2.2.2.1 Nghiên cứu cải tạo tầm vóc bò địa phương- Chương trình Sind hoá
Lịch sử quá trình Sind hoá được ghi nhận vào năm 1920, bò Red Sindhi thông qua người Pháp vào Việt Nam. Quá trình lai tạo tự phát thành nhóm bò lai Sind. Năm 1960-1970, Viện Chăn nuôi tiến hành đánh giá khoa học đàn bò lai Sind, khởi xướng chương trình Sind hóa bò địa phương. Năm 1980, ta chủ động nhập Red Sindhi và Sahiwal từ Pakistan (thông qua Mông Cổ). Chủ động lai tạo bò lai Zebu. Tiếp tục nghiên cứu công thức lai cấp tiến bò cái Vàng với bò đực Zebu. Con lai cho năng suất cao hơn khi tỷ lệ máu bò Zebu cao. Một dự án Phục hồi nông nghiệp (Cr. 2561 VN) từ 1995-1998 với 10 triệu USD để Sind hóa đàn bò trong cả nước. Kết quả 40 năm
chương trình Sind hoá đàn bò cho thấy: Bò lai Sind có năng suất thịt tinh 90- 100kg/con, gấp gần 2 lần so với bò Vàng, trong khi vẫn sinh sản tốt và dễ nuôi (thích nghi với khí hậu nóng ẩm Việt Nam). Đến năm 2003 bò lai Sind chiếm khoảng 30% tổng đàn. Đàn cái nền lai Sind là nguyên liệu quý cho lai tạo bò sữa (từ 1985) và lai tạo bò thịt gần đây. Chương trình Sind hoá đơn giản và hiệu quả vì vậy cần tiếp tục triển khai trên cả nước.
Nghiên cứu lai kinh tế bò thịt Nghiên cứu lai kinh tế bò thịt tiến hành từ rất sớm. Năm 1975-1978, Viện Chăn nuôi (Viện CN) thí nghiệm tiến hành tại nông trường Đồng Giao, Ninh Bình. Từ năm 1982-1985 thí nghiệm tiến hành tại nông trường Hà Tam, Gia Lai (Viện CN). Dự án quốc tế UNDP-VIE 86/008 (1987-1992), tiến hành ở Bảo Lộc, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai (Viện CN). 1997-2000, Viện CN kết hợp với ACIAR, tiến hành tại Vĩnh Phúc; Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp MN (Viện NNMN) kết hợp với Sesia, tiến hành tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Từ 2002, Đề tài trọng điểm cấp Bộ lai tạo bò thịt (Viện NNMN) tiến hành tại trại Bến Cát. Từ năm 2000 nhiều tỉnh trên cả nước cũng tiến hành lai tạo thông qua các dự án của địa phương. Kết luận ban đầu về lai kinh tế bò thịt cho thấy: Bò mẹ lai Sind mang thai và sinh bê lai bình thường. Tất cả các con lai F1 đều dễ nuôi, ít bệnh tật trong điều kiện nóng ẩm và thức ăn nghèo dinh dưỡng ở Việt Nam. Tăng trưởng của bê lai F1 cao hơn bê lai Sind 16- 45%, phụ thuộc vào dinh dưỡng bò mẹ và bê con. Một thực tế đáng chú ý là, trong điều kiện nuôi dưỡng thấp tăng trọng của bê lai F1 giống thịt chỉ đạt 225- 417 gam/ngày, thấp hơn so với bê lai Sind (400gam) được nuôi dưỡng tốt. Mức nuôi dưỡng khá, tăng trọng của bê lai F1 đạt 360-520 gam/ngày. Mức nuôi dưỡng tốt, bê F1 Charolais đạt tăng trọng trên 540 gam/ngày. Con lai F1 Charolais, trong các thí nghiệm với mức nuôi dưỡng khác nhau luôn thể hiện tăng trọng ổn định và vượt trội so với các con lai khác
2.2.2.2 Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chăn nuôi bò nông hộ
PGS.TS Hoàng Mạnh Quân và TS Lê Thị Hoa Sen (2006) đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trong chăn nuôi bò cho nông hộ tại một số tỉnh miền Trung, Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến công tác chuyển giao và áp dụng các TBKT. Điều kiện khí hậu, thời tiết và đất đai không thuận lợi, hệ thống dịch vụ cho chăn nuôi bò như thú y, giống, thức ăn ở các địa phương đều chưa phát triển làm hạn chế việc triển khai áp dụng các TBKT. Các cơ quan thực hiện chuyển giao TBKT cho nông hộ còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và áp dụng. Một trong những hạn chế đó là: thiếu vốn và vật tư hỗ trợ, trách nhiệm của cán bộ khuyến nông chưa tốt, nội dung và phương pháp không phù hợp. Phương pháp chuyển giao chủ yếu là tập huấn (tỷ lệ 95% số hộ), ít xây dựng mô hình, thiếu sự hỗ trợ ban đầu nên những kỹ thuật phức tạp và đòi hỏi vốn đầu tư lớn ít được nông dân lựa chọn để áp dụng vào sản xuất. Nhà
