Những điểm tồn tại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất lâm nghiệp có sự tham gia của người dân ở huyện tây giang, tỉnh quảng nam (Trang 78 - 80)

Những vấn đề tồn tại sau khi giao đất lâm nghiệp và thách thức cần giải quyết trong quá trình thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp gồm nhiều bên liên quan khác nhau.

3.5.2.1.Những vấn đề tồn tại sau khi giao đất lâm nghiệp

* Từ phía cơ quan quản lý Nhà nước

Giao đất, giao rừng là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước ta, nhằm gắn đất đai với người sử dụng đất. Từ đó, Nhà nước có cơ sở để “nắm chắc - quản

chặt” nguồn tài nguyên đất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi

trường. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chính sách đã bộc lộ một số tồn tại sau:

Quá trình giao đất lâm nghiệp mới chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ diện tích. Đa số diện tích đất lâm nghiệp miền núi đều quy hoạch cho mục đích rừng phòng hộ nhưng chưa có chính sách phát triển loại đất này, không có chủ quản lý rõ ràng nên hiệu quả chưa cao; diện tích còn lại quy hoạch cho mục đích rừng sản xuất là rất nhỏ, manh mún… đã phần nào ảnh hưởng đến chính sách giao đất lâm nghiệp.

Công tác tổ chức quản lý sản xuất sau khi giao đất của Nhà nước còn có nhiều hạn chế, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất diễn ra còn chậm hoặc chưa thực hiện được, việc tổ chức tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người dân chưa kịp thời và thường xuyên. Dẫn đến tình trạng sau khi nhận đất, người dân rất lúng túng để lựa chọn một hình thức sản xuất hợp lý ở thời gian đầu, hiệu quả sản xuất của một số hộ gia đình rất thấp. Một số người dân lựa chọn hình thức sản xuất chưa phù hợp, dẫn đến hiệu quả sản xuất rất thấp, đất đai bị thoái hoá, bỏ hoang nhiều. Một số hộ gia đình qua sản xuất một vụ nếu thấy hiệu quả sản xuất không cao thì họ chuyển sang trồng cây khác.

Việc đầu tư, hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ chưa tập trung cho những hộ được giao đất, chỉ mới tập trung ở những khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi để đầu tư hoặc đầu tư trên đất không nằm trong vùng dự án giao đất lâm nghiệp. Ngoài ra, các hỗ trợ sau giao đất chủ yếu đến từ các tổ chức phi chính phủ, chưa có sự hỗ trợ lâu dài, bền vững từ phía Nhà nước.

Kinh phí Nhà nước đầu tư cho công tác giao đất lâm nghiệp còn thấp nên trong quá trình giao đất không thực hiện cắm mốc đầy đủ các điểm ranh giới ngoài thực địa, còn tận dụng địa hình, địa vật, cây cối. Vì vậy, khó khăn trong việc kiểm tra tình hình sử dụng đất và dễ phát sinh tranh chấp giữa các hộ dân trong quá trình sử dụng đất sau này.

Với địa phương miền núi, giá trị đất đai chưa được các tổ chức tín dụng xem trọng để làm cơ sở thế chấp, tín chấp. Thêm vào đó, thủ tục hành chính về vay vốn còn

rườm rà. Cùng với việc trình độ nhận thức của người dân còn có nhiều hạn chế. Từ đó, không khuyến khích được người dân thế chấp vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.

Công tác dự báo định hướng sản xuất thực hiện chưa tốt, sản phẩm đầu ra của nhân dân chưa bảo hộ bao tiêu một cách thường xuyên và hợp lý, dẫn đến tình trạng thừa thiếu, giá cả bấp bênh. Từ đó, gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý sản xuất của người dân.

*Những tồn tại về phía hộ gia đình nhận đất

- Năng lực tổ chức và quản lý sản xuất nông, lâm nghiệp của một số hộ gia đình còn nhiều hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất. Song họ lại nhận và thuê quá nhiều đất dẫn đến tình trạng hiệu quả kinh tế xã hội không cao, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, lãng phí tài nguyên đất, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.

- Do trình độ nhận thức của một số hộ gia đình còn hạn chế, nên họ chưa hiểu được hết các quy định của việc giao đất lâm nghiệp. Do vậy, nhiều hộ sử dụng đất sai mục đích, làm nhà ở trên đất nông, lâm nghiệp, khai thác rừng bừa bãi, tự do chuyển mục đích sử dụng đất, trong sản xuất chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà chưa chú ý đến bảo vệ môi trường.

3.5.2.2. Những thách thức cần giải quyết trong quá trình thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp

* Vấn đề nông dân không có đất sản xuất

Sau khi thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp thì cơ bản nhân dân đều có đất để sản xuất. Tuy nhiên, có một số hộ gia đình phát sinh mới sau khi giao đất, hoặc một số hộ gia đình bị thu hồi đất phục vụ cho các mục đích sử dụng khác lại không có đất để sản xuất. Trong khi đó quỹ đất lâm nghiệp, quỹ đất quy hoạch cho mục đích rừng sản xuất của các địa phương đã giao đã sử dụng hết. Từ đó, đã gây ra một số khó khăn cho các hộ gia đình này. Vì vậy, Nhà nước cần phải có chính sách nhằm giải quyết đất đai hoặc có cơ chế hỗ trợ phù hợp, để giải quyết công ăn việc làm cho các hộ gia đình này đảm bảo cuộc sống bình thường.

* Vấn đề hoàn thành kế hoạch giao đất, lập quy hoạch sử dụng đất sau khi giao đất

- Không nên quy định máy móc thời hạn hoàn thành giao đất lâm nghiệp mà không căn cứ vào nguồn lực và tiềm năng sản xuất hạn hẹp của địa phương đặc biệt phải quan tâm đến chất lượng công tác giao đất. Vì tiến độ giao đất sẽ phụ thuộc vào quá trình tổ chức lại sản xuất đến đâu, tiến hành giao đất lâm nghiệp đến đó sao cho phù hợp với quy hoạch, khả năng đầu tư sản xuất của Nhà nước và nhân dân.

- Các cơ quan chuyên môn cần làm tốt công tác quy hoạch để định hướng cho nhân dân sản xuất, phù hợp với yêu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường.

* Vấn đề kiểm tra và đánh giá sau khi giao đất

Sau khi giao đất lâm nghiệp, cần đẩy nhanh việc cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất để họ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, cần định kỳ kiểm tra năm bắt tình hình sử dụng đất và những tâm tư nguyện vọng của người dân trong quá trình sản xuất, nhằm có sự điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời.

3.5.3. Những khó khăn khi áp dụng tiến trình giao đất lâm nghiệp

* Về nhân lực: Năng lực chuyên môn về giao đất lâm nghiệp của cán bộ xã, thôn còn hạn chế.

Nhận thức/kiến thức của người dân về các chủ trương chính sách về giao đất lâm nghiệp còn chưa đầy đủ.

Phương pháp và kỹ năng làm việc có sự tham gia của một bộ phận cán bộ còn hạn chế.

* Về tài lực: Ngân sách địa phương không đáp ứng được cho việc nhân rộng quy trình giao đất lâm nghiệp như trên.

* Về vật lực: Chưa có hệ thống bản đồ đồng bộ; các trang, thiết bị phục vụ chuyên môn chưa được trang bị đầy đủ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất lâm nghiệp có sự tham gia của người dân ở huyện tây giang, tỉnh quảng nam (Trang 78 - 80)