6. Phương pháp nghiên cứu
2.3.2. Nội dung năng lực tài chính các NHTMCP
Dựa trên cơ sở lý luận về năng lực tài chính NHTMCP của các tác giả Peter S.Rose (2004); Nguyễn Việt Hùng (2018); Phan Thị Hằng Nga (2013); Phan Thị Hằng Nga & Hoàng Thái Hưng (2013); Nguyễn Thu Hiền (2012); Phạm Thị Vân Anh (2012); Nguyễn Văn Thụy (2015), nội dung năng lực tài chính các NHTMCP bao gổm:
Thứ nhất: Năng lực tài chính thể hiện khả năng tạo lập nguồn vốn của NHTMCP.
Nguồn vốn của NHTMCP là toàn bộ nguồn tiền tệ mà ngân hàng tạo lập và huy động được để cho vay, đầu tư và thực thi các dịch vụ ngân hàng. Đối với một NHTMCP, nguồn vốn là một căn cứ pháp lý khi bắt đầu hoạt động, đồng thời quy mô và cơ cấu của nguồn vốn ngân hàng có tính quyết định đến quy mô, cơ cấu cho vay, đầu tư cũng như khả năng cung cấp dịch vụ ngân hàng. Hơn nữa, khả năng tạo lập nguồn vốn còn nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản của một NHTMCP. Xét trên góc độ vĩ mô, nguồn vốn của NHTMCP có ý nghĩa quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế. Cho dù ở nhiều nền kinh tế, bên cạnh nguồn vốn huy động qua hệ thống ngân hàng còn nguồn vốn được tập trung qua kênh thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với tính chất kinh doanh của mình, các NHTMCP dễ dàng thu nhận và “khai thác triệt để” nguồn tiền nhàn rỗi của mọi chủ thể để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế.
Bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, khả năng tạo lập nguồn vốn của NHTMCP còn thể hiện ở quy mô vốn huy động mà ngân hàng thu nhận được. Bằng mạng lưới và các biện pháp thích hợp, NHTMCP huy động những nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của mọi chủ thể trong nền kinh tế để hình thành lên quỹ sử dụng vốn của mình. Mục tiêu của mỗi NHTMCP là huy động vốn đáp ứng đủ nhu cầu dự trữ, cho vay và đầu tư với một chi phí hợp lý nhằm thực hiện mục tiêu an toàn và tìm kiếm lợi nhuận.
Thứ hai: Năng lực tài chính của NHTMCP còn thể hiện ở khả năng “sử dụng vốn”
Nếu nguồn vốn mà NHTMCP tạo lập được thể hiện yếu tố “tiền đề” cho hoạt động của ngân hàng thì khả năng sử dụng vốn lại được coi là yếu tố “quyết định” đến kết quả hoạt động của một NHTMCP. NHTMCP có thể sử dụng vốn tạo lập được để cho vay, đầu tư hay hiện đại hóa công nghệ ngân hàng nhằm gia tăng chất lượng của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cung cấp. Cơ cấu nắm giữ tài sản có của NHTMCP
tùy thuộc vào mục tiêu sinh lời, an toàn thanh khoản cũng như mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng. Khả năng sử dụng vốn của NHTMCP trước tiên thể hiện ở quy mô các khoản cho vay, thông thường các khoản cho vay chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng tài sản có của ngân hàng. Tuy nhiên, do đặc điểm cho vay có tính rủi ro cao, nên xu hướng chuyển dịch phổ biến hiện nay là giảm tỷ trọng khoản mục cho vay trong cơ cấu tài sản có của NHTMCP. Không chỉ thể hiện ở quy mô cho vay, khả năng sử dụng vốn của NHTMCP còn thể hiện ở chất lượng các khoản vay, đây là một trong những đòi hỏi khó nhất đối với “nghệ thuật” quản lý của NHTMCP, từ xác định thị trường khách hàng mục tiêu, đến khả năng thẩm định, giám sát sử dụng tiền vay là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của khoản vay.
Với yêu cầu phân tán rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận, NHTMCP sử dụng một phần vốn tạo lập được để thực hiện các hoạt động đầu tư. Khả năng sử dụng vốn cho mục đích này thể hiện ở hiệu quả từ các khoản đầu tư mang lại và việc chấp hành quy định pháp luật cũng như giới hạn an toàn trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng.
Thứ ba: Năng lực tài chính thể hiện khả năng thực hiện mục tiêu lợi nhuận trong kinh doanh của NHTMCP.
Cũng giống như bất kỳ một doanh nghiệp nào, lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng trong hoạt động kinh doanh của NHTMCP. Lợi nhuận vừa là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh, vừa là yếu tố tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của NHTMCP. Lợi nhuận là điều kiện quan trọng đảm bảo khả năng thanh toán cũng như khẳng định uy tín của ngân hàng trên thị trường. Chính vì vậy, năng lực tài chính thể hiện khả năng mà NHTMCP thực hiện mục tiêu lợi nhuận trong kinh doanh của mình.
Thứ tư: Năng lực tài chính của NHTMCP còn bao hàm khả năng an toàn tài chính
Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh dựa trên chữ “tín”, nên an toàn tài chính là điều kiện sống còn của một NHTMCP. Khả năng tạo lập và sử dụng vốn thể hiện mức độ an toàn hoạt động của một NHTMCP. Nếu ngân hàng thực hiện tốt khả năng tạo lập và sử dụng vốn thì độ an toàn của NHTM đó sẽ được đảm bảo và ngược lại. Mặt khác, do tính chất kinh doanh đặc biệt nên hoạt động ngân hàng có tính phản ứng “dây chuyền”, vì vậy an toàn hoạt động ngân hàng có tính hệ thống. Do đó, khi nói đến năng lực tài chính của NHTMCP, nó hàm chứa cả mức độ đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Đây cũng chính là điểm thể hiện sự khác biệt giữa nội dung năng lực tài chính của NHTMCP so với các doanh nghiệp khác.
Thứ năm: Năng lực tài chính không những thể hiện sức mạnh tài chính hiện tại
mà còn thể hiện sức mạnh tài chính tiềm năng, triển vọng và xu hướng phát triển trong tương lai của NHTMCP đó.
Khi đánh giá năng lực tài chính của một NHTMCP, người ta thường xem xét trong một khoảng thời gian hay một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, năng lực tài chính không chỉ thể hiện sức mạnh tài chính của NHTMCP hiện tại, bởi lẽ ở góc độ nguồn lực, năng lực tài chính được coi là “bàn đạp” để các NHTMCP mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của mình trong tương lai.
Kết luận: Với những nội dung hàm chứa trên, có thể hiểu một cách trọn vẹn hơn về
năng lực tài chính của NHTMCP như sau: “Năng lực tài chính của NHTMCP là khả năng tạo lập nguồn vốn và sử dụng vốn đểđáp ứng tối đa nhu cầu trong quá trình hoạt động kinh doanh nhằm thưc hiện mục tiêu đặt ra của NHTMCP. Năng lực tài chính của NHTMCP được thể hiện ở quy mô vốn tự có, quy mô và chất lượng vốn huy động, chất lượng tài sản, khả năng sinh lợi và đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh”.