1.3.1. Vị trí, vai trò của công tác dân vận
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ông cha ta luôn biết dựa vào dân, phát huy lực lượng to lớn của toàn dân để tiến hành cuộc đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Bài học “Nước lấy dân làm gốc” đã được áp dụng trong nhiều thời kỳ, tạo nên sức mạnh để dân ta trường tồn, chấn hưng nền văn hoá dân tộc và chiến thắng kẻ thù mạnh hơn ta gấp bội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân khi được tổ chức, lãnh đạo; vì vậy, luôn coi công tác vận động nhân dân là công tác hết sức quan trọng, có tính chiến lược quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt chân lý ấy bằng những lời giản dị. Bác nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” [50, tr.276];
"Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân" [47, tr.409-410].
Người coi dân là chủ xã hội, là gốc của nước, mọi quyền hành và lực lượng đều phải ở nơi dân. Người luôn luôn tin ở nhân dân, và đánh giá đúng vai trò của nhân dân. Người nói: “Cách mạng là sự
nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân” [52, tr.197]; “Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong” [47, tr.295]. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn xem công tác dân vận là nhiệm vụ cốt yếu của Đảng và của cả hệ thống chính trị. Theo Người, muốn làm cách mạng thành công thì phải làm tốt công tác dân vận.
Trong bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15 tháng 10 năm 1949 thể hiện rất rõ nét sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác vận động nhân dân trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bài viết này Hồ Chí Minh nêu lên những quan điểm, tư tưởng, phương châm, nội dung và mục tiêu công tác vận động nhân dân rất sâu sắc, có tính chỉ đạo chiến lược và có thể xem đây là một cương lĩnh trong công tác dân vận. Trước hết, Người khẳng định vai trò cực kỳ to lớn, quan trọng của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Người viết: “quyền hành và lực lượng đều nơi dân” [47, tr.698]. Sau đó, Người chỉ rõ thế nào là công tác dân vận và chỉ rõ tầm quan trọng của công tác này. Người viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân...” [47, tr.698]là làm cho dân được làm chủ, được hưởng quyền dân chủ. Người còn khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất