Thời kỳ thơ ấu đến năm 1920: tham gia hoạt động yêu nước và hình thành tư tưởng yêu nước, tư tưởng dân vận

Một phần của tài liệu LUẬN văn tư tưởng hồ chí minh về dân vận và sự vận dụng vào công tác vận động nông dân ở tỉnh quảng bình trong những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 25 - 29)

Trong thời kỳ này, Hồ Chí Minh tiếp thu truyền thống yêu nước và lòng nhân ái từ gia đình và quê hương. Tại quê hương, Hồ Chí Minh được khai tâm bằng chữ Hán, hấp thụ tinh thần yêu nước bất khuất của phong trào chống Pháp, cách đối nhân xử thế, nhân nghĩa thuỷ chung, khí khái của các nhà nho yêu nước. Tại Huế (1895 - 1901 và 1906 - 1909), Hồ Chí Minh học được kiến thức về tự nhiên, xã hội, bước đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây.

Thời kỳ này, Hồ Chí Minh cũng đã chứng kiến cảnh đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với những người yêu nước Việt Nam; cảnh sống cơ cực, đói rách của nhân dân lao động; cuộc sống xa hoa của bọn thực dân Pháp và quan lại tay sai. Hồ Chí Minh tham gia phong trào biểu tình chống thuế của nhân dân Trung Kỳ, thấy được thất bại của phong trào Đông Du (1906 - 1908) do Phan Bội Châu tổ chức, lãnh đạo và phong trào “Đông kinh Nghĩa thục”(1907).

Tìm hiểu nguyên nhân thất bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ, Hồ chí Minh nhận xét như sau: chủ trương dựa vào Nhật để đánh Pháp của Phan Bội Châu, “Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau” [69, tr.13]; chủ trương của Phan Chu Trinh dựa vào Pháp để “Duy Tân” đất nước “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương” [69, tr.12]; còn cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám “Còn nặng cốt cách phong kiến” [69, tr.13].

Khi bị đuổi học khỏi trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) (9/1910 - 2/1911).

Trong thời gian này anh đã phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, như bài “Ca hớt tóc”:

Phen này cắt tóc đi tu,

Tụng kinh độc lập ở chùa Duy Tân, Đêm ngày khấn vái chuyên cần, Cầu cho ích nước lợi dân mới là, Quyết tu sao phỉ chí dân nhà,

Tu sao độ được nước ta phú cường, Lòng thành thắp một tuần nhang,

Nam mô phật tổ hồng bàng chừng tri [5, tr.38].

Ngày 5/6/1911 anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Khi rời bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành có một tâm nguyện rằng: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” [69, tr.13].

Trong thời gian làm việc trên tàu buôn của Pháp, Người gia nhập Hội viên Công hội, Hội những người thuỷ thủ Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1917, Hồ Chí Minh trở lại Pháp - một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá lớn ở Châu Âu lúc bấy giờ, sau đó tham gia Đảng Xã hội Pháp (1918). Năm 1919, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị Vecxây Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gồm 8 điểm đòi tự do dân chủ đơn sơ, đòi có tiếng nói riêng của người bản xứ trong Quốc hội Pháp, đòi thay thế chế độ sắc lệnh bằng các đạo luật.... Mặc dù không được Hội nghị

Vecxây xem xét, song bản yêu sách đã có tiếng vang lớn. Từ thực tế này, Hồ Chí Minh đi đến kết luận về Kế hoạch 14 điểm của Tổng thống Mỹ Uyn-Xơn rêu rao về quyền tự quyết dân tộc: “Chủ nghĩa Uyn - Xơn chỉ là trò bịp lớn”, và “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình” [69, tr.33].

Trong thời gian này, Hồ Chí Minh qua nhiều nước ở châu á, châu Phi, châu Mỹ và châu Âu, chú ý xem xét tình hình các nước, suy nghĩ về thực tế đang diễn ra ở các nước đó và nhận định rằng: trên thế giới này chỉ có hai giống người: bị bóc lột và bóc lột mà thôi. Người kết luận giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn; chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù. Từ đó đã làm nảy nở ở Người tình cảm và ý thức giai cấp cũng như tình đoàn kết quốc tế. Người cũng đã tìm hiểu các cuộc cách mạng lớn trên thế giới, khảo sát cuộc sống, tình cảnh của nhân dân bị áp bức và ảnh hưởng về con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, một cuộc cách mạng đã thành công đến nơi, vì “Cách mạng rồi quyền giao cho dân chúng số nhiều”. Bằng những hoạt động tích cực ấy, Hồ Chí Minh đã đi trước một đoạn đường khá thành công của công tác dân vận.

Năm 1920, đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Hồ Chí Minh tìm thấy con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, tìm thấy lực lượng cách mạng hùng hậu cho thắng lợi của cách mạng thuộc địa. Tháng 12/1920, tại Đại hội đại biểu

toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua, Hồ Chí Minh bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III . Tiếp đó, Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Sự kiện đó đánh dấu bước chuyển biến về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người. Từ đây, khát vọng giải phóng dân tộc của Người được soi sáng bởi một hệ tư tưởng cách mạng và khoa học. Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Một phần của tài liệu LUẬN văn tư tưởng hồ chí minh về dân vận và sự vận dụng vào công tác vận động nông dân ở tỉnh quảng bình trong những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 25 - 29)