Con người với tư cách là nhân tố thúc đẩy kinh tế
Mục đích của Nho giáo là nhằm giáo hóa, đào tạo con người, hoàn thiện con người và hoàn thiện xã hội, làm cho xã hội luôn ổn định, thái bình, thịnh trị. Theo Nho giáo, sự hoàn thiện con người vừa là kết quả, vừa là điều kiện, nguyên nhân của sự hoàn thiện xã hội. Nếu gạt sang một bên những điều kiện lịch sử, xã hội thì phải chăng Nho giáo đã sớm nhận ra vai trò của con người đối với sự ổn định và phát triển xã hội. Kinh tế, văn hóa ổn định phát triển xét cho cùng là do con người, vì con người.
Nhịp độ phát triển kinh tế thời kỳ ở một số nước Nhật Bản, Hàn Quốc... bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu nhất, có ý nghĩa quyết định nhất là sự quan tâm đặc biệt tới việc đào tạo con người tới sự ổn định chính trị, xã hội.
Trong các văn kiện của Đảng ta cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề này. Bởi vì, không có sự ổn định về chính trị và xã hội, không quan tâm đào tạo, hoàn thiện con người về các mặt
đức, trí, thể , mỹ thì không thể phát triển kinh tế, không thể tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tất nhiên đến lượt nó, việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ trở thành động lực trong việc hoàn thiện, hiện đại con người, xã hội; chính trị, xã hội sẽ có cơ sở bền vững hơn.
ở nước ta, thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế thị trường đã đẩy nhanh sự tăng trưởng về kinh tế nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều xáo trộn trong quan hệ xã hội, sinh hoạt gia đình và phẩm chất cá nhân. Để ngăn ngừa những hiệu quả tiêu cực của nền kinh tế thị trường, bảo đảm cho sự phát triển vật chất không kéo theo sự suy thoái tinh thần, chúng ta cần phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao những phẩm chất đạo đức vốn có trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những phẩm danh đạo đức tối thượng của con người như: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí - Tín trong xã hội Nho giáo trước kia cho đến nay vẫn còn ý nghĩa, nếu chúng ta biết kế thừa, chắt lọc.
Điều đáng chú ý là đề cao Nhân, Nghĩa trong cuộc sống của con người; nhưng Nho giáo cũng không bỏ qua vấn đề cơm ăn, áo mặc của nhân dân. Bởi nhân dân có đủ ăn đủ mặc thì mới thực hiện được đạo nghĩa đạo Nhân. Chính vì thế Nho giáo khuyên giới cầm quyền tìm mọi cách để giúp dân sản xuất, phải chăm lo đến việc sản xuất của dân. Mạnh Tử từng nói:
Nếu vua chẳng làm trái nghịch thời tiết của kẻ làm ruộng, đừng bắt họ làm xâu trong mùa cấy gặt thì thóc lúa ăn chẳng biết. Nếu đừng để cho người ta bủa lưới nhặt trong các bưng hồ thì cá rùa ăn chẳng hết. Nếu đừng để cho lưỡi rìu, cạnh búa đốn phá rừng núi sau lúc sai mùa thì cây cối dùng chẳng hết. Lúa thóc và rùa cá dự ăn, cây cối dư xài, nhân dân nhờ đó mà nuôi dưỡng người sống, mai táng kẻ chết, họ chẳng sầu oán gì nữa. Trong nước mà dân chúng chẳng oán sầu vì họ nuôi người sống được no ấm, chôn người chết được đủ lễ, đó là bước đầu của một nền cai trị thịnh vượng vậy [6, tr. 13].
Nho giáo còn đòi hỏi giai cấp thống trị phải để cho nhân dân có tài sản riêng. Có như vậy dân mới yên tâm làm ăn, đời sống mới no ấm, nhà nước mới có dư thừa. Mạnh Tử nhấn mạnh trách nhiệm của người cầm quyền đối với cuộc sống của nhân dân. Theo ông, người cầm quyền phải đồng cam cộng khổ với nhân dân, không nên có cuộc sống quá chênh lệch so với cuộc sống của dân thường. Đó là điều đáng để các nhà lãnh đạo trong xã hội hiện đại suy ngẫm.
Đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Để đạt được các mục tiêu sau khi kết thúc thời kỳ quá độ, chúng ta không thể không coi trọng ưu tiền phát triển kinh tế. Chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng để làm cho "dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh..." Đó cũng là tiền đề bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội. Muốn vậy, một trong những điều kiện cần thiết là Đảng và Nhà nước ta phải đề ra những chính sách, biện pháp kinh tế - xã hội phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người. Những biện pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước cần phải xuất phát từ con người và vì con người. Bởi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.
Sản xuất đi đôi với tiết kiệm
Nho giáo nhấn mạnh sản xuất đi đôi với tiết kiệm, sớm đặt ra vấn đề tiết kiệm: "Đạo lớn làm ra của cải là: số người làm việc sinh lợi ngày càng nhiều, số người ăn tiêu phung phí ngày càng ít số người làm ra của cải phải mau mắn, siêng năng, những người tiêu dùng phải thư thả, từ từ. Như vậy của cải luôn luôn đủ" [4, tr. 31]. Khổng Tử còn khuyên vua "tiết dụng nhi ái dân", nghĩa là phải tiêu dùng tiết kiệm mà thương yêu dân.
