Chú trọng giáo dục đạo đức kết hợp với giáo dục pháp luật

Một phần của tài liệu LUẬN văn tư tưởng chính trị cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với sự nghiệp đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 135 - 142)

pháp luật

Đạo đức và pháp luật là những hình thái ý thức xã hội, có quan hệ kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau do có chung một chức năng xã hội. Vì thế trong thực tế, nhiều quy tắc đạo đức được nhà nước thừa nhận đã trở thành quy phạm pháp luật và nhà nước cũng sử dụng pháp luật để bảo vệ đạo đức.

Trong xã hội XHCN, pháp luật là nhân tố tác động mạnh mẽ đến sự hình thành, phát triển nền đạo đức mới; còn đạo đức lại giúp cho con người khả năng tự định hướng hành vi phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật. Sự sai lệch và biến dạng của các chuẩn mực đạo đức tất yếu kéo theo tình trạng vi phạm pháp luật. Ngược lại, tuân thủ pháp luật trở thành tiêu chuẩn của đạo đức XHCN.

ở nước ta, cần chú trọng giáo dục đạo đức kết hợp với giáo dục pháp luật. Cần tránh tình trạng hoặc quá nhấn mạnh giáo dục đạo đức, hoặc quá nhấn mạnh giáo dục pháp luật.

Về giáo dục đạo đức:

- Cần chú trọng giáo dục đạo đức truyền thống, trong đó bao hàm những giá trị đạo đức tích cực của Nho giáo.

Mỗi con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ đang lớn lên phải được hình thành và củng cố lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Từ đó xây dựng ý thức bảo vệ giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức, bản lĩnh đạo đức như là cái thể hiện tập trung nhất bản sắc văn hóa dân tộc.

Lòng nhân ái, bao dung là nét đẹp cao quý trong tâm hồn con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nó được hình thành trên cơ sở tiếp nối và phát huy giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc, là tinh thần đoàn kết, sự gắn bó cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ đùm bọc nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nó trở thành đặc trưng của nhân cách, lối sống văn hóa ứng xử Việt Nam trong mỗi con người và mỗi thế hệ. Những phẩm chất cao quý khác như cần cù lao động, thông minh sáng tạo, dũng cảm bất khuất trong đấu tranh... đều được nảy sinh từ cội nguồn đó.

Đó là những giá trị đạo đức, là văn hóa đạo đức sâu sắc và bền vững của các thế hệ người Việt Nam. Thông qua giáo dục đạo đức, các giá trị đó được nhân lên mãi mãi.

Nên chăng trong giáo dục đạo đức hiện nay, cần chắt lọc những mặt tích cực của lễ giáo Nho giáo, đưa vào đó những nội dung mới để nó trở thành quy phạm đạo đức của cuộc sống, làm cho mọi người lễ phép với nhau, kính trên nhường dưới, tôn trọng kỷ cương phép nước. Trong nhà trường cũng nên phát huy những mặt tích cực của Lễ, làm cho truyền thống "tôn sư trọng đạo" được giữ gìn, phát huy, làm cho mọi hành vi của thầy và trò thực hiện theo Lễ, để cho "thầy ra thầy, trò ra trò". Tránh khuynh hướng hiểu Lễ đơn giản là lễ phép nên giáo dục Lễ một cách phiến diện, máy móc. Do vậy, trong nhà trường, giáo dục Lễ phải được xác định là một nội dung của giáo dục công dân, cần đưa những nội dung mới như lòng tôn kính lãnh tụ, biết quý trọng của cải vật chất và những giá trị tinh thần, lòng yêu quê hương đất nước, kính trọng lễ phép với nhân dân, có thái độ kính trọng và biết ơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì độc lập, tự do của dân tộc, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách thế hệ trẻ.

- Cùng với việc giáo dục giá trị truyền thống, việc giáo dục các quy tắc ứng xử, các hành vi đạo đức, hình thành văn hóa giao tiếp là một nội dung không thể thiếu của giáo dục đạo đức trong điều kiện đổi mới hiện nay. Việc giáo dục quy tắc ứng xử, các

hành vi đạo đức phải hình thành và củng cố trong con người một niềm tin sâu sắc vào những giá trị đích thực và bền vững.

Bên cạnh đó, giáo dục ý thức lao động cũng là một nội dung quan trọng của giáo dục đạo đức.

