong hơn 20 năm qua, các quy định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý và trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lê Thị Phúc “Pháp Luật Về Quy Hoạch Sử Dụng Đất Qua Thực Tiễn Tại Tỉnh Thừa Thiên Huế” đã đóng góp một cách nhìn toàn diện, sâu sắc khoa học và thực tiễn về quy hoạch sử dụng đất tại Việt Nam.

Bằng việc phân tích đánh giá một cách có hệ thống các quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch sử dụng đất, đề tài Luận án có khả năng đóng góp những giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật quy hoạch sử dụng đất trong phạm vi cả nước và tỉnh Thừa Thiên Huế. Luận án đã có những tính mới trong việc luận giải, xây dựng những vấn đề cơ bản về pháp luật quy hoạch sử dụng đất. Từ góc độ lí luận, luận án xác định nội dung, hình thức điều chỉnh của pháp luật quy hoạch sử dụng đất ở nước ta chịu sự chi phối của các yếu tố như chính trị, kinh tế, văn hóa... Luận án đã tìm hiểu so sánh pháp luật quy hoạch sử dụng đất Việt Nam với một số quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Từ đó gợi mở cho việc điều chỉnh pháp luật đối với quy hoạch đất ở Việt Nam.

Đề tài “Quy hoạch sử dụng đất Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và Hội nhập”của tác giả Tôn Gia Huyên đã nêu bật được thực trạng quy hoạch sử dụng đất Việt Nam từ năm 1987 đến năm 2007, các thành tựu đã đạt được và những tồn tại hạn chế về quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam: Công tác quy hoạch sử dụng đất của các cấp, các ngành đã bước đầu đi vào nền nếp, trở thành cơ sở quan trọng để định hướng cho phát triển thống nhất và đồng bộ; trở thành công cụ để quản lý, và cũng trở thành phương tiện để đảm bảo sự đồng thuận xã hội; quy hoạch sử dụng đất đã tích cực hỗ trợ cho phát triển kinh tế được cân đối nhất là trong quá trình phát triển các khu công

nghiệp, khu dân cư mới, khu đô thị mới trên phạm vi cả nước; có tác dụng tích cực trong việc điều tiết thị trường, góp phần ổn định giá đất, tạo cơ sở thực tế cho các cuộc giao dịch về đất đai và tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất…; những tồn tại chủ yếu trong công tác quy hoạch sử dụng đất là: Nhận thức chưa đồng đều, độ đồng thuận chưa cao; quy hoạch sử dụng đất chưa thực sự được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất... ; việc chuyển đổi số lượng lớn đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp trong một thời gian ngắn, nhất là tại các vùng trồng lúa có điều kiện canh tác tốt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện mà thiếu cân nhắc đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội - môi trường lâu dài đã tác động tiêu cực sản xuất và đời sống của một bộ phân nông dân và đe doạ mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, tác giả Tôn Gia Huyên còn đưa ra những đề xuất, quan điểm định hướng quy hoạch sử dụng đất trong 10 đến 20 năm tới. Những đề xuất và định hướng trên bám sát thực tế phát triển của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, những tác động Việt Nam phải gánh chịu bởi sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tập trung chủ yếu vào các loại đất trồng lúa, đất lâm nghiệp, đất khu công nghiệp; đề xuất các nội dung đưa quy hoạch sử dụng đất gắn liền với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế.

Bài viết “Quản lý đất đai theo quy hoạch và vấn đề đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất” của Tiến sỹ Đặng Anh Quân đề xuất một số quyền lợi của người sử dụng đất trong công tác quy hoạch như: Cần cho phép và đảm bảo người sử dụng đất có quyền khiếu nại đối với công tác quy hoạch sử dụng đất; Đảm bảo quyền được thông tin, đóng góp ý kiến đối với quy hoạch sử dụng đất của người dân; Cần đảm bảo một dự án quy hoạch sử dụng đất trước khi được trình cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bắt buộc phải được đưa ra để nhân dân đóng góp ý kiến, và ngay khi đã được phê duyệt, phải tiếp tục nhanh chóng được công bố công khai đến người dân; Đảm bảo sự ổn định cuộc sống của người dân khi quy hoạch cũng là vấn đề cần có sự quan tâm điều chỉnh; Đối với việc thu hồi đất, pháp luật cần chú trọng đến công tác hậu bồi thường thông qua việc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể của các nhà đầu tư, trong đó, việc xây dựng khu tái định cư chất lượng phải được tiến hành trước khi nhà đầu tư xây dựng công trình để kinh doanh; Cho phép và đảm bảo người sử dụng đất có quyền khiếu nại đối với công tác quy hoạch sử dụng đất, nhất là trong trường hợp quyền được thông tin, đóng góp ý kiến của họ không được đảm bảo, hoặc quyền lợi của họ bị xâm phạm bởi chính các quy hoạch sử dụng đất không khả thi, hoặc chậm triển khai.

