Một số nghiên cứu ở những nơi khác trên thế giới đã được thực hiện để điều tra về mức độ tuân thủ cho những kết quả rất khác biệt.
Nghiên cứu của Beer ở Mỹ năm 2014 trên 3606 người bệnh HIV/AIDS trưởng thành thấy 86% người bệnh điều trị ARV đạt mức tuân thủ tối ưu (≥ 95%) [30]. Tỷ lệ này cao hơn so với nghiên cứu ở Vương quốc Anh của Sherr (79,1%) và ở Mỹ của Vissman (71%) [57], [65].
Nghiên cứu của Paterson và cộng sự được tiến hành trên 99 người bệnh HIV/AIDS đã được kê đơn thuốc ARV – một loại thuốc ức chế protease ở phòng khám HIV thuộc Đại học Queensland, Australia cho thấy rằng 22% người bệnh tuân
thủ ≥ 95%, 61% người bệnh có tuân thủ trong khoảng 80-94,9% và 17% người bệnh có mức độ tuân thủ dưới 80% [54].
Một nghiên cứu được thực hiện ở Ấn Độ bởi Sarna và cộng sự nhận thấy rằng bằng cách sử dụng phương pháp tự báo cáo về tuân thủ điều trị ARV, 84% người bệnh điều trị ARV đạt mức tuân thủ tối ưu [56]. Trong khi một nghiên cứu khác ở Tanzania do Irunde và cộng sự thực hiện thấy rằng chỉ có 21% người bệnh HIV/AIDS điều trị ARV đã đạt mức tuân thủ tối ưu [46].
Nghiên cứu của Bikila L. trên 239 người bệnh HIV/AIDS ở bệnh viện Gobba, Ethiopia cho thấy mức độ tuân thủ điều trị ARV trong số người nhiễm HIV/AIDS là 90,8% [31], cao hơn nhiều khi so sánh với các nghiên cứu được thực hiện trong nước đang phát triển khác. Trong khi đó một nghiên cứu về sự tuân thủ điều trị ở Lào (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) của Visanou Hansana và cộng sự đã báo cáo có 60% người bệnh HIV/AIDS điều trị ARV tuân thủ lớn hơn 95% [64]. Kết quả nghiên cứu này ở Lào cũng tương tự như kết quả được tìm thấy trong một nghiên cứu ở Zambia của Birbeck (59,2% trên 255 người bệnh) và ở Ấn Độ của Kumarasamy (55% trên 60 người bệnh) [32], [48], nhưng lại thấp hơn so với một số nghiên cứu tiến hành trên 181 người bệnh HIV/AIDS ở Trung Quốc của Wang XQ. tuân thủ tốt 81,8% [70] và 1016 người bệnh HIV/AIDS ở Việt Nam của Trần BX. với mức tuân thủ lớn hơn 95% chiếm 74,1% [59]. Tỷ lệ này cũng thấp hơn so với báo cáo trong các nghiên cứu được tiến hành ở các nước phát triển sử dụng các biện pháp tự báo cáo tương tự [30], [57], [65].
Phần lớn các nghiên cứu về tuân thủ điều trị ARV ở người bệnh HIV/AIDS người lớn tại Việt Nam đều sử dụng phương pháp phỏng vấn. Các nghiên cứu này cũng cho các kết quả khác nhau về tỷ lệ tuân thủ điều trị ARV của người bệnh HIV/AIDS.
Theo Nguyễn Thị Minh Trang khi khảo sát tỷ lệ tuân thủ điều trị ARV trên 71 người bệnh HIV/AIDS tại phòng khám ngoại trú khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai cho thấy tỷ lệ tuân thủ tốt của người bệnh rất cao (96%). Tỉ lệ tuân thủ trong khoảng thời gian 4 ngày là 100%, trong khoảng thời gian 1 tháng là 97,2%
[22]. Ngược lại, nghiên cứu của Nguyễn Đình Tuấn và cộng sự tiến hành trên những người bệnh HIV/AIDS đang điều trị ARV ở 2 phòng khám ngoại trú tỉnh Đăk Lăk thì chỉ có 30,9% người bệnh tuân thủ tốt [24].
Nghiên cứu của Đường Công Lự và cộng sự thực hiện trên quần thể người bệnh tại 2 phòng khám ngoại trú tỉnh Hà Tĩnh, tỷ lệ người bệnh tuân thủ tốt là 71,1% [13]. Trong khi đó nghiên cứu của Trần Quốc Tuấn và cộng sự được thực hiện tại các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS Hà Nội trên các đối tượng nghiện chích ma túy, kết quả cho thấy tỷ lệ tuân thủ của người bệnh là từ 97% trở lên [25].
Huỳnh Ngọc Phượng và cộng sự nghiên cứu 480 người bệnh HIV/AIDS đang tham gia điều trị ARV tại phòng khám ngoại trú Tịnh Biên tỉnh An Giang cho thấy tỷ lệ tuân thủ điều trị tốt chiếm 94,2% [18]. Còn theo Võ Thị Năm và cộng sự, tỷ lệ tuân thủ điều trị ARV ở 267 người bệnh HIV/AIDS đang điều trị ARV từ 6 tháng trở lên tại 5 phòng khám ngoại trú ở thành phố Cần Thơ chưa cao chỉ có 77% [15].
Theo Đỗ Lê Thùy, tỷ lệ tuân thủ điều trị ARV là 81,3% trên 252 người bệnh HIV/AIDS đang khám và điều trị ngoại trú bằng thuốc ARV tại phòng khám ngoại trú bệnh viện A Thái Nguyên [21]. 70,9% người bệnh HIV/AIDS có kiến thức về tuân thủ điều trị ARV là kết quả nghiên cứu của Tạ Thị Lan Hương trong tổng số 296 người bệnh đang điều trị ARV tại 2 phòng khám ngoại trú của tỉnh Ninh Bình [10].
Nghiên cứu của Hoàng Huy Phương năm 2012 trên 375 người bệnh HIV/AIDS tại Ninh Bình, có 65,1% đạt tuân thủ lớn hơn 95% [17]. Trong khi đó nghiên cứu tại Thanh Hóa của Nguyễn Thị Thu Trang năm 2010 cho kết quả thấp hơn, chỉ có 59,5% đạt tuân thủ tối ưu [23].