Giá trị đạo đức của lao động là ở chỗ, thông qua lao động có ích, con người biết sống và thấy cần phải sống bằng lao động trung thực của mình.

Sự thấu hiểu, cảm thông giữa những con người trong lao động là cơ sở hình thành những xúc cảm, tình cảm đạo đức. Những xúc cảm và tình cảm đạo đức đó là động lực thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi đạo đức nhằm sáng tạo ra các giá trị đạo đức. Có thể nói, thái độ yêu lao động là tình cảm đạo đức cơ bản đầu tiên, là cội nguồn của những phẩm chất đạo đức khác của cá nhân như tính trung thực, tính tập thể, tính kỷ luật, khiêm tốn. Vì vậy, giáo dục thái độ yêu lao động là nội dung quan trọng của giáo dục đạo đức. Giáo dục đạo đức phải được gắn liền với giáo dục pháp luật.

Về giáo dục pháp luật:

Pháp luật là cơ sở và là chỗ dựa cho việc hình thành đạo đức mới. Giáo dục pháp luật tạo ra khả năng thiết lập trong đời sống hàng ngày những nguyên tắc đạo đức, củng cố tình cảm, nghĩa vụ đạo đức cho mỗi con người trong tư cách công dân của

mình. Thông qua việc trang bị tri thức pháp luật, hình thành niềm tin và thói quen tuân thủ pháp luật. Giáo dục pháp luật tạo ra khả năng đổi mới các quan hệ xã hội, khắc phục tư tưởng bảo thủ, ích kỷ, cục bộ, khuyến khích các hành vi tích cực và tự giác, hình thành văn hóa pháp luật cho các cá nhân, công dân.

Chúng ta tiến lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN cũng có nghĩa là bỏ qua pháp luật tư sản, trong khi đó những tàn dư của tư tưởng Đức trị Nho giáo ngàn đời vẫn còn tồn tại trong nhận thức và hành động của người dân, vì vậy kết hợp giáo dục đạo đức với đào tạo pháp luật là hết sức cần thiết.

Việc giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân đòi hỏi phải được thực hiện một cách đồng bộ, bằng sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành, nhiều cấp với những phương thức và phương tiện khác nhau.

Điều quan trọng trước tiên là thu hút rộng rãi nhân dân tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật. Với việc tham gia hoàn thiện các văn bản pháp luật, tham gia việc giám sát và thực thi pháp luật, tự mình thực hiện nghiêm chỉnh những quy phạm pháp luật..., ý thức của nhân dân sẽ được nâng lên, không chỉ dừng lại ở mức độ hiểu biết về pháp luật mà còn thể hiện ở hành vi pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tiến hành tuyên truyền, giải thích pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc tuyên

truyền, phổ biến và giải thích pháp luật bằng các phương tiện thông tin đại chúng càng cụ thể, linh hoạt thì công tác giáo dục pháp luật càng có hiệu quả.

Như vậy, chú trọng giáo dục đạo đức kết hợp với giáo dục pháp luật sẽ góp phần khai thác những giá trị đạo đức tích cực của Nho giáo, đồng thời khắc phục những hạn chế do chính tư tưởng Đức trị gây ra. ở nước ta hiện nay, cần phải tiếp tục "quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức" [12, tr. 129].

Tóm lại, lấy phương pháp biện chứng duy vật mácxít và tư

tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở nhận thức, đồng thời phân biệt rõ những yếu tố tích c ực và tiêu cực của Nho giáo với yếu tố tích cực và tiêu cực mới nảy sinh từ cơ chế thị trường - đó là những giải pháp về mặt nhận thức giúp chúng ta có được thái độ khách quan khi đánh giá về ảnh hưởng của Nho giáo đối với đời sống xã hội Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó các giải pháp về tổ chức thực hiện cũng hết sức cần thiết. Tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện quá trình dân chủ hóa trong toàn xã hội; phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng XHCN; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tham khảo kinh nghiệm khai thác Nho giáo ở một số nước vốn có truyền thống Nho giáo - đó là những giải pháp giúp chúng ta khai

thác một cách hiệu quả những giá trị tích cực, đồng thời khắc phục, loại trừ những tàn dư của tư tưởng chính trị Nho giáo.

Kết luận

Một phần của tài liệu LUẬN văn tư tưởng chính trị cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với sự nghiệp đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 135 - 142)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w