Đối với chính trị 1 ảnh hưởng tích cực

Một phần của tài liệu LUẬN văn tư tưởng chính trị cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với sự nghiệp đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 44 - 52)

2.1.1. ảnh hưởng tích cực

Xây dựng nền chính trị vì dân

Một trong những giá trị nổi bật của Đức trị Nho giáo là kêu gọi nhà cầm quyền hướng về dân và quan tâm đến dân. Đức trị giương cao ngọn cờ Vương đạo, chủ trương dùng đức để trị dân, bảo vệ dân. Đường lối Vương đạo được đặt trên nền tảng lớn là:

Thiên ý dân tâm (ý trời và lòng dân là một); Quân dân tương thân (chính trị phải hợp với lòng dân); Thứ, Phú, Giáo dân (làm dân có nhiều, dân giàu, dạy cho dân biết lễ nghĩa) và ái dân (yêu dân).

Có thể nói, Đức trị Nho giáo là một trong những học thuyết chính trị - đạo đức đầu tiên đặt vấn đề lấy con người làm cơ sở xuất phát cho các chủ trương chính trị. Mặc dù tư tưởng "vì dân" của Đức trị không có khả năng hiện thực hóa bởi nó không được xây dựng trên nền tảng chính quyền của dân, do dân, nhưng ngày nay tư tưởng đó vẫn còn giá trị khi chúng ta khai thác, vận dụng vào việc xây dựng một nền chính trị vì dân.

Xây dựng nền chính trị vì dân trở thành tư tưởng nhất quán, xuyên suốt quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh. Người không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền nhận thức mà còn đòi hỏi tư tưởng đó phải được thực hiện trên thực tế. Trong khi cầm quyền, Người đã tuyên bố và từng bước tổ chức hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước sao cho đó là công cụ của dân và cán bộ Đảng, Nhà nước là nô bộc của dân. Dưới sự lãnh đạo của Người, những người cộng sản Việt Nam đã khơi dậy, kế thừa và làm phong phú truyền thống của dân tộc về văn hóa, đạo đức chính trị cũng như kinh nghiệm quản lý đất nước, tinh thần độc lập tự chủ, đấu tranh bất khuất chống mọi nô dịch áp bức, tình thương người, lòng nhân nghĩa của cha ông để xây dựng nền chính trị vì dân.

Ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh đã căn dặn các cán bộ: "Nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân..., chính quyền từ xã đến Trung ương đều do dân cử ra..., quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" [33, tr. 698].

Người còn chỉ rõ: "Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của nhân dân lên hết thảy" [32, tr. 22].

Nội dung này đã hàm chứa tư tưởng: chế độ dân chủ thực chất là chế độ ủy quyền của nhân dân vào nhà nước - cơ quan quyền lực của dân. Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là một chế độ trong đó người dân làm chủ. Nói tới xây dựng thể chế, trước hết là xây dựng chính quyền nhà nước. Thể chế chính trị vững mạnh và có hiệu lực phải là thể chế có khả năng giải quyết, điều tiết đúng đắn, hợp lý các mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm. Nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước và nhà nước là chủ thể thực hiện sự ủy quyền. Nhân dân là chủ nên quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Nhà nước phục vụ dân chúng và dân chúng phải có trách nhiệm xây dựng nhà nước của mình.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt đã được thực hiện trên thực tế. Thực tiễn

sống động trong suốt 57 năm qua của Nhà nước ta cho thấy, Nhà nước ta đã phát triển từ hình thức thấp đến hình thức cao, từ Nhà nước dân chủ nhân dân từng bước tiến lên nhà nước kiểu mới - Nhà nước XHCN - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhà nước trở thành công cụ sắc bén trong công cuộc xây dựng và cải tạo XHCN ở nước ta.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Nhà nước ta đã có không ít những khuyết tật: quan liêu, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, không ít cán bộ nhân viên tham nhũng, thoái hóa, biến chất; hoạt động phân tán, thiếu kỷ luật, kỷ cương; cán bộ thiếu kiến thức khoa học trong tổ chức và quản lý... Những hiện tượng đó làm xói mòn bản chất dân chủ của Nhà nước kiểu mới, làm suy yếu hiệu lực quản lý của nó trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xây dựng nền chính trị vì dân trước hết phải bắt đầu từ việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước, khắc phục sửa chữa những khuyết tật, thiếu sót, làm cho bộ máy nhà nước có hiệu lực và hiệu quả cao, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân.

Xây dựng nền chính trị vì dân, "lấy dân làm gốc" đã trở thành bài học lịch sử vô giá của cách mạng nước ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã khẳng định: "Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc", "mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện

vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng" [10, tr. 29].

