7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN
2.3.1.1. Từ ngữ chỉ thời gian gắn với biểu tượng Gió
Bằng tài năng sử dụng ngôn từ nghệ thuật chỉ thời gian, Văn Công Hùng không chỉ đem vào trong thơ hình ảnh của trăng, của sao, của cỏ cây hoa lá, mà trong thơ của ông cũng xuất hiện những biểu tượng độc đáo khi được đặt trong thời gian cụ thể hoặc khái quát đều giàu sức lôi cuốn. Trước hết đó là biểu tượng Gió.
Văn Công Hùng từng ví thơ như gió mơn man da thịt, không thể nhìn thấy, cũng chẳng thể buộc gió lại. Hình ảnh gió trong thơ ông có cái gì đó như nồng nàn, da diết, quyến luyến như muốn tỏ tình với mây trời, trăng sao, với cuộc đời. Hình ảnh Gió khi được đặt vào trong những khoảng thời gian khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau.
Như:“bỗng như cơn gió lang thang ấy/ em ập vào tôi trận bão lòng/
chiều nghiêng ngả vỡ tan tành nắng/ tôi thành hạt cát giữa mênh mang” (Em
đến). Cách diễn giải về thời gian của nhà thơ mang tính lạ hoá, cụm từ “chiều
nghiêng ngả” kết hợp với “cơn gió lang thang” gợi cái mênh mang, phóng
khoáng, dàn trải, tự do đầy đáng yêu của cơn gió trong buổi chiều nghiêng ấy. Những tưởng gió là vô hình, vô thức, suốt đời bay, tự do, tự tại không ai nắm bắt được nhưng khi kết hợp với từ “chiều nghiêng ngả” thì cơn gió ấy bỗng như trở thành người thiếu nữ đẹp khoác lên mình chiếc áo nắng chiều với
dáng hình mỏng manh, chao nghiêng. Bóng chiều như được mở rộng hơn về không gian và kéo dài mãi về thời gian với cái tự do, tự tại của cơn gió lang thang. Bằng cái tài kết hợp ngôn ngữ, Văn Công Hùng đã nhìn thấy được, cảm nhận được rồi thầm thì những điều sâu kín trong tâm can bằng chính những dòng thơ tuyệt vời ấy.
Nếu như hoa lá cỏ cây là một thiên nhiên có thực thể, có hình hài, màu sắc, có sự sống và cái chết thì gió là gì? Văn Công Hùng không trả lời về gió theo cách diễn giải của vật lý là hình vuông hay hình tròn? Mà tác giả để gió vô hình mà trở nên hữu ý:
gió cứ thổi bờ sông mờ mịt cát
thiêm thiếp mùa đông lơ lửng trái xoan non…
(Giấc mơ mùa đông)
Khi “gió” kết hợp với động từ “thiêm thiếp” cùng với từ chỉ thời
gian“mùa đông” ở trong câu thơ trên thì “mùa đông” không chỉ là từ chỉ mùa
trong năm nữa mà giờ đây “mùa đông” đã trở thành một người con gái đang chìm vào giấc ngủ. Cũng chính sự kết hợp từ ngữ nói trên, ta thấy gió hiện lên như một người đàn ông khỏe mạnh khi được chắp thêm đôi chân, cánh tay để có thể chạy, có thể ôm ấp, nâng niu, vuốt ve cho người con gái mình yêu ấy. Cách kết hợp đầy tài tình này làm cho biểu tượng Gió trở nên sống động có linh hồn, có tâm tình như những con người cụ thể.
Rời xa cơn gió của mùa đông, trong mùa xuân cơn gió ấy: “mùa xuân dã quỳ và gió/ngơ ngẩn cả chiều cao nguyên/em mặc áo vàng nắng phố/lá mềm
mươn mướt mắt em”(Mùa xuân dã quỳ và gió). Gió mùa xuân mang theo cái
ngơ ngẩn của thi sĩ trước một vẻ đẹp đầy tươi mới, đầy sức sống trước“em”.
Từ “gió” đi với các từ chỉ thời gian như: “mùa xuân”;“chiều” tạo ra ngọn gió nhẹ nhàng như thả vào lòng bạn đọc cái ấm áp của gió chiều để thêm yêu đời, yêu người. Thời gian “chiều”, “mùa xuân” ở đây không chỉ là chỉ thời điểm,
thời đoạn nữa mà đã trở thành không gian để diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình. Và tất cả những điều đó được gửi vào trong “gió”. Ta thấy được một Văn Công Hùng thẫn thờ trong buổi chiều mùa xuân vì cơn gió ấy.
