Những năm gần đây, việc tăng cường đầu tư mua sắm TTBYT tại Bệnh viện phụ sản Hải Phòng đã được ban Giám đốc quan tâm và tạo nhiều điều kiện về kinh phí. Đa phần các thiết bị nhập về được sử dụng đúng mục đích và một cách có hiệu quả. Nhìn chung, công tác quản lý đầu tư mua sắm TTBYT khá chặt chẽ từ khâu lập kế hoạch đến quản lý nguồn nhập máy móc thiết bị, cụ thể:
Thứ nhất, công tác lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện phụ sản Hải Phòng đã có quan tâm lớn đến sự tham gia của các đối tượng cán bộ trong Bệnh viện. Đây là cơ sở để lãnh đạo Bệnh viện có kế hoạch mua sắm sát với nhu cầu thực tế của các khoa, các phòng.
Thứ hai, quản lý nhập TTBYT trong thời gian qua ở Bệnh viện phụ sản Hải Phòng đã thực hiện đầy đủ và đúng quy trình được ban hành. Đa số các cán bộ đánh giá chất lượng các TTBYT sử dụng ở mức tốt, máy móc thiết bị được bảo quản tốt như vệ sinh sạch sẽ, được để nơi khô ráo, an toàn, sử dụng thuận tiện. Nhìn chung các khoa, phòng đều thực hiện đúng quy trình quản lý sử dụng TTBYT.
Thứ ba, Bệnh viện cũng đã có sự quan tâm rất lớn tới công tác bảo trì trang thiết bị y tế, đặc biệt là với các máy móc hiện đại, đắt tiền. Quy trình báo lỗi và sửa chữa trang thiết bị y tế khá đầy đủ và rõ ràng, gồm 05 bước:
Bước 1: Lập yêu cầu sửa chữa; Bước 2: Tiếp nhận yêu cầu sửa chữa và kiểm tra; Bước 3: Tổ chức sửa chữa; Bước 4: Nghiệm thu, ghi sổ theo dõi sửa chữa và thu hồi trang thiết bị hư hỏng; Bước 5: Thanh toán.
Thứ tư, về công tác tính toán khấu hao, kết quả cho thấy 100% số TTBYT được tính khấu hao theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn chung của Bộ Tài chính.