Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận đến mọi cấp, mọi người dân.
Công tác tuyên truyền, giáo dục đạt được kết quả là nói cho dân nghe và làm cho dân tin và phải làm sao cho mỗi người dân hiểu thấu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để họ vui vẻ xung phong làm. Tuyên truyền, giáo dục và vận động bao giờ cũng đi liền với nhau. Dân chỉ hành động đúng khi tư tưởng họ thông suốt. Hồ Chí Minh đã dạy: "Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được" [47, tr.698]. Thực tiễn ở cơ sở cho thấy, bất kỳ một nội dung nào của công tác nông vận đều tác động đến tư tưởng, tình cảm của mỗi một người dân, của các nhóm dân cư khác nhau, theo những khuynh hướng khác nhau, rồi diễn biến tuỳ theo nhận thức, thái độ và lợi ích của họ. Do vậy, nắm bắt được quá trình diễn biến tư tưởng, làm tốt công tác tư tưởng, phát hiện những vướng mắc, động viên kịp thời những nhân tố tích cực là tiền đề cho công tác nông vận thành công. Phải đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục; nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm công dân, tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Hai là, phải thực thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Thực hiện và phát huy dân chủ cơ sở vừa là mục tiêu vừa là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, tập hợp và phát huy được sức mạnh của quần chúng. Mọi lúc, mọi nơi phải thực hiện đúng các nội dung của Quy chế. Việc nào dân được biết thì phải công khai để dân biết; việc nào dân được bàn thì phải
đưa ra công khai để dân bàn; việc nào dân được kiểm tra thì phải để dân kiểm tra. Phải để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Do vậy, cần có những quy định cụ thể về thực hiện dân chủ, về trưng cầu dân ý, về chức năng giám sát, về bầu cử..., làm sao quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân được thực hiện và phát huy.
Ba là, nâng cao trình độ dân trí, khoa học, công nghệ cho nông dân.
Để công tác dân vận có kết quả, thì vấn đề cấp bách hiện nay là phải nâng cao trình độ dân trí. Năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động không thể là kết quả của lao động thủ công, lao động kinh nghiệm là đủ. Bởi vì người dân ở nông thôn biết rõ những diễn biến về đất, nước, mưa, gió, cây trồng... nơi mình sinh sống từ đời này sang đời khác, nhưng vì không có kiến thức của những nhà chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, chế biến..., nên không tận dụng hữu hiệu các tài nguyên thiên nhiên và lao động của địa phương mình, gia đình mình. Muốn nâng cao trình độ dân trí, phải tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp học; thực sự coi giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu; đồng thời giáo dục và đào tạo tay nghề cho nông dân. Hiện nay trên địa bàn nông thôn, chương trình xoá đói giảm nghèo có tác dụng tạo thêm công ăn việc làm cho lao động dư thừa. Tuy nhiên đội quân thất nghiệp ở nông thôn, nhất là những người lao động trẻ, không chỉ không có việc làm, mà rất nhiều người không có nghề. Do đó,
việc dạy nghề cho lao động ở nông thôn, nhất là các học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trở thành vấn đề bức xúc trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Công tác giáo dục hướng nghiệp ngay từ học sinh trung học phổ thông cần được nghiên cứu và áp dụng, để giảm dần tình trạng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ nắm được những kiến thức phổ thông chung chung, thiếu khả năng thực hành.
Để nâng cao trình độ dân trí và khoa học công nghệ cho nông dân, còn cần phải tổ chức dạy nghề tại chỗ cho nông dân. Qua phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo, Hội Nông dân cần tổ chức các lớp học bồi dưỡng khoa học kỹ thuật và quản lý tại cơ sở cho nông dân. Người dạy, người học, nội dung học, phương pháp học, thời gian học đều phải được lựa chọn, cân nhắc cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bà con nông dân.
Cần có chính sách khuyến khích con em nông dân đi học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, nhất là những ngành phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, phục vụ nông dân, nông thôn và những người trở về công tác ở nông thôn sau khi tốt nghiệp.