nước và địa phương đã có nhiều chính sách, qui định; các tổ chức đoàn thể cũng đã tạo nhiều điều kiện giúp các hộ phát triển và áp dụng các TBKT vào chăn nuôi bò. Nhưng trong quá trình thực hiện những chính sách, quy định này còn nhiều điều bất cập làm cản trở đến việc áp dụng các TBKT vào sản xuất chăn nuôi của người dân. Tuy nhiên, nghiên cứu trên chỉ mới được thực hiện tại các tỉnh phía Bắc miền Trung, Việt Nam, nơi có phong trào nuôi bò ở mức tương đối khá chứ chưa nghiên cứu ở các tỉnh vùng Trung Trung Bộ nơi có phong trào nuôi bò phát triển mạnh so với cả nước.
Phan Việt Toàn (2008) nghiên cứu về thực trạng và yếu tố ảnh hưởng đến chuyển giao các TBKT trong chăn nuôi bò thịt cho nông hộ ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tác giả cho thấy có nhiều TBKT đã được chuyển giao cho nông hộ, được nông hộ chấp nhận và áp dụng khá cao; có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chuyển giao - tiếp nhận và áp dụng TBKT. Các TBKT đã chuyển giao cho nông hộ bao gồm kỹ thuật về giống, chế biến thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, chuồng trại và thú y. Các cơ quan chuyển giao đã sử dụng nhiều phương pháp chuyển giao, trong đó, phương pháp tập huấn kết hợp tham quan mô hình và hoạt động theo nhóm sở thích có hiệu quả nhất và được nông dân ưa thích nhất. Có 85,63% số hộ chấp nhận và áp dụng các TBKT đã được chuyển giao. Các yếu tố ngoại vi như chính sách, quy định của Nhà nước, địa phương cũng như vai trò của các tổ chức đoàn thể đã tạo điều kiện giúp các hộ phát triển và áp dụng các TBKT vào chăn nuôi bò, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện những chính sách, quy định này còn nhiều bất cập làm cản trở đến việc áp dụng các TBKT. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra cho sản phẩm bò thịt rất bấp bênh làm cho một số bộ phận nông dân có tâm lý sợ rủi ro khi đầu tư, áp dụng TBKT. Các yếu tố nội tại như số khẩu, trình độ của chủ hộ, diện tích đất trồng cỏ có tương quan thuận với số TBKT mà hộ áp dụng. Ngược lại, yếu tố tuổi chủ hộ tương quan nghịch với số TBKT mà hộ áp dụng. Điều đó cho thấy, công tác chuyển giao TBKT chăn nuôi bò thịt tại huyện Quảng Trạch rất được các cơ quan chuyển giao quan tâm thực hiện khá tốt, phần lớn các hộ chăn nuôi bò đã nhận thức được tầm quan trọng của các TBKT mới để áp dụng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chuyển giao - tiếp nhận và áp dụng TBKT của nông hộ, trong đó các yếu tố nội tại đóng vai trò quyết định so với các yếu tố ngoại vi [39]. Tuy nhiên, nghiên cứu trên chỉ tập trung vào nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển giao tất cả các TBKT chăn nuôi bò thịt cho nông hộ, mà chưa tập trung vào nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển giao - tiếp nhận và áp dụng TBKT cụ thể.
CHƯƠNG 3. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU