6. Phương pháp nghiên cứu
2.1.2. Tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần
2.1.2.1. Quan niệm về tài chính
Đối với quan niệm về tài chính, đã có rất nhiều tác giả định nghĩa với nhiều ý
kiến khác nhau. Nghiên cứu sinh đã tổng hợp được quan điểm về tài chính của một số tác giả điển hình sau:
Ngô Kim Phượng (2010) nhận định rằng tài chính là phạm trù kinh tế có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế.
Ở một nhận định khác, tài chính còn biểu thị vốn dưới các dạng tiền tệ, nghĩa là ở dạng các khoản có thể vay mượn hay đóng góp vốn thông qua thị trường tài chính hay các định chế tài chính. Nói cách khác tài chính phản ánh hoạt động mà các cá nhân, công ty và tổ chức tạo lập tiền tệ và sử dụng nguồn tiền tệ để đáp ứng những nhu cầu phát triển khác nhau (David W.Pearce, 1999).
Còn theo Nguyễn Năng Phúc (2011b) thì tài chính thể hiện ra là sự vận động của vốn tiền tệ diễn ra ở mọi chủ thế của xã hội. Quan điểm này cũng có điểm tương đồng với tác giả David W.Pearce (1999).
Theo nhận định của nghiên cứu sinh, khái niệm tài chính có thể hiểu một cách tổng quát: “Tài chính là sự vận động của vốn tiền tệ diễn ra ở mọi chủ thể trong xã hội, nó phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế nảy sinh trong phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể trong xã hội”.
Tài chính NHTMCP
NHTMCP là một tổ chức tài chính trung gian, hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ. Hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền gửi của khách hàng với trách nhiệm hoàn trả, sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện nhiệm vụ chiết khấu và cung ứng các dịch vụ thanh toán. Như vậy, NHTMCP là một doanh nghiệp đặc biệt kinh doanh quyền sử dụng hàng hoá tiền tệ, thực hiện các chức năng: trung gian tín dụng, trung gian thanh toán và cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Hoạt động kinh doanh: đi vay (mua vốn) và cho vay (bán vốn) của NHTMCP để tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất đã làm xuất hiện các luồng tiền tệ đi vào và đi ra khỏi NH, tạo thành sự vận động của các luồng tài chính trong NHTM.
Chính sự vận động của các luồng tiền tệ trong ngân hàng đã làm nảy sinh các mối quan hệ kinh tế trong kinh doanh gắn liền với việc tạo lập, phân phối và sử dụng các qũy tiền tệ của ngân hàng
Từ đó, tác giả luận án cho rằng, tài chính NHTMCP là sự vận động của các nguồn tài chính. Các nguồn tài chính này gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
2.1.2.2. Đặc điểm tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần
Peter S.Rose (2004) cho rằng đặc điểm kinh doanh của NHTMCP đã quyết định đến đặc điểm tài chính của NHTMCP như sau:
Một là: Tài chính NHTMCP có tính nhạy cảm cao phụ thuộc môi trường kinh doanh
Yếu tố đầu vào và đầu ra của hoạt động kinh doanh ngân hàng đều là tiền. Đó là dòng tiền phát sinh từ các nghiệp vụ tài chính thuần tuý: vay hoặc cho vay trong NHTMCP. Đây là dòng tiền vận động độc lập, không có đối trọng với dòng hàng hoá dịch vụ. Sự vận động này rất nhạy cảm, phụ thuộc vào khách hàng của quá trình kinh doanh. Khách hàng có gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng mới huy động được vốn (đầu vào tài chính) và mới có nguồn vốn để cho vay. Khách hàng muốn vay vốn của ngân hàng thì ngân hàng mới có thể cho vay (đầu ra tài chính). Khi luồng tiền vận động liên tục thì NHTMCP mới có thể tồn tại và thực hiện chức năng trung gian của mình.