Chương 2

ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Mục tiêu nghiên cứu cụ thể

- Đánh giá kết quả và việc thực hiện Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2008 - 2010 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2008 – 2015.

- Xác định được những tồn tại và nguyên nhân.

- Nghiên cứu Luật đất đai 2013 dẫn đến những thay đổi trong công tác lập và thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.

- Đề xuất các giải pháp để nâng cao khả năng thực hiện công tác Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

2.2. Đối tượng nghiên cứu

- Phương án quy hoạch sử dụng đất của quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008-2020 đã được phê duyệt.

- Những số liệu và thông tin có liên quan đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất từ năm 2008 đến năm 2015 tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

- Cơ cấu đất đai quận Cẩm Lệ từ năm 2008 – 2015.

- Cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và người dân địa phương.

2.3. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi không gian: Đề tài được thực hiện tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. - Phạm vi số liệu:

+ Từ 2008 đến nay, các số liệu dự báo từ 2016-2020.

+ Số liệu thu thập tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND quận, phòng Quản lý đô thị, Văn phòng Thống kê và tại UBND 06 phường trên địa bàn quận. Số liệu thu thập thông qua các Báo cáo hằng năm, Niên giám thống kê, Kết quả thống kê – kiểm kê đất đai.

- Phạm vi thời gian: + Từ 2008 đến nay, các số liệu dự báo từ 2016-2020.

2.4. Nội dung nghiên cứu:

- Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.

- Đánh giá việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất quận Cẩm Lệ theo từng giai đoạn đến năm 2010 và đến năm 2015.

- Đánh giá việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015 quận Cẩm Lệ.

- Đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất quận Cẩm Lệ đến năm 2020 dựa vào phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 của quận Cẩm Lệ.

2.5. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện đề tài này các phương pháp sau đây đã sử dụng :

2.5.1. Phương pháp điều tra thu thập số liệu

Phương pháp này được ứng dụng để điều tra thu thập số liệu, dữ liệu, dữ kiện thông tin cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu: số liệu điều tra về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, các phương án quy hoạch kỳ trước,…

- Điều tra, thu thập số liệu thứ cấp: Gồm điều tra, thu thập các báo cáo tổng kết năm, các báo cáo về tình hình triển khai các dự án, các báo cáo chuyên đề về quản lý đất đai, niên giám thống kê của quận Cẩm Lệ; các báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ qua các năm của Phòng Tài nguyên và Môi trường và của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh Cẩm Lệ.

- Điều tra thu thập số liệu sơ cấp: Gồm việc thu thập các số liệu từ sổ quản lý chuyển mục đích, sổ quản lý đơn thư, sổ quản lý thế chấp, số liệu quản lý công tác thu hồi đất và các thông tin trong công tác triển khai các dự án trên địa bàn quận,...

- Thu thập thông tin qua phỏng vấn các chuyên gia, các nhà quản lý: Gồm việc phỏng vấn cán bộ địa chính các phường về các nguyên nhân biến động đất đai; phỏng vấn các chuyên gia, các nhà quản lý cho ý kiến về các biến động sử dụng đất, về việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai của quận Cẩm Lệ. Việc thu thập thông tin này theo hình thức tác giả trao đổi với các cá nhân về các nội dung cần thu thập thông tin, sau đó tổng hợp các thông tin vào đề tài.

2.5.2. Phương pháp sử dụng bản đồ

Đây là phương pháp đặc thù của công tác quy hoạch sử dụng đất. Để thực hiện đề tài, cần tiến hành thu thập các bản đồ có liên quan như:

- Bản đồ quy hoạch sử dụng đất quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 - 2020 đã được phê duyệt.

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng các năm 2008, 2010, 2012, 2014.

- Bản đồ quy hoạch của các ngành, lĩnh vực (bản đồ quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, khớp nối các đồ án quy hoạch...).

2.5.3. Phương pháp kết hợp định tính và định lượng

Thực hiện theo trình tự từ phân tích định tính, nghiên cứu đánh giá hiện trạng sử dụng đất, phát hiện những vấn đề tồn tại và xu thế phát triển. Trên cơ sở những thông tin thu thập được sẽ lượng hóa bằng phương pháp số học, để thấy được mối quan hệ tương hỗ giữa sử dụng đất và phát triển.

2.5.4. Phương pháp xử lý thống kê, phân tích, tổng hợp số liệu

Các số liệu thu thập trong quá trình nghiên cứu đề tài được tổng hợp bằng phương pháp xử lý thống kê trên phần mềm Excel. Tổng hợp dữ liệu, tài liệu, hệ thống lại các tài liệu nhằm phân tích, đánh giá các vấn đề cần nghiên cứu.