Tuân Tử cho rằng nếu như hết sức làm việc nông, lại tiết kiệm tiêu dùng thì trời chẳng bao giờ làm mình đói.
Với lời răn dạy về tiết kiệm ấy của Nho giáo, những người làm quan thanh liêm ngày xưa thường ăn uống đơn sơ, trang phục giản dị, coi vẻ đẹp của con người là sự thanh cao của tâm hồn chứ không phải ở sự xa xỉ trong nhà cửa, áo quần, vật liệu tiêu dùng.
Xã hội Việt Nam ngày nay đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần có nhiều yếu tố: tài nguyên, vốn, kỹ thuật, công nghệ mới và con người. Trong khi đó đối với nước ta, nguồn tài chính, nguồn lực vật chất còn rất hạn hẹp, thế nhưng "chúng ta lại chưa thực hiện tốt cần kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, dồn vốn cho đầu tư phát triển" [12, tr. 63]. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn là nước nông nghiệp, lao động nông nghiệp chiếm hơn 70%, đời sống nhân dân ở nhiều vùng nông thôn, các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn rất thấp, GDP bình quân đầu người chưa đến 300 USD/năm nhưng tình trạng tiêu dùng xa hoa, lãng phí diễn ra khá phổ biến cả ở nông thôn và thành thị, trong một số khá đông cán bộ và nhân dân. Đó là điều đáng lo ngại. Vì vậy, "chúng ta nhất thiết phải cần kiệm để công nghiệp hóa, khắc phục xu hướng chạy theo xã hội tiêu dùng, lối sống xa hoa, lãng phí. Đó là một trong những nhân tố thành công của chúng ta [14, tr. 11].
Tiết kiệm trong điều kiện hiện nay không phải là khuyến khích giảm nhu cầu tối thiểu mà chính là nâng cao khả năng thỏa mãn nhu cầu hợp lý của con người như là tiền đề để phát huy nguồn lực con người - nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Như vậy, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, tư tưởng về sản xuất đi đôi với tiết kiệm của Nho giáo cũng như đức tính cần kiệm truyền thống của dân tộc cần phải được kế thừa và đổi mới. Cần kiệm đi đôi với chống tham nhũng và lãng phí, dồn sức đầu tư cho sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai.
Tóm lại, với cách nhìn biện chứng, chúng ta có thể khai thác giá trị tích cực của Nho giáo đối với sự phát triển kinh tế. Chúng có thể đồng tình với các nhà khoa học Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan... khi họ nêu lên khả năng hòa đồng giữa Phú và Nhân, giữa Nghĩa và Lợi, giữa đạo đức và kinh doanh trong sự phát triển đất nước. Nho giáo gợi mở cho ta suy nghĩ có thể đưa văn hóa vào kinh doanh, hướng kinh doanh không chỉ vào việc tăng trưởng kinh tế mà còn xây dựng một xã hội hội có văn hóa, xứng đáng với truyền thống dân tộc, đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại.
2.2.2. ảnh hưởng tiêu cực
Nho giáo - hệ tư tưởng của một xã hội được xây dựng chủ yếu trên cơ sở chế độ ruộng công với chính sách cống nạp từ bên dưới và phân phối từ bên trên giờ đây vẫn ảnh hưởng tiêu cực tới suy nghĩ, quan niệm của nhiều người. Với tư tưởng "Trọng nông ức thương", Nho giáo từng kìm hãm công nghiệp và kinh tế hàng hóa phát triển, về mặt sản xuất, Nho giáo coi thường khoa học kỹ
thuật; về mặt phân phối nó khuyến khích chủ nghĩa bình quân. Kinh tế Việt Nam không thể đổi mới và phát triển nếu không gạt bỏ được sự cản trở đó của Nho giáo.
Dưới chế độ phong kiến, ở nước ta đã có quan hệ tiền tệ và trao đổi hàng hóa ở mức độ nhất định. Nhưng với đặc điểm bảo trì lâu dài của các làng xã, quan hệ hàng hóa tiền tệ đã không phát triển được. Thêm vào đó, các quan điểm bảo thủ, khép kín "trọng nông ức thương" đã kìm hãm sự phát triển có tính chất tự nhiên của sản xuất xã hội.
Sau cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nước ta vẫn chưa có nền sản xuất hàng hóa, nền kinh tế vẫn trong tình trạng tự cấp tự túc là chủ yếu. Đó chính là thách thức cơ bản đối với dân tộc ta khi bước vào con đường phát triển hiện đại văn minh.
Do những sai lầm chủ quan mang tính giáo điều, kinh
nghiệm duy
ý chí cùng với ảnh hưởng của tư tưởng "trọng nông ức thương",
trước thời
kỳ đổi mới nền kinh tế hàng hóa ở nước ta không phát triển. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp cùng những chính sách xã
hội kèm theo nó
đã là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa nước ta tới khủng hoảng trầm trọng.
