Biện pháp về quản lý thu chi ngân sách nhà nước huyện

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Biện pháp hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước (Trang 80 - 84)

3.2.3.1. Quản lý thu - chi ngân sách nhà nước huyện sao cho khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên của huyện.

- Tiếp tục rà soát lại tất cả các nguồn thu từ đất trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực có khả năng khai thác tăng thu như: Các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng; các doanh nghiệp, hộ cá nhân thuê đất; diện tích đất chưa đưa vào khai thác sử dụng, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tăng thu cho NS.

- Tổng kết, xây dựng đề án quản lý tổng thể đối với diện tích đất bãi bồi ven sông, ven biển. Theo số liệu thống kê năm 2015, toàn huyện hiện nay có 3.139 ha đất bãi bồi ven sông, ven biển bằng khoảng 16% diện tích đất tự nhiên của huyện Tiên Lãng. Các diện tích đất này được giao hoặc cho thuê trước năm 1993 chủ yếu sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (khoảng 80%). Diện tích đất được giao chiếm 70%. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các tổ chức, cá nhân theo các phương thức khác nhau, không đồng nhất, thậm chí trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài chính, dẫn đến thất thu NS. Nguồn lực này cần phải đưa vào quản lý chặt chẽ, thống nhất, theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người sử dụng đất và lợi ích của nhà nước.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của UBND huyện, hiện Tiên Lãng có khoảng 500ha mặt nước ven biển, có 5 cồn cát chưa được quản lý, khai thác, sử dụng để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đối với diện tích này, năm 2015 huyện đã tiến hành cho nuôi nhuyễn thể thử nghiệm và đã thành công bước đầu. Do vậy, cần phải xây dựng quy hoạch, đưa vào quản lý, sử dụng phát huy tiềm năng phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường và tăng thu cho ngân sách nhà nước.

- Tập trung phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch; cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến nông sản xuất khẩu.

- Tăng cường các giải pháp tăng các khoản thu từ đất như đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, diện tích đất xen kẹp phù hợp với quy hoạch; rà soát lại các dự án, các doanh nghiệp còn nợ đọng tiền sử dụng đất, đôn đốc thu nộp tiền vào NSNN. Trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, cần phải

có biện pháp đảm bảo sự công khai, minh bạch, đấu tranh chống các biểu hiện trục lợi.

3.2.3.2. Triệt để hơn, có giải pháp hữu hiệu hơn trong công tác thu thuế để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, hạn chế thất thu, nợ đọng thuế.

- Rà soát, quản lý tốt các đối tượng nộp thuế, đảm bảo quản lý 100% đối tượng nộp thuế. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương, các phòng, ban, ngành có liên quan điều tra, rà soát, quản lý đầy đủ, kịp thời các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế. Quản lý tốt các hoạt động đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, kê khai nộp thuế. Tăng cường quản lý chặt chẽ hóa đơn thuế giá trị gia tăng, có biện pháp mạnh chống mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép.

- Tổ chức rà soát kết quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hằng năm điều chỉnh sổ bộ thuế đất phi nông nghiệp đảm bảo chính xác, làm cơ sở để thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, không để thiếu sót, làm thất thu ngân sách nhà nước.

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ người nộp thuế tạo sự đồng thuận cao cũng như ý thức tuân thủ chính sách, pháp luật của người nộp thuế.

- Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, công khai hóa quy trình nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nợ đọng thuế, có biểu hiện kê khai doanh thu thấp để giảm nộp thuế; các doanh nghiệp, cá nhân thuê đất chây ỳ nộp tiền thuê đất; có biện pháp xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật.

3.2.3.3. Quản lý chặt chẽ chi thường xuyên, triệt để loại trừ chi khống, chi gian, chi lãng phí, trọng tâm là khâu tinh giản bộ máy hành chính nhà nước.

- Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng, gắn với tinh giản biên chế; trọng tâm là sáp nhập các đơn vị sự nghiệp thuộc huyện (Trung tâm TDTT, Trung tâm VHTT, Nhà văn hóa Thiếu nhi); sáp nhập thôn, tổ dân phố và xã không đủ điều kiện theo quy định; hợp nhất một số cơ quan của Đảng với cơ quan chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, đảm bảo tinh gọn bộ máy; giao nhiệm vụ cho một số công chức cấp xã đảm nhiệm các nhiệm vụ của cán bộ bán chuyên (văn phòng đảng ủy, cấp phó các đoàn thể chính trị - xã hội); nghiên cứu xây dựng đề án sáp nhập các trường học theo hướng trường phổ thông nhiều cấp.

- Các cấp, ngành, địa phương điều hành NS chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối NS các cấp; bố trí các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, trước hết đảm bảo chi lương, phụ cấp, trợ cấp, chi bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... và khả năng cân đối NS. Quản lý chặt chẽ các khoản chi từ nguồn NSNN, đảm bảo đúng dự toán được duyệt; nghiêm túc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cắt giảm một số khoản chi từ NSNN như chi tổ chức một số hội nghị, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành; khoán chi với một số khoản chi như công tác phí, điện thoại, văn phòng phẩm.

- Tiếp tục thực hiện giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc chủ động, hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đối với các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn theo Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố.

- Từng bước thay đổi cơ chế giao dự toán theo kết quả đầu ra, gắn với vị trí việc làm. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng NSNN; thực hiện khoán chi thường xuyên theo biên chế được giao; không bổ sung chi DTNS cho chi thường xuyên (trừ thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp và chế độ chính sách an sinh xã hội theo quy định).

3.2.3.4. Thực hiện nhiều phương thức mới để công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách.

- Công khai, minh bạch là một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý NSNN; là giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý NSNN. Công khai NSNN được quy định cụ thể tại Điều 15 Luận Ngân sách năm 2015. Đồng thời Luật Ngân sách cũng quy định giám sát NSNN của cộng đồng. Trong quản lý, sử dụng NSNN, các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện công khai, minh bạch.

- Trong những năm qua, việc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý ngân sách nhà nước đã được huyện quan tâm. Tuy nhiên, các thông tin được công khai vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời, mới chủ yếu công khai trong “nội bộ”. Về hình thức công khai cũng chủ yếu trong các kỳ họp của HĐND. Do vậy, thời gian tới huyện cần thực hiện việc công khai, minh bạch trong quản lý NSNN, phải coi trọng cả nội dung công khai và hình thức công khai; nhất là việc công khai trên cổng thông tin điện tử của huyện và các phương tiện thông tin theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai NSNN của UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Biện pháp hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước (Trang 80 - 84)