Công tác dân vận có tầm quan trọng chiến lược trong các thời kỳ cách mạng, là một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của dân tộc. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác này, trong bài "Dân vận", Người chỉ rõ: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v...) đều phải phụ trách dân vận" [47, tr.699]. Có lẽ không cần giải thích gì thêm chúng ta cũng hiểu rõ rằng: công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền, cán bộ Mặt trận, đoàn thể nhân dân và của tất cả hội viên, đoàn viên của các tổ chức nhân dân. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi thành viên trong hệ thống chính trị phải làm công tác dân vận theo những phương thức khác nhau, và phải luôn luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác này.
- Đảng phải có đường lối, chính sách và phương thức lãnh đạo các giai cấp, tầng lớp nhân dân một cách phù hợp để đường lối, chính sách của Đảng đi vào được từng người, khơi dậy và phát huy tính tích cực, sáng tạo của họ để mỗi người có thể đem tài, đem sức, đem của thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Muốn vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trước khi thông qua, ban hành, cần trưng cầu dân ý; nghĩa là thực hiện đúng lời dạy của Bác là:
- Luôn luôn gần gũi nhân dân.
- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân. - Học hỏi nhân dân.
- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Bốn điều ấy cần phải đi song song với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân.
Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân.
Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân" [48, tr.88-89].
Chúng ta thấy rõ rằng, làm được như lời Bác dạy sẽ khắc phục được bệnh chủ quan duy ý chí, quan liêu, xa thực tế; đồng thời thu hút được trí tuệ của toàn dân, của toàn xã hội vào việc hoạch định
chính sách sát với thực tế, mang tính khả thi. Quan điểm đó của Hồ Chí Minh còn giúp cho Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực chủ động, sáng tạo để có biện pháp vận động quần chúng phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
- Dân vận không chỉ là việc riêng của Đảng, mà còn là việc của chính quyền. Nhà nước, nhân viên Nhà nước phải coi trọng và tham gia công tác dân vận. Theo Hồ Chí Minh, mọi tổ chức, mọi quyền lực, mọi cán bộ nhân viên Nhà nước đều không được quên rằng:
Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân.
Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh [48, tr.88].
Như vậy, theo Hồ Chí Minh Nhà nước làm việc là vì lợi ích của nhân dân. Nhà nước phải là người đại diện trung thành cho nhân dân. Mọi cán bộ, nhân viên Nhà nước không thể là "quan cách mạng", mà phải là "đầy tớ" của nhân dân, mà đầy tớ "làm việc cho nhân dân phải làm cho tốt". Phục vụ nhân dân trở thành điều kiện tồn tại của Nhà nước, của Chính phủ. Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh rằng: "Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy" [48, tr.22]; "Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" [47, tr.60].
Sức mạnh của Đảng, của Nhà nước là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Trách nhiệm dân vận của cơ quan chính quyền xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta - nhà nước của dân, do dân, vì dân. Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân chủ yếu thông qua mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân. Chính quyền làm tốt thì Đảng có uy tín, ngược lại, chính quyền phục vụ nhân dân không chu đáo, cán bộ cửa quyền, hách dịch thì uy tín của Đảng sẽ giảm. Với chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hầu hết các hoạt động của cơ quan chính quyền đều có quan hệ với đông đảo nhân dân, nhiều khi quan hệ một cách trực tiếp, tác động trực tiếp đến đời sống vật chất và văn hoá, đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân, đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân. Cho nên cơ quan chính quyền, cán bộ chính quyền phải làm công tác dân vận; cấp uỷ đảng phải lãnh đạo cơ quan chính quyền để tiến hành một cách thường xuyên và có hiệu quả công tác dân vận theo chức trách và khả năng của chính quyền.