Chương 3

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1 Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

* Vị trí địa lý

Quận Cẩm Lệ được thành lập vào ngày 5/8/2005 theo Nghị định số 102/2005/NĐ-CP của Chính phủ gồm có 6 phường: Khuê Trung, Hoà Thọ Tây, Hoà Thọ Đông, Hoà Phát, Hoà An, Hoà Xuân.

Tổng diện tích tự nhiên 3.525,27 ha, dân số trung bình 104.668 người, mật độ dân số trung bình 2.969 người/km2. (theo số liệu niên giám thống kê năm 2014).

Xét về mặt địa lý, Quận Cẩm Lệ nằm ở phía Tây - Nam thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 7 km, tiếp giáp với 5 quận huyện khác của Thành phố:

- Phía Bắc giáp quận Liên Chiểu và quận Hải Châu.

- Phía Nam giáp huyện Hoà Vang và Quận Ngũ Hành Sơn - Phía Đông giáp quận Hải Châu và Quận Thanh Khê. - Phía Tây giáp huyện Hoà Vang và quận Liên Chiểu.

Mặt khác, quận Cẩm Lệ nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam là một trong những địa bàn trọng tâm phát triển không gian đô thị của thành phố, trên địa bàn có nhiều trục lộ giao thông chính quốc lộ 1A, quốc lộ 14B, các tuyến giao thông nối liền với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa...; có các công trình hạ tầng để phát triển kinh tế như: Khu công nghiệp, cụm kho tàng, khu du lịch sinh thái... nên có nhiều thuận lợi trong phát triển các ngành kinh tế.

* Địa hình

Cẩm Lệ là vùng đồng bằng, có địa hình đa dạng, hướng dốc chính từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

Khu vực đồi núi phân bố tập trung ở phường Hoà Thọ Tây và một phần ở phường Hoà Phát, hầu hết là đồi núi thấp xen kẽ với các cánh đồng nhỏ.

Vùng đồng bằng tương đối bằng phẳng, chiếm phần lớn diện tích toàn quận, có độ cao trung bình từ 2- 10m, phân bố đều khắp các phường

* Khí hậu

Khí hậu quận Cẩm Lệ cũng giống như khí hậu chung của Thành phố Đà Nẵng đó là nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nền nhiệt độ cao và ít biến động. Chế độ ánh sáng, mưa ẩm phong phú, có lượng mưa hằng năm cao. Lượng mưa trung bình năm 304 mm, tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 11 (1.218,0 mm), tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 2 (5,8 mm). Nhiệt độ trung bình năm khá cao khoảng 26oC, nhiệt độ tháng cao nhất có thể đến 31oC và thấp nhất là 21oC. Độ ẩm trung bình năm 82%, phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp.

Là nơi chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam và tính trội là khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía Nam. Có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 (chiếm 70-80% lượng mưa cả năm) và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7, thỉnh thoảng có đợt không khí lạnh nhưng không rét đậm và kéo dài. Lượng bức xạ lớn thuận lợi về phát triển nông nghiệp. Vào mùa hè mưa ít, nền nhiệt độ cao thường gây

hạn hán tại một số nơi trong huyện.

Là quận nằm khá xa bờ biển nên không chịu ảnh hưởng trực tiếp về gió bão.

* Tài nguyên đất

Tổng diện tích tự nhiên của quận Cẩm Lệ sau khi điều chỉnh địa giới hành chính là 3.525,27 ha. Trong đó, đất nông nghiệp có diện tích 375,15 ha, chiếm 10,64% tổng diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp có diện tích 3.038.73 ha chiếm khoảng 86,20% và đất chưa sử dụng có diện tích 111,39 ha chiếm khoảng 3,16% trên tổng diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình hình biến động đất đai diễn ra khá lớn do Cẩm Lệ là quận có nhiều dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị của thành phố. Tính đến cuối năm 2015, tổng số dự án được quy hoạch trên địa bàn quận là: 88 dự án với tổng diện tích quy hoạch 2363,50 ha

* Tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn quận có 2 loại tài nguyên để khai thác phục vụ cho xây dựng là tài nguyên về cát và đá.

Cát trên sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện với trữ lượng được xác định trên 15.000.000 m3.

Đá tại núi Phước Tường thuộc phường Hoà Phát và Hoà An, trữ lượng được xác định trên 4.500.000 m3

.

Chất lượng cát và đá được đánh giá là khá tốt để phục vụ cho công nghiệp xây dựng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2008 – 2015 của quận cẩm lệ, thành phố đà nẵng (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)