Giám định các đặc tính sinh vật và hóa học của vi khuẩn E coli

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tỷ lệ mang gene kháng nguyên bám dính f18 và tính mẫn cảm kháng sinh của vi khuẩn e coli gây tiêu chảy ở lợn con sau cai sữa (Trang 35 - 36)

2) Ý nghĩa thực tiễn

2.3.3. Giám định các đặc tính sinh vật và hóa học của vi khuẩn E coli

Tiến hành xác định đặc tính sinh vật, hóa học của vi khuẩn E. coli trên 7 môi trường sinh hóa, theo phương pháp của Nguyễn Như Thanh và cộng sự (2006).

2.3.3.1. Kiểm tra sinh hóa trên môi trường KIA

Dùng que cấy vô trùng lấy khuẩn lạc cần kiểm tra ria đều trên phần thạch nghiêng và cấy chích sâu xuống phần thạch đứng, để tủ ấm 37 °C sau 18 – 24 giờ thì đọc kết quả. Trong môi trường KIA cho phép xác định được 4 tính chất:

Khả năng lên men đường glucose: vi khuẩn có khả năng lên men đường glucose thì phần thạch đứng chuyển từ màu đỏ sang màu vàng là dương tính và ngược lại, vi khuẩn không có khả năng lên men đường glucose thì phần thạch đứng giữ nguyên màu đỏ là âm tính.

Khả năng lên men đường lactose: vi khuẩn lên men đường lactose sẽ làm phần thạch nghiêng chuyển sang màu vàng là dương tính và ngược lại không đổi màu là âm tính.

Khả năng sinh hơi: vi khuẩn có khả năng sinh hơi làm thạch bị nứt hoặc bị đẩy lên khỏi đáy ống nghiệm; trường hợp sinh hơi yếu, trong lòng thạch có các bọt khí.

Khả năng sinh H2S: vi khuẩn có khả năng sản sinh H2S thì phần thạch đứng có màu đen. Do H2S được hình thành từ các axít amin chứa lưu huỳnh có trong peptone hoặc từ Sodium thiosulphate (Na2S2O3) có trong môi trường. H2S phản ứng với FeSO4 (Ferrous Ammonium Sulphate) theo phản ứng sau:

H2S + FeSO4 = FeS (đen) + H2SO4

2.3.3.2. Kiểm tra sinh hóa trên môi trường MUI

Dùng que cấy vô trùng lấy khuẩn lạc cần kiểm tra cấy một đường trích sâu xuống đáy ống nghiệm, để tủ ấm 37 °C từ 18 – 24 giờ sau đó đọc kết quả. Môi trường này cho phép xác định được 3 tính chất:

Khả năng di động: vi khuẩn có khả năng di động sẽ làm môi trường đục đều; vi khuẩn di động yếu chỉ làm đục môi trường xung quanh đường cấy.

Vi khuẩn có enzyme urease sẽ phân giải urê thành NH3 và làm pH của môi trường thay đổi, khi đó chất chỉ thị màu Phenol red chuyển môi trường sang màu cánh sen.

Tiến hành thử Indol: trong môi trường MUI có chứa tryptophan là một amino axít, một số vi khuẩn có men tryptophanaza phân giải tryptophan sinh Indol. Khi nhỏ thuốc thử Kovac’s vào môi trường Urease – Indol có cấy vi khuẩn có khả năng phân giải tryptophan sinh Indol thì trên bề mặt môi trường sẽ xuất hiện vòng màu đỏ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tỷ lệ mang gene kháng nguyên bám dính f18 và tính mẫn cảm kháng sinh của vi khuẩn e coli gây tiêu chảy ở lợn con sau cai sữa (Trang 35 - 36)