diện tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ra đời từ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công vì có những bước đi thích hợp và vì Việt Minh có những chính sách phù hợp với lợi ích của nhân dân, được nhân dân cả nước nhiệt tình ủng hộ, tham gia.
Nhưng ngay từ khi mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách hiểm nghèo. ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng và sau chúng là bè lũ Việt gian phản động chống phá cách mạng quyết liệt, mưu toan bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. ở miền Nam, 6 vạn quân Anh giúp Pháp quay trở lại nổ súng xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong khi đó tình hình kinh tế - tài chính của Nhà nước mới cực kỳ khó khăn, kho bạc trống rỗng; hơn nữa, nạn đói do hậu quả của chính sách vơ vét của Pháp và Nhật trước đó vẫn diễn ra gay gắt.
Đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, nguy hiểm đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bình tĩnh, khôn khéo đề ra nhiều biện pháp linh hoạt, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc để giải quyết
những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết của cách mạng; nhờ đó từng bước đẩy lùi giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, bảo vệ được chính quyền cách mạng và chuẩn bị lực lượng kháng chiến.
Thực dân Pháp vốn dã tâm cướp bằng được nước ta, chúng từng bước đơn phương xoá bỏ những điều khoản đã ký kết với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, quyết tâm chống thực dân Pháp đến cùng. Người viết: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” [46, tr.480].
Trong lời kêu gọi lịch sử này, Hồ Chí Minh vạch ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của đất nước; do đó đã vận động, tập hợp, đoàn kết và huy động cả dân tộc Việt Nam vào cuộc trường chinh vĩ đại, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc và từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.
Năm 1947, Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Qua tác phẩm này, Người ý thức cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sự cần thiết phải có phương pháp và cách thức làm việc, cách thức giải quyết các vấn đề trong điều kiện kháng chiến. Hơn thế nữa, tác phẩm còn nêu lên những phẩm chất cần có của người cách mạng để tập hợp sức mạnh của quần chúng, đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.
Năm 1949, Hồ Chí Minh viết tác phẩm: “Dân vận”. ở tác phẩm này Người đã nêu lên những quan điểm và phương pháp chỉ đạo
công tác dân vận với một tầm nhìn rộng lớn, khoáng đạt; với cách nghĩ, cách làm dân vận hết sức mới mẻ, hiện đại. Đây là một trong những tác phẩm ít chữ mà nhiều ý nghĩa. Với một lượng tối thiểu ngôn từ, Người chuyển tải và biểu cảm một cách tối đa tư tưởng và triết lý của Người về công tác dân vận.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Mặt trận Dân tộc thống nhất đòi hỏi phải được mở rộng để thu hút tối đa các thành phần dân tộc vì những lý do khác nhau không tham gia Việt Minh. Vì vậy, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời. Công tác dân vận trong thời kỳ Đảng cầm quyền không phải là nhiệm vụ riêng của Đảng như thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp. Theo Hồ Chí Minh, khi chính quyền đã về tay nhân dân, nước ta là nước dân chủ thì “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh…) đều phải phụ trách dân vận” [47, tr.699]. Người cũng chỉ rõ những thiếu sót về dân vận, rằng “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận” [46, tr.699]. Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiểu rằng “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” [47, tr.700].
Từ sau tác phẩm “Dân vận” của Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chú tâm vào công tác dân vận, động viên nhân dân thi đua ái quốc, giết giặc lập công, tăng gia sản xuất. Tư tưởng dân vận của Người đã đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi
và cổ vũ nhân dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 1954, cuộc kháng chiến của nhân dân ta giành được thắng lợi to lớn, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hoà bình ở Đông Dương (20/7/1954). Theo hiệp định này đất nước ta tạm chia làm hai miền và sau hai năm sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Song đế quốc Mỹ lợi dụng sự thất bại của Pháp, nhảy vào xâm lược miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.
Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Đảng ta và Hồ Chí Minh dành nhiều công sức, trí tuệ để có đường lối đúng đắn cho giai đoạn cách mạng mới. Đó là Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng Dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong thời gian này Hồ Chí Minh có hàng trăm bài viết, bài nói chuyện để giải thích, tuyên truyền đường lối của Đảng, đồng thời cổ vũ động viên cán bộ và nhân dân ta hăng hái xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để vận động quần chúng, động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tiến lên đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ và tay sai, ngày 17/7/1966, Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch nước ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước. Trong văn kiện quan trọng này, Người nêu lên chân lý bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” [54, tr.108]. Tinh thần ấy đã cổ vũ, thúc giục quân dân ta vượt qua muôn vàn gian khổ, quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Một trong những tác phẩm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn của Người trong giai đoạn này là tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bằng những lời lẽ sâu sắc và đầy sức thuyết phục, Hồ Chí Minh chỉ ra cho cán bộ, đảng viên thấy sự cần thiết phải thường xuyên rèn luyện tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Người coi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của chủ nghĩa xã hội, là nguồn gốc của mọi sự sai lầm khuyết điểm. Người viết: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh” [54, tr.438-439]. Theo Người, để chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả. mỗi người cần ra sức trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Bởi vì theo Người, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau" [54, tr.438]; “Đó cũng là một việc làm cần thiết để giúp tất cả cán bộ, đảng viên đều tiến bộ, góp sức hơn nữa cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công” [54, tr.439].
Năm 1968, Người đặt vấn đề về cuộc vận động “Người tốt việc tốt”; gặp gỡ, nói chuyện với công nhân và cán bộ ngành than; sửa Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp. Trước khi vĩnh biệt chúng ta, Hồ
Chí Minh để lại bản Di chúc thiêng liêng, thể hiện tình cảm sâu nặng của Người đối với dân, với nước, nói lên niềm tin tất thắng của Người đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đề ra những phương sách lớn để đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; đồng thời nêu lên những suy ngẫm, những chỉ dẫn quý báu của Người về những chủ trương, biện pháp lớn cần thực hiện trong cuộc sống xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” [54, tr.505].
Lịch sử hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng dân vận của Người nói riêng cho chúng ta thấy tư tưởng của Người là một hệ thống lý luận gắn chặt với thực tiễn, có tác dụng to lớn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng như của nhân loại tiến bộ chống lại mọi hình thức áp bức, nô dịch để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là sự phát triển sáng tạo luận điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam và đã đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng ta nhận định, trong giai đoạn đổi mới và công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng dân vận của Người nói riêng vẫn “soi đường
cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tình thần to lớn của Đảng và dân tộc ta” [14, tr.82].