Thực tiễn đã giúp Đảng ta nhận thức sâu hơn về CNXH, về con đường đi lên CNXH, vai trò tác dụng của sự phát triển và sử dụng các yếu tố, các khâu trung gian quá độ lên CNXH theo kiểu quá độ gián tiếp mà Lênin đã vạch ra. Nhận thức mới đưa đến chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN. Đó cũng chính là nội dung cơ bản của đổi mới kinh tế - nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới hiện nay.
Sản xuất hàng hóa đòi hỏi phải khắc phục tình trạng chia cắt, khép kín, trì trệ của sản xuất và lưu thông, nhưng do ảnh hưởng của tư tưởng cũ - tư tưởng "trọng nông ức thương" cùng với tư tưởng cục bộ bản vị (địa phương chủ nghĩa), nhiều địa phương vẫn còn xu hướng biệt lập khép kín trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế, không chú ý đến tính chỉnh thể thống nhất, đến yêu cầu phát triển chung của đất nước. Thực hiện nhiệm vụ tự cân đối các mặt của sản xuất và sinh hoạt của địa phương không có nghĩa là thực hiện tự cung tự cấp, từ bỏ giao lưu kinh tế giữa các vùng, các địa phương. Do không nhận thức đúng yêu cầu trên, do ảnh hưởng của tư tưởng cũ, cộng với những khó khăn về giao thông, về nguồn vốn, một số địa phương không đưa hàng hóa ra khỏi địa phương mình. Cách làm đó về thực chất là tự cung tự cấp trên bình diện rộng. Vô hình chung dẫn đến hạn chế sự phát
triển của sản xuất hàng hóa, làm nghèo nàn nhu cầu của đời sống xã hội.
Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN đòi hỏi phải khắc phục tư tưởng "Trọng nông ức thương" còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ và nhân dân, xây dựng các chương trình kinh tế - xã hội mang tính thống nhất, xóa bỏ tình trạng phân tán, tự cung, tự cấp.
Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ ở nước ta còn chịu phục những ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo trong lĩnh vực phân phối. Chúng ta biết rằng đặc điểm kinh tế nổi bật của xã hội Việt Nam truyền thống là sản xuất nhỏ, đặc biệt là sản xuất nhỏ trong nông nghiệp. Tính chất sản xuất nhỏ và tâm lý người tiểu nông in dấu ấn sâu sắc lên mọi mặt của xã hội Việt Nam cổ truyền và còn ảnh hưởng đến ngày nay. Nói đến sản xuất nhỏ ở Việt Nam chủ yếu là nói đến sản xuất nhỏ trong nông nghiệp với đặc trưng phổ biến là: quyền tư hữu của người tiểu nông với ruộng đất là cơ sở của nền sản xuất xã hội, ruộng đất bị phân chia manh mún, nông cụ ít và thô sơ thiếu sự hợp tác và phân công lao động; nền sản xuất có tính bảo thủ cao, tổ chức sản xuất hàng hóa thấp kém, đời sống vật chất và tinh thần của người dân gựp nhiều khó khăn và chậm được cải thiện.
Nền sản xuất nhỏ tồn tại lâu đời trong xã hội Việt Nam cùng với ảnh của tư tưởng Nho giáo đã tạo nên tâm lý cục bộ, bản
vị, địa phương. Chế độ ruộng công trong điều kiện làng xã Việt Nam đã làm nảy sinh tư tưởng bình quân về nghĩa vụ và quyền lợi.
Khi nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, tư tưởng bình quân đã trở thành lực cản lớn trong quá trình phát triển kinh tế cũng như các mặt khác của đời sống xã hội.
Cách làm kinh tế theo giờ hành chính một cách máy móc ở các hợp tác xã nông nghiệp, các nông trường quốc doanh của miền Bắc trước đây với hình thức phân phối bình quân đã dẫn đến tình trạng người lao động thờ ơ với công việc và kết quả lao động của mình. Tâm lý ỷ lại vào tập thể, dựa dẫm, cung cách lao động "được chăng hay chớ", "cơm vua ngày trời", "đi làm theo kẻng, ăn chia theo định xuất", "chân ngoài dài hơn chân trong" trở thành căn bệnh ngày càng trầm trọng.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán lâu dài chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các hình thức phân phối trong thời kỳ này cũng rất đa dạng: phân phối theo lao động, phân phối theo vốn đầu tư, phân phối thông qua phúc lợi tập thể... Tuy nhiên, tình trạng bình quân trong phân phối vẫn còn tồn tại, biểu hiện rõ nét nhất ở khối hành chính sự nghiệp. Tiền lương nhìn chung chưa đảm bảo tái sản xuất sức lao động, chưa thực sự trở thành đòn bẩy
kích thích người lao động làm việc với sự nhiệt tình và sức sáng tạo cao.
Sự phát triển nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới ở nước ta đòi hỏi phải khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực đó của Nho giáo.