Chính quyền làm dân vận bằng các chính sách đúng đắn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội...; bằng việc tổ chức điều hành để giải quyết đúng các vấn đề liên quan đến dân, và bằng phối hợp cùng Mặt trận, đoàn thể nhân dân động viên nhân dân tham gia các phong trào hành động cách mạng và xây dựng chính quyền. Chính sách đúng, cơ chế tốt, khi được phổ biến đến dân, dân hiểu rõ thì tự nó tạo ra sự phấn khởi, hào hứng trong nhân dân, củng cố lòng
tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Chính sách và cơ chế tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đến tư tưởng và hành động của nhân dân. Chính sách đúng, cơ chế không tốt hoặc ngược lại thì không có phương pháp vận động nào có thể làm cho nhân dân tin tưởng, phấn khởi và hành động có kết quả. Hồ Chí Minh chỉ rõ:
Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi.
Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh.
Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích [47, tr.520].
Do đó, cơ quan chính quyền và cán bộ chính quyền phải hiểu rằng chính sách đúng, cơ chế tốt là yếu tố cơ bản và quan trọng của Nhà nước, của cơ quan chính quyền để phục vụ nhân dân và động viên, phát huy sức mạnh của nhân dân.
Mặt trận và các đoàn thể nhân dân là người đại diện cho lợi ích chung và lợi ích riêng của từng giai cấp, từng tầng lớp nhân dân, đồng thời là cầu nối Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Những đoàn thể ấy là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với Chính phủ" [47, tr.520]. Như vậy, bản chất của đoàn thể nhân dân là tổ chức của dân, do đó vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân là
phải vận động quần chúng bao gồm các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội tham gia vào các tổ chức của mình. Công tác vận động quần chúng phải dựa trên chiến lược:
"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công!" [52, tr.607]. Đối với Mặt trận Tổ quốc, Hồ Chí Minh căn dặn:
Chính sách Mặt trận là một chính sách quan trọng. Công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng... Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam.
Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân, động viên lực lượng của nhân dân,...
Phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ...
Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc...
Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo,... [52, tr.605-606].
Đối với các đoàn thể, hội quần chúng, Hồ Chí Minh đều có sự chỉ đạo trong công tác vận động, thu hút, tập hợp quần chúng tham gia sinh hoạt trong tổ chức của mình.
Người luôn luôn nhắc nhở Đoàn Thanh niên rằng: "nhiệm vụ của các bạn là phải tìm đủ mọi cách để gây một phong trào thanh niên to lớn và mạnh mẽ" [47, tr.185]; đoàn viên, thanh niên luôn phải đi đầu trong các phong trào cách mạng. Tổ chức "Đoàn Thanh niên Lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản" [52, tr.21]. Để thu hút, tập hợp lực lượng đông đảo của đoàn viên, thanh niên cho sự nghiệp cách mạng, Người còn căn dặn: "Về phần mình, thì Đoàn phải nghiên cứu tìm ra những hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc, để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó cho thanh niên, cho Đoàn" [50, tr.263]. Đối với nông dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Vận động nông dân là phải vận thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội Nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc" [47, tr.711].
Đối với phụ nữ, Hồ Chí Minh nhận thức rõ vị trí và vai trò quan trọng của chị em trong sự nghiệp cách mạng, Người khẳng định: "Trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia... Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước" [44, tr.288].
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tổ chức, động viên, lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia vào sự nghiệp cứu nước, xây dựng nước nhà. Người nói
"Phụ nữ ta chẳng tầm thường,
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời" [45, tr.222].
Khơi dậy niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, Người động viên chị em tham gia vào Hội Việt Minh, thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ. Người nói: "Hội Liên hiệp phụ nữ phải là lực lượng mạnh mẽ giúp Đảng động viên, tổ chức và lãnh đạo phụ nữ tiến lên chủ nghĩa xã hội..." [52, tr.21].
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, lực lượng làm công tác dân vận không chỉ là lực lượng của Mặt trận, đoàn thể, mà còn là lực lượng cả toàn bộ hệ thống chính trị, đi đầu là các tổ chức Đảng, chính quyền rồi đến các đoàn thể nhân dân. Phải có nhận thức đầy đủ như vậy, chúng ta mới thực sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận theo quan điểm "quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" [47, tr.698]; "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân" [50, tr.276];
"Nước lấy dân làm gốc" "Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân" [47, tr.409-410].