Ngọn gió Cao nguyên là ngọn gió mang nỗi nhớ tha thiết, đem theo hoài niệm về một tình yêu đã qua: “vẫn là gió của ngàn xưa/ mà giờ nhân đôi nỗi
nhớ/ dã quỳ miên man tỏa nắng/ cao nguyên chiều trôi như mây” (Và mơ…).
“Ngàn xưa” là một từ dùng để chỉ khoảng thời gian đã rất lâu, rất cũ trong
quá khứ. Cách dùng từ này đưa đến cho ta cảm nhận về sự bất biến của gió hay đó cũng chính là sự bất biến trong tâm trạng của tác giả. Gió thuộc về trạng thái của tự nhiên và tự muôn đời gió vẫn như thế, không thay đổi. Nói trạng thái ngàn đời của gió để tác giả nói đến trạng thái tình cảm đang đè nặng tâm tư tác giả“nhân đôi nỗi nhớ”. Cả một không gian cao nguyên nhuốm màu vàng của hoa giã quỳ? Hay nhuộm màu vàng của nắng chiều? hay phải chăng đó chính là cả một không gian nhuốm gam màu nhung nhớ? Và “gió” ở đây bỗng chốc trở thành một người “đưa thư” để giúp tác giả thổ lộ tới em nỗi nhớ, khẳng định sự thủy chung, sắt son của một người có tình cảm sâu sắc.
Không những thế, nhà thơ còn cho gió hình hài, giọng nói riêng mà chỉ riêng Văn Công Hùng mới tỏ tường, am hiểu. Đi kèm với biểu tượng “gió” là thời gian “miền đêm”, đây là sự kết hợp để tạo ra một cụm từ chỉ thời gian rất lạ. Không phải “đêm” mà là“miền đêm”:“Đã rằng người ở miền đêm/ như con sóng trắng vỗ mềm nỗi đau/ đời là một trắng bông lau/ gió mạnh thì nát, gió
nhàu thì xơ” (Thả gió vào chùa). Tác giả chọn thời điểm “đêm” là một khoảng
thời gian cụ thể rất thích hợp để con người tự suy tư nhận ra những triết lý của cuộc đời. Hình ảnh “miền đêm” gợi hình ảnh một không gian vô định, rộng lớn mà con người hiện lên thì lại quá nhỏ bé, đơn côi. Qua thời gian mà tác giả chiêm nghiệm, biểu tượng“gió” ở đây lại tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống khiến con người không thể vượt qua được và con
người không thể tìm ra hướng giải quyết, không tìm thấy lối thoát hay đường đi trong đêm tối mịt mù ấy. Đó cũng chính là sự lý giải cho hoàn cảnh của những người tìm đến với cửa Phật.
Từ sự chiêm nghiệm trong hiện tại, tác giả đi đến một một niềm tin tốt đẹp khi hướng người ta tới “ngày mai” là một khoảng thời gian ở tương lai và
“gió” trong tâm thức của Văn Công Hùng cũng là một niềm vui bởi đơn giản nó
vuốt ve cho thơ, cho thơ những cảm hứng mới. Gió trong thơ ông rất lạ, rất mới, khi lạnh lùng, khi dữ dội, khi dịu dàng, khi lại như một người bạn đồng hành:
“ngày mai ngọn cỏ có mềm/ con sông còn chảy nỗi niềm vẫn tươi/ gió mùa thổi suốt cuộc chơi/ đứt giêng hai giữa bời bời lá khô/ cõi người trộn cõi bơ
vơ/ dắt nhau vào một mơ hồ trong veo” (Và rồi mây gió với ta).
Đưa vào thơ những từ ngữ chỉ thời gian mới mẻ để làm nổi bật biểu tượng gió là cách mà Văn Công Hùng đã thi vị hoá không gian vũ trụ, khiến cho nó trở nên gần gũi và hòa nhập một cách lạ thường và các khung thời gian khi rất cụ thể, khi lại rất mơ hồ. Tất cả trạng thái này của gió suy cho cùng chính là tâm hồn của nhà thơ đang khát khao giao hòa với cảnh, với người. Đây là nét độc đáo của các từ ngữ biểu thị thời gian trong thơ ông.