Như vậy, nâng cao trình độ dân trí cho nông dân là một giải pháp quan trọng để phát huy các nguồn lực của nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, công tác nông vận ở cơ sở cần được phối hợp giữa các lực lượng, giữa các tổ chức.
Thực tế cho thấy rằng, thực hiện một nhiệm vụ nào, phát động một phong trào cách mạng nào ở cơ sở, đối tượng vận động, phát động, thực hiện vẫn là đoàn viên, hội viên, nhân dân ở cơ sở đó. Họ vừa là đoàn viên của đoàn thể này, vừa là hội viên, thành viên của đoàn thể, tổ chức quần chúng kia. Tuyên truyền, vận động các đối tượng nhân dân là trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và của cán bộ, đảng viên, các lực lượng dân vận trên địa bàn. Cùng một nội dung, cùng chung mục tiêu, cùng một đối tượng vận động, cùng một địa bàn, tất yếu cần thiết có sự phối kết hợp các lực lượng, các tổ chức quần chúng. Địa phương nào, việc nào không làm như vậy, công tác nông vận ở nơi đó sẽ bị chồng chéo, giằng xé, dễ xảy ra tình trạng tranh chấp hội viên, đoàn viên, quần chúng; thống kê "thành tích ảo", đánh giá sai lệch phong trào quần chúng, sẽ hạn chế kết quả của công tác nông vận. Trong phối hợp, các lực lượng, các tổ chức làm công tác nông vận bao giờ cũng phải có người chủ trì làm vai trò "nhạc trưởng" để tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "vận mà không động", động mà không theo một hướng. Trong quá trình này khối dân vận xã phải giữ vai trò chủ trì phối hợp. Như vậy, việc phối, kết hợp các lực lượng trong quá trình làm công tác nông vận sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Trên cơ sở lý luận và thực trạng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận ở tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa công tác dân vận trong thời gian tới.
+ Trung ương Đảng nên tổng kết, đánh giá đầy đủ việc thực hiện các nghị quyết về công tác quần chúng trong đổi mới, nhằm bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; gắn việc thực hiện công tác dân vận với việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
+ Khi ban hành các chủ trương, chính sách, Đảng và Chính phủ cần chú ý hơn việc “khoan thử sức dân”. Hiện nay ở cơ sở dân kêu ca phàn nàn nhiều về các khoản huy động, đóng góp hoặc tăng giá liên tục của nhiều ngành có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Nhà nước cần có chính sách khắc phục tình trạng này.
+ Có quy chế, quy định cụ thể bắt buộc những người lãnh đạo, quản lý đi cơ sở, bám sát dân để hiểu dân. Đổi mới hơn nữa việc tổ chức tiếp xúc cử tri để dân có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Đảng, Nhà nước.
+ Đảng, Nhà nước cần có chính sách phụ cấp, kinh phí hoạt động và điều kiện làm việc thoả đáng cho những người làm công tác vận động quần chúng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bởi vì địa bàn của cán bộ dân vận là cơ sở, không trực tiếp “mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” [47, tr.699] thì không làm dân vận được. Hiện nay do đang thực hiện chế độ khoán kinh phí hoạt động theo đầu biên chế, nên hầu hết Ban Dân vận ở huyện,
thị, nhất là ở miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Ngân sách được cấp không đủ tiền công tác phí cho cán bộ.
Kết luận chương 2
Trên cơ sở đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội và thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động quần chúng, Ban Dân vận tỉnh Quảng Bình đưa ra những chủ trương, giải pháp vận động quần chúng phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, nhờ đó công tác này đã phát huy được mọi tiềm năng trong nhân dân cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần làm chuyển biến rõ nét về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận của Đảng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dựa vào đường lối, chủ trương của Ban Dân vận tỉnh, trong 5 năm (2001- 2005) công tác vận động nông dân ở tỉnh Quảng Bình đã triển khai được các hoạt động: Tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ văn hoá, xã hội, kỹ thuật, xây dựng người nông dân mới; tổ chức phong trào nông dân thi đua thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó cũng chỉ ra được những hạn chế trong công tác vận động nông dân trong những năm qua.
