Giới tính (Bảng3.2): tỷ lệ nữ giới đang điều trị ARV là 47,7% gần tương
đương với nam giới 52,3% . Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu này khá chênh so với nghiên cứu tại tỉnh Thanh Hóa (nữ 25,7%, nam 74,3%) [23], tại Cần Thơ (nữ 37%, nam 63%) [15], tại Ninh Bình (nữ 38,2, nam 62,9%) [17]. Sự khác biệt này cho thấy thời điểm cũng như địa điểm nghiên cứu có ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ nam và nữ (4 phòng khám ngoại trú ở Thanh Hóa 2010, 5 phòng khám ngoại trú ở Cần Thơ 2009, các phòng khám ngoại trú của Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình & Trung tâm y tế huyện Kim Sơn). Ngoài ra điều này cũng chứng tỏ rằng hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định nữ giới được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và điều trị ARV khá tốt và khá dễ dàng.
Nhóm tuổi (Bảng3.2): ĐTNC tập trung nhiều ở độ tuổi từ 30 - 39 (chiếm
56,6%). Tỷ lệ này tương đương với kết quả nghiên cứu tại tỉnh Hà Tĩnh của tác giả Đường Công Lự năm 2011 (56,7%) [13]. Tỷ lệ này phù hợp với xu hướng nhiễm HIV theo tuổi vì tuổi 30 - 39 là độ tuổi có tỷ lệ nhiễm HIV ngày càng tăng qua các năm [3].
Tình trạng hôn nhân(Bảng3.2): Chiếm phần lớn trong nghiên cứu là những
người đã lập gia đình: đang có vợ/ chồng là 41,4%, ly thân 16%, góa 19,1%, tỷ lệ chưa lập gia đình chiếm 23,4%. Tỷ lệ đang có vợ/chồng thấp hơn so với nghiên cứu tại Gia Lai (78,8%) [6], tại tỉnh Hà Tĩnh (64,9%) [13], tại Ninh Bình (64,2%) [10], tại An Giang (59,8%) [18]. Điều này có thể lý giải được là do tỷ lệ góa (có chồng chết vì AIDS) và độc thân ở trong nghiên cứu này cao hơn so với nghiên cứu tại Gia Lai (ly thân/góa 13,5%, độc thân 7,7%) [6], tại Hà Tĩnh (góa 16,5%, độc thân
(17,5%) [13], Ninh Bình (độc thân 11,8%, góa 19,9%, ly thân 4,1%) [10], An Giang (độc thân 14,6%, góa 16%) [18].
Sống cùng gia đình (Bảng3.2): Những người sống cùng với gia đình chiếm
khá cao (69,1). Điều này có thể là do hầu hết những người bệnh sau khi bị phát hiện lây nhiễm đều không muốn ai khác biết, hơn nữa cũng một phần có những vợ chồng vì để chăm sóc con cái nên vẫn sống cùng và giúp đỡ lẫn nhau. Đây là yếu tố thuận lợi để người bệnh được động viên, chia sẻ tinh thần, được giúp đỡ trong chăm sóc và điều trị ARV đưa tỷ lệ tuân thủ tối ưu ngày càng gia tăng. Tỷ lệ này cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Đường Công Lự (63,9%) [13], nhưng lại thấp hơn so với nghiên cứu của Võ Thị Năm (80%) [15], có thể là do tỷ lệ có vợ/chồng trong nghiên cứu của Võ Thị Năm 51% cao hơn 41,4% trong khi đó tỷ lệ độc thân của nghiên cứu này lại khá cao 23,4%. Sống một mình chiếm tỷ lệ 30,1% (cao hơn so với NC của Võ Thị Năm 20%, sự khác biệt này có thể là do khác nhau về tình trạng hôn nhân, giới) thường là nam giới sống độc thân và có tiêm chích ma túy nên cán bộ y tế cần tư vấn và giới thiệu đến trung tâm cai nghiện ma túy, tham gia câu lạc bộ hay nhóm giáo dục đồng đẳng để tìm sự chia sẻ, giúp đỡ tinh thần góp phần nâng cao mức độ tuân thủ cũng như hiệu quả của điều trị ARV.
Nghề nghiệp (Bảng3.2): của ĐTNC chủ yếu là nghề tự do (60,5%) với thu
nhập và công việc không ổn định, sau đó là nông dân (25,8%), còn lại số ít là nghề có thu nhập ổn định như công nhân, công chức/viên chức, lái xe… Kết quả này tương đương với nghiên cứu tại phòng khám ngoại trú Tịnh Biên (tự do 58,5%) [18], nhưng ngược lại so với nghiên cứu tại tỉnh Ninh Bình (nông dân 51,7%, tự do 23,6%) [10], có thể là do khác tuyến vì đối tượng nghiên cứu tại tỉnh Ninh Bình chiếm 1/3 ở huyện Kim Sơn. Điều này cũng được giải thích là do công việc với thời gian làm không ổn định cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, kết hợp với tình trạng đô thị hóa tăng nhanh nên các tệ nạn gia tăng kéo theo tình trạng lây nhiễm HIV cũng tăng theo và những nông dân phần lớn bị lây nhiễm trong thời gian đi làm ăn xa nhà và những người phụ nữ làm nông thường bị lây nhiễm từ người chồng.
Về đường lây nhiễm HIV (Biểu đồ 3.1): Nam giới lây chủ yếu qua 2 con
đường là tiêm chích ma túy 28,3% và quan hệ tình dục 38,1%, có tới 33,6% không rõ lây qua đường nào do đối tượng nghiên cứu vừa có hành vi tiêm chích ma túy vừa có hành vi quan hệ tình dục không an toàn. Trong khi đó nữ giới lây chính là qua quan hệ tình dục (chiếm 91%) mà hầu hết là lây nhiễm từ chồng. Tỷ lệ này phù hợp với kết quả nghiên cứu tại tỉnh Ninh Bình (nữ lây chủ yếu qua QHTD 89,4%) nhưng nam lây qua tiêm chích ma túy đơn thuần lại cao hơn nghiên cứu này (62,3%) [10]. Hơn nữa kết quả cũng tương đồng với hình thái lây nhiễm chung của cả nước [3]. Điều này lý giải là do nam giới ở tỉnh Nam Định có tới 33,6% không rõ đường lây do vừa có quan hệ tình dục không an toàn lại vừa có tiêm chích ma túy. Sự khác biệt trên có thể là do sự khác nhau về tuổi, nghề nghiệp, bối cảnh xã hội của các nghiên cứu.