Hai là: Tài chính NHTMCP phụ thuộc vào khả năng tạo tiền
Xuất phát từ chức năng tạo tiền là chức năng riêng có của NHTMCP mà tài chính NHTMCP có khả năng làm tăng lượng tiền (cho vay không bằng tiền mặt) hoặc có thể làm giảm lượng tiền (thu nợ không bằng tiền mặt) nhằm cung cấp phương tiện thanh toán cho nền kinh tế đồng thời tạo ra nguồn vốn quan trọng nhất phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. NHTMCP tạo tiền bằng cách tạo ra bút tệ (tiền ghi sổ), khả năng tạo tiền này chỉ có thể thực hiện được nếu vốn mà NHTMCP huy động được dưới hình thức tiền gửi đã cho vay được và số tiền cho vay đó phải luân chuyển trong hệ thống ngân hàng. Việc tạo tiền được phát sinh sau khi NHTMCP cho vay bằng chuyển khoản trong cùng một hệ thống NHTMCP. Đơn vị vay vốn được ghi nợ tài khoản cho vay, đơn vị cung ứng hàng hoá hoặc dịch vụ cho đơn vị cho vay được ghi có vào tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng. Như vậy trong trường hợp cho vay như trên, không có nguồn vốn nhưng NHTMCP vẫn có thể cho vay được. Đó là bản chất việc tạo tiền ghi sổ của NHTMCP. Các bút tệ thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nguồn tiền gửi mới do hệ thống ngân hàng tạo ra.
Ba là: Tài chính NHTMCP có kết cấu vốn đặc thù
Để có vốn hoạt động, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng nguồn vốn tự có là chính, vì vậy tỷ trọng vốn tự có tối thiểu phải đạt được 30% trong tổng nguồn
vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại, là trung gian tài chính, ngân hàng chủ yếu huy động vốn từ các thành phần kinh tế, vì vậy nợ là phần vốn chiếm tỷ lệ lớn nhất, thường từ 80-90% tổng vốn kinh doanh còn vốn tự có của ngân hàng lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (<10%). Như vậy, về phương diện vốn hoạt động, NHTMCP kinh doanh chủ yếu bằng vốn của người khác mà ngân hàng không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng với những điều kiện ràng buộc nhất định.
Bốn là: Một số hoạt động cơ bản của ngân hàng gắn liền với doanh nghiệp
Khách hàng là đối tượng chính trong hoạt động kinh doanh của NHTMCP. Nếu khách hàng có tiềm lực tài chính lớn thì đó là điều kiện để ngân hàng huy động được nhiều, đồng thời việc cho vay đầu tư sẽ có hiệu quả. Thông qua chức năng huy động vốn và phân phối vốn của mình, tài chính NHTMCP đã điều tiết vốn, chuyển vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành sản xuất kinh doanh bình thường không bị gián đoạn. Chính vì vậy, tư cách, năng lực hoạt động và sức mạnh tài chính của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định đến năng lực và sức mạnh tài chính của NHTMCP. Nếu doanh nghiệp đầu tư bị thua lỗ, tài sản nợ tài chính gia tăng, kết quả là các khoản tín dụng không thu hồi được sẽ kéo theo tình trạng tài chính của ngân hàng không lành mạnh.
Năm là: Tài chính NHTMCP luôn tiềm ẩn rủi ro lớn
Xuất phát từ phương thức “đi vay để cho vay”, NHTMCP tiến hành các hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn huy động của khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc tài chính NHTMCP có thể sẽ phải gánh chịu những rủi ro rất lớn từ cả hai phía: người cho ngân hàng vay và người đi vay của ngân hàng. Nếu huy động được vốn mà không cho vay được sẽ gây nên tình trạng ứ đọng vốn, chi phí kinh doanh cao vì ngân hàng vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Dòng tiền không vận động sẽ không tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng, thậm chí có thể lỗ. Hoặc nếu cho vay mà không thu hồi được nợ thì không những vốn tự có của ngân hàng mất mà ngân hàng còn có nguy cơ không hoàn trả được số tiền đã huy động của khách hàng dẫn đến mất khả năng thanh toán. Như vậy nếu khách hàng gặp rủi ro tài chính thì lập tức tài chính NHTMCP sẽ phải gánh chịu. Điều quan trọng là rủi ro tài chính NHTMCP có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, có nguy cơ lây lan làm suy giảm đến cả hệ thống ngân hàng, đẩy nền kinh tế vào suy thoái.