Từ thực trạng công tác vận động quần chúng trong 5 năm (2001 - 2005) và từ những quan điểm, phương hướng chỉ đạo công tác dân vận, chúng tôi đưa ra những giải pháp cơ bản, nhằm nâng
cao hơn nữa công tác vận động nông dân trong thời gian tới. Các giải pháp trên có quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Vì vậy để nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân ở tỉnh Quảng Bình cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên, tuỳ từng đối tượng, từng địa phương, từng thời kỳ, từ những đặc điểm văn hoá, phong tục, lối sống, mà xác định rõ giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm thực hiện có hiệu quả công tác này.
Kết luận
Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong cách mạng và kế thừa tư tưởng của ông cha về sức mạnh của nhân dân trong dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào nhân dân, vào sức mạnh to lớn của lực lượng đoàn kết toàn dân tộc. Để phát huy sức mạnh to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đề ra nhiều chủ trương, chính sách vận động, tập hợp quần chúng tham gia các tổ chức cách mạng, đồng thời lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi tuyên truyền vận động, tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, Hồ Chí Minh nêu ra những quan điểm, tư tưởng, phương châm, nội dung công tác vận động quần chúng rất sâu sắc, có tính chiến lược cho cách mạng Việt Nam.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là sự kết tinh những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa văn hoá nhân loại; là bước phát triển sáng tạo luận điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhằm "vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho" [47, tr.698].
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận hình thành và phát triển gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Người; lý luận dân vận của Hồ Chí Minh hoà làm một với thực hành công tác dân vận, một cuộc thực hành bền bỉ, kéo dài trong suốt cuộc đời của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận hình thành và phát triển cùng chiều với quá trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam - một cuộc cách mạng của toàn dân, vì dân.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là mẫu mực về tinh thần tôn trọng, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân. Người nói: "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân" [52, tr.197]. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn luôn xem công tác dân vận là công tác quan trọng, là nhiệm vụ cốt yếu của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên. Theo Người, muốn cách mạng thành công thì phải làm tốt công tác dân vận.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận bao gồm một hệ thống quan điểm cơ bản chỉ đạo công tác dân vận: tất cả vì lợi ích của nhân dân; dân chủ là tư tưởng cơ bản xuyên suốt công tác dân vận; đoàn kết, tập hợp lực lượng là nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận. Đồng thời tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận còn chỉ rõ những phương thức cơ bản chỉ đạo công tác dân vận đó là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; cách tổ chức, cách làm việc phải phù hợp với quần chúng.
- Công tác dân vận có tầm quan trọng đặc biệt trong các thời kỳ cách mạng, là một trong những nhân tố góp phần vào thắng lợi của cách mạng. Nhận rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận, Hồ Chí Minh chỉ rõ lực lượng làm công tác dân vận là: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v..) đều phải phụ trách dân vận" [47, tr.699]. Đồng thời Người cũng chi rõ phong cách làm việc của người làm công tác dân vận là: "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc" [47, tr.699].
- Tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh đã được tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Thấm nhuần tư tưởng của Người, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Ban Dân vận của tỉnh Quảng Bình đã vận dụng, đưa những chỉ dẫn về dân vận của Người vào thực tiễn hoạt động cách mạng, biến những tư tưởng của Người thành những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, nhất là trên địa bàn nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Đặng Nguyên Anh (2003), "Lại bàn về dân vận", Tạp chí Dân vận, (1), tr.10.
2. Nguyễn Thị Mai Anh (2002), "Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân và dân chủ", Tạp chí Dân vận, (12), tr.14-15.
3. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2000), Tài liệu giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Nxb Giáo dục.
4. Ban Dân vận Trung ương (2000), Một số vấn đề về công tác vận động nông dân ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Ban Dân vận Trung ương - Trung tâm Nghiên cứu khoa học dân vận (2005), Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác dân vận trong thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Hoàng Tiến Cát (2005), Quan hệ giữa chính quyền nhà nước