Phong cách làm việc của người làm công tác dân vận

Một phần của tài liệu LUẬN văn tư tưởng hồ chí minh về dân vận và sự vận dụng vào công tác vận động nông dân ở tỉnh quảng bình trong những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 70 - 79)

+ Phong cách, theo từ điển tiếng Việt (Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện ngôn ngữ học, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, HN, 1992, tr. 771) là "những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một loạt người nào đó".

Phong cách của người cán bộ dân vận có rất nhiều điểm đáng đề cập, song theo Hồ Chí Minh thì: "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tai làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc" [47, tr.699].

Như vậy, theo Hồ Chí Minh để làm công tác dân vận, công tác vận động quần chúng, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải có phương pháp, tác phong công tác khoa học, sâu sát, tỉ mỉ và thiết thực; tuyệt đối không được vận động quần chúng một cách qua loa, đại khái, giản đơn; hết sức tránh những biểu hiện lời nói không đi đôi với việc làm; nói một đàng làm một nẻo hoặc "đánh trống bỏ dùi". Cán bộ dân vận phải sống trong lòng dân, sát cơ sở, sát thực tế; đến với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân giúp nhân dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp; vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. Cán bộ dân vận không chỉ biết nói theo nghị quyết, hô hào động viên quần chúng, mà phải "thật thà nhúng tay vào việc", thậm chí cầm tay chỉ việc cho dân làm. Muốn vậy cán bộ dân vận phải có năng lực thực sự, có kiến thức ở nhiều

lĩnh vực công tác để cùng quần chúng thực hiện các công việc chung.

Đối với những người làm công tác dân vận đòi hỏi không chỉ có khả năng tổ chức, vận động, thuyết phục quần chúng, mà còn phải có phương pháp, tác phong quần chúng và phải có tư cách phẩm chất cách mạng. Chúng ta biết rằng quần chúng là tập hợp nhiều người có trình độ nhận thức khác nhau, có quan điểm, chính kiến, nguyện vọng và quyền lợi khác nhau, nên khi đưa ra một vấn đề gì thì khó nhất trí, thậm chí còn có mâu thuẫn, đối lập nhau. Do đó, việc đầu tiên của công tác dân vận là phải tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhận thức rõ đường lối chính sách, phải lắng nghe những ý kiến khác nhau, phân tích, thuyết phục để quần chúng nhận thức, phân biệt đúng sai, đi đến nhất trí, từ đó mới cùng bàn bạc cách tổ chức thực hiện. Người làm công tác dân vận còn phải có quan hệ gắn bó với quần chúng, có tác phong quần chúng, gần gũi và chân tình với quần chúng thì quần chúng mới bộc lộ hết tâm tư, nguyện vọng của mình một cách chân thành, mới giúp cho Đảng nắm tình hình một cách trung thực để có chủ trương, đường lối đúng đắn và giải pháp thích hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán tác phong quan liêu "bàn giấy" của nhiều cán bộ, đảng viên như sau: "Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của Đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương

có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến" [47, tr.73]. Bệnh quan liêu, giấy tờ sẽ dẫn đến hậu quả hết sức tai hại. Người từng nói: "Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn" [47, tr.73]. Tác hại hơn, bệnh quan liêu thường có tác phong chuyên quyền, độc đoán, vi phạm dân chủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quan hệ Đảng - Dân bị giảm sút.

Để làm tốt công tác dân vận, người cán bộ dân vận còn phải hiểu thấu đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; hiểu thấu cách làm, rồi đi vào quần chúng, khéo giải thích cho nhân dân hiểu rõ thì sẽ tập hợp được sức mạnh, quần chúng sẽ hăng hái hưởng ứng, tham gia mọi công việc.

Muốn đạt hiệu quả trong công tác dân vận, cán bộ dân vận còn phải chiếm được lòng tin của quần chúng, và phải tin tưởng vào lực lượng, sức mạnh của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bài học luôn luôn tin tưởng vào nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân là một bài học quan trọng trong công tác dân vận của Đảng. Có dân là có tất cả, biết dựa vào dân, phát huy tài dân, lòng dân, sức dân để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đem lại thắng lợi cho cách mạng. Do đó, về lựa chọn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải lựa chọn "Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì

dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ" [47, tr.275].

Tạo cho được lòng tin là vấn đề quan trọng trong công tác vận động quần chúng. Một khi quần chúng đã mất niềm tin thì vận động quần chúng sẽ trở nên vô nghĩa, hiệu quả rất thấp, thậm chí tác động ngược lại. Muốn có niềm tin và giữ được niềm tin phải trở lại nguyên tắc "lấy dân làm gốc" và nguyên tắc "bao nhiêu lợi ích đều vì dân". Cơ chế tổ chức để thực hiện vận động quần chúng có hiệu quả đều phải từ nguyên tắc đó. Đồng thời đòi hỏi người cán bộ dân vận từ cao đến thấp, từ gián tiếp đến trực tiếp, phải có đầy đủ uy tín, tư cách, đạo đức, tài năng, để lôi cuốn, hấp dẫn quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải làm đầu tầu gương mẫu. Theo Người, không gương mẫu, cán bộ, đảng viên không làm dân vận được. Mà sự gương mẫu phải là toàn diện, phải thiết thực, chứ không nói suông. Mọi cán bộ đảng viên phải thực sự xung phong, làm gương trong các phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô. Có lẽ hơn ai hết, Hồ Chí Minh trình bày rất đầy đủ về tư cách này, Người viết: "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc" [47, tr.699]; "Tốt nhất là miệng nói, tay làm,

làm gương cho người khác bắt chước... Đời sống mới cũng cần có những người làm gương, những nhà làm gương, những làng làm

gương... Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích" [47, tr.108]. "Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hoá" [46, tr.150]. "Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tuỳ hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy cán bộ phải làm gương mẫu" [48, tr.320]. "Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích... cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải miệng nói tay làm, phải xung phong gương mẫu" [53, tr.136-137].

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh vai trò của cán bộ trong công tác dân vận; đồng thời Người cũng chỉ rõ ở nhiều nơi một số cán bộ lại xem nhẹ công tác dân vận, quan liêu, mệnh lệnh, sống xa dân; không biết cách tuyên truyền vận động quần chúng; ít xuống cơ sở tiếp xúc dân; chỉ thích nói cho dân nghe mà ít nghe dân nói nguyện vọng, tâm tư, nhu cầu của mình. Không ít cán bộ, nhân viên trong cơ quan nhà nước không biết cách tuyên truyền, thuyết phục nhân dân, thích ngồi bàn giấy để ra các quyết định quản lý. Thái độ quan liêu, thờ ơ, bàng quang của cán bộ, đảng viên trước

những nguyện vọng của dân sẽ dẫn đến suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền, đối với Đảng.

Để giúp cán bộ, đảng viên chữa trị căn bệnh xa dân, quan liêu, củng cố và tăng cường mối quan hệ Đảng - Dân, Hồ Chí Minh đã soạn sẵn mấy đơn thuốc chữa. Người viết:

…chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy. Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:

Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân

hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân

và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân;

Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để

nhân dân noi theo [48, tr.293].

Như vậy, cán bộ dân vận phải sống trong lòng dân, được dân tin và phải biết tin dân. Thái độ và phong cách của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức là một yếu tố không thể thiếu để cho chính quyền làm tốt nhiệm vụ dân vận. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức trong sáng, có năng lực thực sự, "xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của

nhân dân" là phương thức làm dân vận có hiệu quả; "dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" [47, tr.700].

Kết luận chương 1

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận hình thành và phát triển đồng thời với quá trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là sự phát triển sáng tạo luận điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" và là sự kế thừa, phát huy tinh thần "trọng dân", "yêu dân", "dựa vào dân" của ông cha ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là một hệ thống những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, thuyết phục, tập hợp và tổ chức lực lượng cách mạng và tiến bộ nhằm phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh thời đại trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận đã soi đường cho Đảng ta, cho mỗi đảng viên, cán bộ trong hệ thống chính trị của chúng ta vận động, tập hợp quần chúng, lãnh đạo và phát huy sức mạnh của quần chúng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng ở các giai đoạn của cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh quốc tế vừa có nhiều thuận lợi, vừa có những diễn biến phức tạp, có những yếu tố biến

động nhanh chóng, khó lường. Các thế lực thù địch quốc tế đang tìm mọi cách chống phá cách mạng nước ta, ra sức thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", tiếp tay cho các thế lực phản động trong nước triệt để lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, "dân chủ", "nhân quyền", xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động chia rẽ khối đại đoàn kết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân; chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo; lôi kéo tập hợp lực lượng, kích động xúi giục đồng bào dân tộc thiểu số đòi yêu sách, tạo các "điểm nóng" hòng gây bạo loạn, lật đổ, đe doạ trực tiếp nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Bởi vậy, thực hiện công tác dân vận của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là mũi tiến công chính trị sắc bén trong việc giành dân, giữ dân, bảo vệ dân, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ. Công tác dân vận không chỉ là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, mà còn là nhiệm vụ, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị từ cấp cơ sở đến Trung ương dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Do vậy, nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận có tầm quan trọng chiến lược trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Chương 2

vận dụng tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh vào công tác vận động nông dân những năm đầu

thế kỷ XXI ở tỉnh quảng bình

Một phần của tài liệu LUẬN văn tư tưởng hồ chí minh về dân vận và sự vận dụng vào công tác vận động nông dân ở tỉnh quảng bình trong những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 70 - 79)