Công cuộc đổi mới đã đem lại những thành tựu to lớn, làm thay đổi bộ mặt đất nước, cải thiện một bước rất căn bản trong đời sống của nhân dân. Nhiều chủ trương lớn từ dân, do dân, vì dân được đề ra. Chủ trương xóa 50 vạn hộ đói nghèo, tập trung vốn vay cho dân sản xuất, mở mang các khu kinh tế - quốc phòng ở các vùng rừng núi heo hút, xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở để cán bộ, đảng viên biết lắng nghe quần chúng... đó là những quyết sách lớn, đầy tính nhân bản, thể hiện rõ tư tưởng "lây dân làm gốc" của Đảng.

Xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước

Loại bỏ yếu tố duy tâm trong thuyết "chính danh" của Khổng tử, có thể khai thác yếu tố tích cực của nó trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay đặc biệt trong mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước. Tất nhiên "chính danh" ở đây mang ý nghĩa: tổ chức nào có chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đó, không "lấn sân", bao biện, làm thay.

Thực tiễn cho thấy:

Sự lẫn lộn chức năng giữa Đảng với Nhà nước dẫn đến tình trạng Đảng vừa bao biện làm thay, vừa buông

trôi khoán trắng cho Nhà nước, làm cho Nhà nước khó phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa thụ động ỷ lại vào sự lãnh đạo của cơ quan Đảng, vừa lúng túng, do dự không dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình [35, tr. 71].

Vì vậy, trong điều kiện Đảng cầm quyền, cần phải phân định rõ chức năng để Đảng và Nhà nước có cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động đúng đắn nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Có thể khái quát sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội như sau:

Trên cơ sở ý chí và nguyện vọng của nhân dân lao động, Đảng đề ra cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chính sách lớn định hướng cho sự phát triển của Nhà nước và của toàn xã hội trong từng thời kỳ nhất định.

Đảng lãnh đạo toàn diện, tức là lãnh đạo tất cả các cơ quan Nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp), các hoạt động của Nhà nước ở tất cả các cấp. Đảng lãnh đạo cả việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy tổ chức lẫn hoạt động của Nhà nước và đoàn thể. Không có lĩnh vực hoạt động nào của Nhà nước nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng.

Đảng phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ bố trí vào bộ máy Đảng, đồng thời giới thiệu vào các cơ quan nhà nước những cán bộ có phẩm chất và năng lực.

Đảng kiểm tra mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

Đảng giáo dục, tổ chức cho đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, giáo dục các tầng lớp nhân dân thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Từ nội dung cơ bản trên cho thấy thực chất sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là sự lãnh đạo chính trị, mang tính chất định hướng, tạo điều kiện để Nhà nước có thể độc lập tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, viên chức, hoạt động đúng chức năng, quản lý, điều hành bằng những công cụ, biện pháp của Nhà nước. Đảng lãnh đạo nhà nước nhằm bảo đảm cho Nhà nước hoạt động theo chức năng của nó để quản lý kinh tế - xã hội một cách hiệu quả nhất.

Trong điều kiện đổi mới toàn diện hiện nay, chức năng quản lý của Nhà nước có thể khái quát như sau:

Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách cụ thể; xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội và cụ thể hóa chiến lược đó thành những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có phẩm

chất và năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có chất lượng; xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội; bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo luật định; nghiêm trị những hành vi tham nhũng vi phạm quyền làm chủ của công dân.

Sự phân định chức năng của Đảng và Nhà nước đòi hỏi phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa các cơ quan đảng và nhà nước. Mối quan hệ đó phải được cụ thể hóa thành các quy định bảo đảm cho các cơ quan đảng và nhà nước thực hiện đúng chức năng của mình. Mối quan hệ đó phải được cụ thể hóa thành các quy định bảo đảm cho cả cơ quan đảng và cơ quan nhà nước thực hiện đúng chức năng của mình. Các cơ quan, tổ chức đảng và đảng viên phải tuân thủ pháp luật, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; phải tôn trọng quyền hạn của cơ quan nhà nước.

Từ ý nghĩa chính trị sâu sắc của thuyết "chính danh" Nho giáo, có thể khai thác và vận dụng nó vào việc xác định chức năng, quyền hạn của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, làm cho các tổ chức đó tránh được tình trạng chồng chéo chức năng, hoạt động thiếu hiệu quả. Đặc biệt, trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, việc xác định rõ chức năng sẽ góp phần đưa Đảng ta vươn lên ngang tầm một Đảng lãnh đạo

chính quyền, có trọng trách lãnh đạo toàn dân xây dựng thành công CNXH, đồng thời Nhà nước cũng đổi mới cơ bản tổ chức và hoạt động của mình bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu LUẬN văn tư tưởng chính trị cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với sự nghiệp đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 44 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w