Những điểm mạnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất lâm nghiệp có sự tham gia của người dân ở huyện tây giang, tỉnh quảng nam (Trang 76 - 78)

- Chính sách giao đất lâm nghiệp đã có tác động tích cực đến vai trò trách nhiệm của người sử dụng đất đối với tài nguyên đất. Giao đất lâm nghiệp không những tạo điều kiện cho các hộ gia đình tham gia công tác quản lý, làm chủ các khu đất đã được giao mà còn tạo điều kiện để người dân có cơ hội hưởng lợi từ rừng, góp phần cải thiện sinh kế của người dân, thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo của Nhà nước. Do chưa có điều kiện phân tích sâu về những lợi ích người nhận rừng thu được từ diện tích đất rừng. Song hầu hết tất cả các hộ gia đình có nhận đất, đời sống của người dân được cải thiện.

- Việc giao đất lâm nghiệp đã hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trên diện tích đất đã giao. Nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về công tác quản lý BV&PTR có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Hầu hết người dân đều nhận xét tình hình quản lý bảo vệ rừng tốt hơn nhiều so với những năm trước đây khi đất giao cho cộng đồng. Bước đầu đã cho thấy có những triển vọng để quản lý rừng tốt hơn. Đất được giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số Cơ tu đã góp phần giải quyết những khó khăn về đất đai để thực hiện Chương trình 132, 134 và 135 của Chính phủ về chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, đã có tác động tốt đến phát

triển lâm nghiệp, đến tình hình phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, ảnh hưởng tích cực đến sản xuất lâm sản hàng hoá và phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn miền núi.

- Giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp đến hộ gia đình đã tạo điều kiện nâng cao tư duy kinh tế cho các chủ hộ gia đình, có thêm nguồn lực mới để “gắn đất đai với lao động” và phát triển kinh tế hộ gia đình. Truớc đây nông dân miền núi tham gia lâm nghiệp với vị trí của người làm thuê. Không có đất, hoặc thiếu đất, kinh tế hộ nông dân miền núi không thể phát triển được. Thực hiện Chương trình 327 đã có tác dụng đưa thêm việc làm đến nông dân miền núi, tạo điều kiện để kinh tế hộ gia đình nông dân phát triển. Tiếp theo đó, những nơi đã đẩy mạnh giao đất lâm nghiệp đến hộ gia đình, các hộ gia đình đã có thêm đất đai, một loại tư liệu sản xuất quan trọng nhất trong sản xuất nông lâm nghiệp. Quyền sử dụng đất lâm nghiệp ổn định và lâu dài đã tác động rất tốt đến tư duy kinh tế của các hộ gia đình, phát huy được tính sáng tạo của hàng triệu hộ gia đình nông dân miền núi, tạo điều kiện nâng cao quyền tự chủ về kinh tế. Tình hình đó đã tạo được động lực mới để thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển khá hơn.

- Sau khi nhận đất, được sự hỗ trợ của các dự án Carbi, BCC, Malteser... đã triển khai trồng rừng, xây dựng vườn ươm, tổ chức chăn nuôi dưới tán rừng và bước đầu hưởng lợi từ rừng... đây là những hoạt động phát triển rừng mà trước khi không tồn tại trong cộng đồng. Trước kia người dân chỉ sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên để duy trì khả năng cung cấp của rừng thì hiện nay họ đã có nhận thức phải trồng thêm để phát triển rừng. Do vậy, trong tương lai cần nhân rộng nhiều hơn các mô hình đó. - Sau khi tiến hành đo, giao thì đất lâm nghiệp đã tạo nên những chuyển biến mới. Từ chỗ đất lâm nghiệp đang có nguy cơ thoái hóa, cạn kiệt thì nay sẽ từng bước phục hồi và phát triển hình thành những khu rừng mới. Sau khi nhận đất, với vai trò là chủ thể quản lý, các hộ gia đình đã tổ chức sản xuất theo nhiều phương thức khác nhau. Từng bước có sự chuyển đổi tích cực trong phương thức sử dụng đất như thay thế hình du canh du cư đất nương rẫy sang định canh, xây dựng vườn tạp, vườn rừng. Trên đất đã có rừng từ trước thì chăm sóc, khoanh nuôi quản lý bảo vệ, đối với đất trồng đồi núi trọc các hộ gia đình từng bước cải tạo đưa vào sử dụng, trồng rừng mới, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp đưa các giống mới vào sản xuất. Nhờ đó mà diện tích đất trồng đồi núi trọc giảm xuống, diện tích đất dùng vào sản xuất lâm nghiệp tăng lên, không còn những diện tích bị bỏ hoang không thể canh tác chỉ sử dụng để chăn thả gia súc. Chất lượng đất ngày càng tốt lên, rừng được phục hồi và thu nhập hộ gia đình cũng không ngừng tăng lên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất lâm nghiệp có sự tham gia của người dân ở huyện tây giang, tỉnh quảng nam (Trang 76 - 78)