Năm 1840, Liebig phát hiện ra yếu tố dinh dưỡng hạn chế năng suất cây trồng. Định luật được phát biểu: “Chất có hàm lượng tối thiểu điều khiển năng suất, xác định sản lượng và ổn định mùa màng theo thời gian”.
Định luật hạn chế năng suất cây trồng có thể mở rộng đối với các yếu tố ngoại cảnh như nhiệt độ, nước, ánh sáng. Mặc dù đủ các yếu tố về phân bón nhưng thiếu nước thì việc cung cấp nước sẽ quyết định năng suất của cây trồng. Nhiệm vụ của các nhà khoa học nghiên cứu ngành trồng trọt là phải tìm ra được các yếu tố hạn chế, yếu tố hạn chế này được giải quyết thì phát sinh yếu tố mới. Muốn đầy đủ và giúp cho việc bón phân có hiệu quả thì định luật này được mở rộng như sau: “Năng suất cây trồng phụ thuộc vào chất dinh dưỡng nào có hàm lượng dễ tiêu thấp nhất so với yêu cầu của cây trồng” ( Bùi Đình Dinh, 1998 ).
Theo Nguyễn Minh Hiếu (2003) những yếu tố hạn chế năng suất lạc ở Việt Nam là: thiếu giống có năng suất cao, đất trồng lạc thiếu dinh dưỡng, hàm lượng chất hữu cơ và mùn thấp, pH thấp (hoặc cao), vi sinh vật ít, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại lạc chưa cao. Trong rất nhiều các yếu tố hạn chế đó, yếu tố dinh dưỡng hạn chế năng suất lạc có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể.
Yếu tố kinh tế - xã hội: Theo Nguyễn Thị Chinh (2010) Yếu tố kinh tế xã hội hạn chế đến năng suất lạc là vốn đầu tư cho sản xuất lạc. Hầu hết nông dân trồng lạc thiếu vốn để mua giống tốt và vật tư đáp ứng được quy trình tiến bộ nên năng suất lạc chưa cao so với tiềm năng của giống mới.
Hiện nay giống lạc chủ yếu tự để giống hoặc mua thị trường nên hiện tượng lẫn giống, kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn đến mật độ, sâu bệnh gây hại nặng làm giảm năng suất. Đây chính là nguyên nhân làm năng suất lạc thấp và không ổn định qua các năm.
Yếu tố khí hậu: Việt Nam có lượng mưa phân bố không đều giữa các tháng trong năm, trong khi có đến 70% diện tích gieo trồng lạc là nhờ vào nước trời nên sản xuất lạc gặp khó khăn nhất là đầu vụ Xuân hè. Đối với cây lạc, thiếu nước vào bất kỳ giai đoạn sinh trưởng phát triển nào cũng làm ảnh hưởng đến năng suất lạc. Hạn ở thời kỳ gieo hạt sẽ làm cho lạc mọc không đều, nhưng hạn vào giai đoạn hình thành quả là nguy hiểm nhất, thứ hai là giai đoạn giữa ra hoa, đâm tia và quả hình thành. “Những thời kỳ sinh trưởng mạnh, ra hoa, hình thành quả cần nước nhất ( Mutert. E., 1995).
Yếu tố đất và dinh dưỡng: Các vùng trồng lạc ở Việt Nam chưa thực sự được quan tâm về kỹ thuật, đầu tư thâm canh… là yếu tố trở ngại lớn đối với sản xuất lạc.
Trên thực tế, nông dân trồng lạc chưa xem cây lạc là cây trồng chính nên đầu tư, thâm canh còn rất thấp nên chưa phát huy hết tiềm năng của giống.
Sâu bệnh hại cũng là một trong các yếu tố sinh học làm ảnh hưởng đến năng suất lạc trên cả nước, đặc biệt là bệnh héo rũ (do nhiều nguyên nhân) đang ngày càng nguy hiểm và có chiều hướng gia tăng. Tại hầu khắp các tỉnh có diện tích trồng lạc lớn như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi …. đều bị bệnh héo rũ gây hại nặng, có tỷ lệ chết cây lên đến 10 – 20 %.